Nhà sư “nhất bộ nhất bái” nói về nhân duyên xuất gia

Google News

Nhân duyên là vậy! Đến đầu năm Giáp Thân, sau khi về quê ăn Tết, con trở lại thành phố tìm đến chùa Hoằng Pháp để tu học và làm công quả.

(Kienhthuc.net.vn) - Sau hơn 3 năm hành trì “nhất bộ nhất bái”, đại đức Thích Tâm Mẫn đang tiến gần đích đến, đó là chùa Đồng Yên Tử. Đây là sự kiện có tầm ảnh hưởng  lớn đối với cộng đồng Phật giáo hiện nay 
 
Để cho bạn đọc hiểu hơn về nhân duyên xuất gia của nhà sư “nhất bộ nhất bái”, Kienthuc.net.vn xin gửi đến một đoạn tự thuật của thầy được đăng trong cuốn Hạt giống Bồ đề của NXB Tổng hợp TP.HCM.
 
Đại đức Thích Tâm Mẫn phát nguyện nhất bộ nhất bái từ TP HCM ra Yên Tử
Đại đức Thích Tâm Mẫn phát nguyện nhất bộ nhất bái từ TP HCM ra Yên Tử
 
Xa quê hương, con khăn gói vào thành phố với bao toan tính tìm kiếm một cuộc sống mới nơi chốn đô thành. Vào đến nơi, con chọn ngành Đông Y để học và tạo dựng sự nghiệp cho mình. Trong thời gian đi học, con may mắn được anh của một người bạn cho phép về thực tập ở phòng chẩn trị Đông y Vạn Ân Đường thuộc quận 12.
 
Nơi đây, con có duyên lành được tiếp xúc với rất nhiều tăng sĩ khắp nơi đến chữa bệnh, trong số đó có thầy Nhuận Nghi - bấy giờ là tăng chúng ở chùa Hoằng Pháp. Nhờ sự hướng dẫn của thầy, con có đến viếng chùa vài lần. Vì là người cùng quê, thầy hay nhờ con mang kinh sách về quê giúp.
 
Nhân duyên là vậy! Đến đầu năm Giáp Thân (2004), sau khi về quê ăn Tết, con trở lại thành phố tìm đến chùa Hoằng Pháp để tu học và làm công quả. Ban đầu, mục đích của con khi về chùa chỉ là những danh lợi cá nhân, chí nguyện xuất gia chỉ hình thành sau thời gian tu học ở đây.
 
Qua tiếp xúc với thầy Nhuận Nghi, con biết rằng chùa Hoằng Pháp có một phòng Đông Y nhưng chưa có ai đủ khả năng để chịu trách nhiệm chữa trị ở đó. Suy đi tính lại, con thấy rằng về đó làm công quả cũng là một cơ hội cho mình. Vì trước nhất, đây là môi trường khá tốt cho con góp nhặt kinh nghiệm nhằm nâng cao tay nghề. Không chỉ thế, nếu có điều kiện thuận lợi con sẽ kiếm được vài bệnh nhân để điều trị ngoài giờ nhằm tăng thu nhập. Thế nên, quyết định về chùa làm công quả đã được con thực hiện bằng những dự tính mưu danh, cầu lợi.
 
Thời gian khi mới về chùa, con chỉ quét rác, sau đó thì xuống bếp nấu cơm. Dịp may lại đến, vì nhà bếp lại gần khu dưỡng lão nên con có cơ hội tiếp xúc và làm quen với các bác ở đây. Đa số họ đã lớn tuổi, nên bệnh tật là điều không thể tránh khỏi.
 
Nắm bắt cơ hội, con mua sắm y cụ và những thứ cần thiết khác để điều trị cho họ. Vừa nấu cơm, vừa trị bệnh, con đã phải rất tranh thủ thời gian. Ngày nào cũng vậy, cơm vừa chín là con đã có mặt ở khu dưỡng lão để châm cứu cho mấy cụ già, châm cứu được một chút thì phải về xới cơm. Thời gian hạn hẹp, ban đầu con chỉ làm được chừng ba mươi phút mỗi ngày.
 
Hai ba tháng sau, bệnh nhân mỗi ngày một nhiều, con vẫn vừa nấu cơm, vừa chữa bệnh, thời gian ngày càng hạn hẹp. Thế là, con tính đến chuyện nghỉ nấu cơm để dành thời gian chữa bệnh kiếm tiền. Con có hỏi qua ý kiến của thầy Giác Trí, là người chịu trách nhiệm dưới bếp, nhưng dường như thầy không thật bằng lòng.
 
