Có người hỏi tôi: “Niệm Phật A Di Đà” liên hệ đến Giới - Định - Tuệ như thế nào?
Tôi nói: Liên hệ rất chặt chẽ. Chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, khiến ý không còn nghĩ đến điều ác, ấy là giới. Ý không nghĩ đến điều ác, nên miệng không nói lời ác, ấy là giới. Ý không nghĩ điều ác, nên thân không làm điều ác, ấy là giới và là tâm giới. Giới là ngăn ngừa điều ác của thân và tâm, niệm Phật A Di Đà, khiến ý không còn nghĩ đến điều ác, miệng không còn điều kiện để nói lời xấu ác và thân không còn điều kiện để làm các điều xấu ác. Do đó, niệm Phật A Di Đà là giới và trì giới.
|
Ảnh minh họa.
|
Chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, khiến tâm an trú vào một điểm, phiền não lắng xuống và tâm bất loạn, ấy là định. Định ấy có khả năng sanh giới mà thuật ngữ Luận tạng gọi là Tịnh lự sanh luật nghi hay Định sanh luật nghi. Nghĩa là giới hay luật nghi sanh khởi từ Thiền định, để phòng hộ điều ác xảy ra từ nơi tâm ý và nơi hành động của thân, ngữ. Nên, trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà đến nhất tâm, không những sanh ra giới (śīla) mà còn sinh ra định (samādhi) và không những sinh ra định mà còn sinh ra giới. Không những sinh ra giới, định mà còn sinh ra tuệ (Prajñā). Từ định mà sinh tuệ, thuật ngữ Luận tạng gọi là Đạo sinh luật nghi. Nghĩa là do tâm ở vào trạng thái thiền định thuần nhất, các phiền nào bị nhiếp phục và đoạn tận, khiến con đường đi vào giải thoát phát sinh và có năng lực phòng hộ các ác pháp, khiến chúng bị chuyển hóa và không thể khởi lên nơi tâm, ấy gọi là Đạo sinh luật nghi.
Nên, niệm Phật càng chuyên nhất, tâm càng đi sâu vào định và định đến chỗ tột cùng thì tuệ phát sinh và nhập vào Thánh đạo vô lậu hay Phật đạo.
Tuệ phát sinh, thì thấy rõ tự tánh thanh tịnh nơi tâm mình và tự tánh thanh tịnh nơi tâm Phật A Di Đà không hai, không khác. Thấy rõ tha phương Tịnh độ với tự tâm Tịnh độ là tương tức, tương nhập. Không chứng nhập được tự tâm Tịnh độ, thì không thể chứng nhập được tha phương Tịnh độ. Và không tin vào tha phương Tịnh độ, thì không có điều kiện để chứng nhập tự tâm Tịnh độ. Trong tha phương Tịnh độ có tự tâm Tịnh độ và trong tự tâm Tịnh độ có tha phương Tịnh độ. Nên, tự tâm Tịnh độ và tha phương Tịnh độ, tuy hai mà không phải hai, tuy một mà không phải một.
Và do có tuệ, nên thấy Tịnh độ Phật A Di Đà và Tịnh độ của chư Phật mười phương đều cùng một bản thể thanh tịnh, dung thông vô ngại, có khác chăng là do từ nơi bản nguyện hay phương tiện thiết lập Tịnh độ của các ngài.
Phương tiện hay hạnh nguyện của các Ngài tuy khác, nhưng không độc lập mà tương dung, tương nhiếp với nhau, nên thế giới Tịnh độ của Phật này không hề trở ngại đối với thế giới Tịnh độ của Phật kia và Tịnh độ của Phật kia không hề trở ngại Tịnh độ của Phật này. Tất cả thế giới Tịnh độ của chư Phật đều hiện hữu ở trong thể tướng của lý sự vô ngại pháp giới và sự sự vô ngại pháp giới.
Tuệ do niệm Phật A Di Đà mà sinh khởi là vậy. Nên, niệm Phật A Di Đà đến chỗ nhất tâm bất loạn, thì không những viên mãn cả Giới - Định - Tuệ mà còn viên mãn cả Lục độ Vạn hạnh.
Do niệm Phật A Di Đà đến chỗ nhất tâm, khiến cho hết thảy hạt giống tham ở nơi tâm đều được nhiếp phục. Không tham lam mới có khả năng thực hành bố thí. Bố thí từ tâm vô tham, gọi là Bố thí Ba-la-mật.
Do niệm Phật A Di Đà đến chỗ nhất tâm, khiến cho hết thảy tác ý xấu ác hay những “tác ý phi như lý” đều được nhiếp phục và khiến cho hết thảy tác ý thiện hay “tác ý như lý ” có điều kiện để sinh khởi. Trì giới từ “tác ý như lý”, gọi là Trì giới ba-la-mật”.
Do niệm Phật A Di Đà đến chỗ nhất tâm, khiến cho hết thảy hạt giống sân hận ở nơi tâm đều được nhiếp phục. Không sân hận mới có khả năng thực hành nhẫn nhục. Nhẫn nhục từ tâm vô sân hận, gọi là Nhẫn nhục Ba-la-mật. Nhẫn nhục mà không thấy có đối tượng hay chủ thể nhẫn nhục, nên nhẫn nhục mà không có gì để nhẫn nhục cả. Nhẫn nhục là để nuôi lớn trái tim Từ bi.
Do niệm Phật A Di Đà đến chỗ nhất tâm, khiến cho hết thảy hạt giống giải đãi, biếng nhác nơi tâm đều được nhiếp phục. Không giải đãi biếng nhác mới có khả năng thực hành tinh tấn. Tinh tấn từ tâm không giải đãi, gọi là Tinh tấn Ba-la-mật.
Do niệm Phật A Di Đà đến chỗ nhất tâm, khiến cho hết thảy các cảm thọ, các tri giác, các chủng tử tâm hành, các chủng tử phân biệt nhận thức ở nơi tâm đều được nhiếp phục. Thiền định từ sự vắng mặt của các thọ, các tri giác, các chủng tử tâm hành và các chủng tử phân biệt nhận thức, gọi là Thiền định Ba-la-mật.
Do niệm Phật A Di Đà đến chỗ nhất tâm, khiến cho các chủng tử thuộc về thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, tà kiến và các loại vô minh đều được nhiếp phục. Trí tuệ sinh khởi từ vắng bặt hết thảy hạt giống tà kiến, vô minh chấp ngã và chấp pháp, gọi là Trí tuệ Ba-la-mật.
Do đó, niệm Phật A Di Đà đến chỗ nhất tâm bất loạn, thì Giới - Định - Tuệ và Lục độ Vạn hạnh tự viên mãn. Tịnh độ của Phật không đi mà tự đến; không cầu mà tự chứng; không nguyện sanh mà Tịnh độ tự sanh ngay trong hiện tiền.
Nên, niệm Phật là pháp môn tương dung, tương nhiếp hết thảy pháp môn và là pháp môn gom thâu cả Phật giáo năm thừa, gồm Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Bồ-tát thừa và Phật thừa vậy.