Nhưng may lúc đó có chú Lân cũng về chùa để tập sự xuất gia. Làm quen một thời gian, con rủ Lân đi nấu cơm rồi dần dần giao phó hết cho chú. Thấy mọi việc đã đâu vào đấy, con bắt đầu suy tính để chuẩn bị tìm kiếm một tương lai tốt hơn.
 
Rồi theo cách làm thường tình của người chưa thật sự hiểu đạo, con nghĩ rằng: muốn cho tương lai được thành tựu thì nên đi tụng kinh, lễ Phật để cầu phước. Mà việc tụng kinh, lễ Phật lại là thời khóa tu học hằng ngày, ai về chùa làm công quả cũng phải công phu tu tập. Đây là việc làm chính lẽ nhưng do chưa thật chú tâm nên từ hôm về chùa đến nay con chỉ làm qua loa cho xong.
 
Bấy giờ, vì có chủ đích nên con tinh tấn thực hành. Chính điều này đã giúp con có điều kiện tìm đến với những giáo lý vi diệu của kinh Phật. Đặc biệt, ở chùa Hoằng Pháp, các kinh tụng hằng ngày hầu hết đã được dịch nghĩa rõ ràng, dễ hiểu nên cũng rất dễ nhớ. Nhất là kinh Tám Điều và kinh Từ Tâm, nội dung hàm chứa trong đó thật gần gũi với cuộc sống. Đây là hai bản kinh con thích nhất và cũng từ đó đã nhen nhóm trong lòng những ý nghĩ thật cao đẹp chứa đựng trong từng câu từ của giáo pháp Phật.
 
Cứ thế, công việc êm ả trôi đi một cách thuận lợi. Bệnh của các cụ cũng có phần thuyên giảm, do đó họ rất quý con. Được lòng mọi người, lại chữa được bệnh nên lúc này tiền cũng bắt đầu rót vào túi con đều đều. Song vì ở trong chùa, nhận tiền cũng không tiện, bởi vậy con thường từ chối hoặc có nhận thì cũng chẳng dám lấy nhiều. Con thầm nghĩ: “Lùi một bước, tiến ba bước, giờ gắng làm cho tốt để có danh tiếng, sau này muốn nhận thù lao cũng không muộn”.
 
Dần dần, con hình thành cho mình một tư tưởng thánh thiện hơn. Thêm vào đó là sự tác động của thầy Giác Trí, thầy Minh Thới… Qua vài lần trò chuyện với các thầy, trong lòng con đã có được ý niệm xuất gia. Chí nguyện ấy được vun bồi mỗi ngày một lớn. Thế là, trong con bắt đầu tồn tại hai dòng tư tưởng trái ngược nhau: một bên là những giáo lý cao đẹp thâm sâu của đức Phật, một bên lại là những mưu tính cho danh lợi bất thiện của xã hội đồng tiền.
 
Lúc này, con vẫn làm công quả, vẫn chữa bệnh nhưng với các khoản thù lao dần dần con đã từ chối một cách cứng rắn hơn. Thậm chí, con còn muốn đóng góp một phần chi phí để giúp đỡ cho những người bệnh.
 
Trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách, thầy Tâm Mẫn đã đi đến núi Yên Tử và đang tiếp tục hành trì lên chùa Hang Yên Tử
Trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách, thầy Tâm Mẫn đã đi đến núi Yên Tử và hiện đang tiếp tục hành trì lên đỉnh núi để đến chùa Đồng Yên Tử
 
Ý niệm xuất gia ngày một lớn như chồi non giữa mùa xuân ấm áp. Và khi đọc được những dòng chữ trong cuốn sách “Phát tâm Bồ-đề” của chú Lân ở cùng phòng, ý niệm xuất gia của con trở nên thật mạnh mẽ như làn sóng ào ạt của biển khơi, dồn dập dứt khoát như thác ghềnh tuôn chảy. Sách đã cũ, chữ đã nhòa nhưng mỗi câu từ lại chứa đựng biết bao ý nghĩa như ánh sáng rọi vào tâm hồn con.
 
Từ đây, con đã hiểu thế nào là sự thanh cao của đời sống phạm hạnh, thoát tục của người xuất gia. Quyển sách ấy đã trả lời những câu hỏi mà ai cũng sẽ đặt ra khi có ý niệm xuất gia: xuất gia để làm gì, mục đích ra sao? Người xuất gia phải sống như thế nào, phải làm những việc gì?... Dù không may mắn được đọc trọn vẹn quyển sách, nhưng từng câu từng chữ đã để lại trong con một cảm xúc thật đặc biệt.
 
Trong những tháng ngày đó, sống ở chùa, ăn cơm chùa, lại được gần quý thầy, con đã tìm thấy cho mình nhiều niềm vui mang đầy ý nghĩa cao đẹp. Những cảnh xô bồ, tranh danh đoạt lợi, tình tiền cờ bạc, rượu chè trai gái… mọi thứ như không còn tồn tại trong môi trường tăng hạnh thanh cao.
 
Vào mỗi buổi sáng, sau khi dùng điểm tâm, thầy trụ trì thường kể chuyện, giảng giải những điều cần yếu để sách tấn mọi người tu tập. Từng câu, từng lời của thầy mang đến cho con những bài học đầy ý nghĩa thiết thực với cuộc sống, phù hợp với tâm tư của mọi người. Thầy giúp con hiểu được giá trị của việc xuất gia đối với xã hội. Chính điều đó đã củng cố niềm tin, làm cho ý niệm xuất gia càng thêm vững chắc.
 
Và rồi, khóa tu Phật thất lần thứ 27 đã đến. Thời gian này thầy trụ trì nhập thất để dưỡng bệnh. Trong những ngày đó, Phật tử về tu học khá đông. Con được quý thầy trong ban tổ chức phân công nấu cơm. Công việc thật bận rộn, mọi người làm việc đêm ngày với một tinh thần tích cực mà những năm qua con chưa thật sự để tâm. Con cũng bị cuốn vào nhịp độ làm việc cũng với tinh thần và khí thế đó để hòa nhập cùng mọi người. Nhìn quý thầy lưng áo ướt đẫm mồ hôi, tất bật với công việc, con không khỏi xúc động cảm mến, quý trọng vô cùng.
 
Cũng nhờ tinh thần đó, ý niệm xuất gia của con lại càng thêm tăng trưởng. Mỗi khi đêm về, ngả lưng chợp mắt để nghỉ ngơi, những ý niệm xuất gia vẫn cứ canh cánh bên lòng. Trằn trọc thao thức suy tư mãi, có lúc con như muốn vùng dậy chạy thật nhanh vào trong thất để gặp thầy trụ trì xin được xuống tóc đi tu. Suy nghĩ này cứ lặp đi lặp lại không biết bao nhiều lần.
 
Từ ngày thầy vào thất, rồi khóa tu Phật thất kết thúc, mong muốn xuất gia ngày một thêm mạnh mẽ thôi thúc mãi không ngừng. Nhiều đêm, con như muốn đến bên thầy, quỳ dưới chân thầy để được nói lên tâm nguyện của mình. Dù cho những mệt nhọc của công việc làm con thiếp đi, nhưng khi bừng tỉnh, ý niệm xuất gia như sống lại và ngày càng lớn mạnh. Nhưng lúc này, con chưa đủ can đảm để đến gặp thầy.
 
Ngày Phật thất cuối cùng cũng đã trôi qua, thầy trụ trì cũng đã rời thất trở về tu học và sinh hoạt với tăng chúng. Lúc này, con quyết định đến xin thầy xuất gia. Thầy hiền từ khuyên nhủ: “Vậy thì tốt rồi, về lo học kinh cho thuộc!”. Nghe thầy nói vậy, con mừng không thể tả, trở về nỗ lực chăm học các kinh chú mà thầy đã dạy. Khó thuộc nhất là chú Lăng-nghiêm, còn các kinh khác, nhờ chuyên cần đọc tụng hằng ngày trong các thời khóa công phu nên con gần như đã thuộc làu.
 
Tính từ khi lên gặp thầy đến ngày xuất gia chỉ hơn hai tháng, con sống với một tinh thần mới mang nhiều hương vị hiền thiện, thấy mình như được tắm mát trong ánh hào quang của chư Phật.
 
Những lời dạy bảo hằng ngày của thầy trụ trì cùng những lời khuyên nhủ mà các bậc thiện tri thức trong chùa trao dạy đã giúp con định hình cho mình một con đường chánh đạo tươi đẹp và cao thượng, giúp cho con biết được mình phải làm gì để mang lại an vui và hạnh phúc cho bản thân và cho mọi người xung quanh.
 
Hạnh phúc đó rất mới, rất khác với những cái đang tồn tại ở cuộc sống ngoài đời. Đây không phải là hạnh phúc giả tạo có rồi lại mất, lẩn quẩn đâu bên trong những tội lỗi của con người. Những hạnh phúc như vậy thật sự quá mong manh và tầm thường! Nó không thể sánh được với những hạnh phúc mà con đang cố gắng kiếm tìm trong chánh đạo.
Dù có vượt qua núi, sông... nhưng tâm của thầy Tâm Mẫn vẫn kiên định hướng về nơi thờ đức Phật hoàng Trần Nhân Tông
Dù có vượt qua núi, sông... nhưng tâm của thầy Tâm Mẫn vẫn kiên định hướng về nơi thờ đức Phật hoàng Trần Nhân Tông
 
Bằng những tâm tư suy nghĩ như thế, con quyết định viết thư gửi về gia đình để xin ba mẹ chấp thuận cho mình được xuất gia. Thế là, lá thư đầu tiên cũng đã được gửi đi và theo đó là tâm trạng khắc khoải mong chờ hồi âm.
 
Một ngày, hai ngày, ba ngày… sao thời gian trở nên dài quá! Chẳng biết có chuyện gì xảy ra không? Rồi kết quả cũng đã có sau hai tuần chờ đợi, những dòng chữ nơi quê nhà cũng đã đến tay con. Vừa đọc chỉ mới vài dòng, lòng con như thắt lại khi biết gia đình không đồng ý. Và lá thư thứ hai cũng chẳng mang lại tin tức gì khả quan hơn.
 
Dù vậy, con vẫn một lòng quyết tâm đi hết con đường mà mình đã chọn. Con viết lá thư thứ ba thật dài, như muốn trút cạn cả lòng mình với hy vọng sẽ có sự chuyển biến trong suy nghĩ từ gia đình. Nhưng khi gởi đi rồi, tâm con vẫn còn bất an, con đã nghĩ đến chuyện táo bạo hơn: trường hợp nếu ba mẹ không cho nữa, thì con sẽ vẫn cứ xuất gia, chuyện gì đến sẽ tính sau!
 
Cũng trong thời gian này, có vài người bạn đến thăm con. Hầu hết khi đến đây, trong người họ đều đã có hơi men. Khi trò chuyện với họ, chuyện gì con cũng đề cập đến, chỉ mỗi ý định xuất gia vẫn giữ kín, không cho họ biết.
 
Sau mỗi lần gặp gỡ, mỗi đêm về con lại trăn trở suy nghĩ rất nhiều. Nghĩ đến những lạc thú ở đời, nhớ đến hơi men của rượu, vị đắng của cà phê, và những lời nói ngọt ngào yêu thương…, con nghĩ đến những thú vui giả tạm mà bạn con đang tận hưởng ngoài cuộc sống đời thường. Đôi lúc cái ma lực ấy như muốn nuốt chửng ý định xuất gia, con muốn vứt bỏ tất cả để chạy theo nó, ôm chầm lấy nó, tận hưởng cảm giác được vui, được yêu mà nó mang đến.
 
Nhưng con cũng không khỏi xót xa khi nhớ đến những điều bất thiện của cuộc sống ấy, rồi con lại đem cái cuộc sống tầm thường đó để so sánh với cuộc sống thanh cao của người xuất gia.
 
Con nhớ đến quê hương, gia đình, bè bạn, ở quê nhà. Đa số mọi người đều chìm đắm trong lối sống mang nhiều ô tục: sáng ra kiếm vài ba miếng bỏ bụng rồi lao vào công việc, tranh danh đoạt lợi…, chiều về lại tụ tập làm bạn cùng ma men, vui cái vui chung với ma men, rồi sau đó không biết bao nhiêu điều sai quấy cũng xảy ra bởi ma men. Con nhớ đến ba, đến ông, đến bác, đến anh em dòng họ rồi cả những người ngoài xã hội ai ai cũng vướng vào cảnh đó không ít thì nhiều.
 
Cái cảnh vui cũng rượu, buồn cũng rượu, chuyện lớn, chuyện nhỏ, đình đám, hội họp… tất tần tật đều mời ông ma men ghé thăm. Vì ông ta mà đánh nhau, vì ông ta mà tai nạn, cũng vì ông ta mà anh em bạn bè trở mặt thành thù hận… Ấy vậy mà ma men vẫn hiện hữu khắp nơi, người đời vẫn chìm đắm trong cái lạc thú suy bại đó. Dưới con mắt của người tỉnh táo, người ta say nhiều lắm. Say nhiều thì khổ nhiều, thế mà vẫn cứ say.
 
Con lại nghĩ: ba mình ma men, anh mình ma men, chú bác anh em bà con… cũng là ma men, không khéo mai này không sớm thì muộn mình sẽ lại giống như họ. Cho nên, con quyết định dù gia đình không cho hay bất kỳ ai ngăn cản, thì con cũng phải xuất gia, không thể khác hơn được.
 
Rồi lần này con lại nhận được thư của gia đình. Lá thư rất ngắn, chữ viết lại ngoằn ngoèo, nhưng lại chứa đựng một nội dung thật quý báu, như tháo gỡ cho con bao trăn trở trong lòng. Ba viết: “Minh à! Thôi số con rứa thì con ráng tu học cho tốt!”. Chính nhờ câu nói này mà con đã được xuất gia. Trong lòng con tràn ngập niềm vui, vui vì mình sắp được xuất gia, vì vậy nên phải ráng “tu học cho tốt”.
 
Trong niềm hân hoan đó, hôm khảo các bài kinh phải học thuộc, con đã hoàn thành một cách trọn vẹn. Vậy là chỉ bảy ngày nữa thôi, lễ xuất gia sẽ được tổ chức và sau buổi lễ này, con sẽ bước vào hàng ngũ của tăng đoàn. Một cuộc sống mới thanh cao, tốt đẹp như đang mở ra phía trước, lòng con tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
 
Một lòng của thầy chí thành hướng về Trúc Lâm Yên Tử
Một lòng của thầy chí thành hướng về Trúc Lâm Yên Tử
 
Trước ngày xuất gia, sau khi họp chúng, thầy trụ trì gọi các chú đến để hỏi nguyện vọng và mục đích của từng người. Mỗi người một ý kiến khác nhau nhưng tựu trung lại, ai ai cũng cho rằng cuộc sống đời thường có gì đấy làm cho họ chưa thật toại nguyện. Thế nên, họ tìm đến cuộc sống mới có ý nghĩa hơn. Bằng tâm thành chí thiết với đạo, với đời, từng người đã nói lên lời phát nguyện của riêng mình.
 
Còn con, đã bạch cùng thầy: “Qua một thời gian tìm hiểu Phật giáo, con thấy đây là con đường cứu cánh cho đời mình nên xin nguyện xuất gia tu học”. Vâng! Phật pháp không chỉ “cứu cánh cho đời mình” mà trong suy nghĩ của con, đó còn là “con đường cứu cánh” cho tất cả những ai giác ngộ khổ đau, muốn tìm về bến bờ giải thoát.
 
Đúng 04 giờ sáng ngày 19 tháng 06 năm Giáp Thân, lễ xuất gia chính thức được tổ chức. Con và các bạn đồng tu như được sinh ra lần thứ hai. Lần này cũng có cái đầu trọc gần giống như lần trước, chỉ có điều, cái đầu này cao hơn, đẹp hơn và sáng hơn. Cái đầu trọc trước kia là do bẩm thụ tinh cha huyết mẹ mà thành nên không khỏi nhiễm đắm trần tục.
 
Lần này, cái đầu trọc ấy đã dần gột bỏ bụi trần, con khoác lên mình manh áo nâu sòng, bắt đầu cuộc sống tịnh hạnh, học theo giáo lý Như Lai, lấy trí tuệ làm ngọn đuốc soi đường.
 
Xin nguyện mang ngọn đuốc ấy thắp sáng giáo lý vị nhân sinh của chư Phật để cứu độ mọi người vượt thoát sông mê; nguyện hết thảy chúng sinh dứt bỏ não phiền quay về cõi tịnh!
 
Tự thuật của ĐĐ. Thích Tâm Mẫn
[links()]

Bình luận(0)