“Ăn mày là ai, ăn mày là TA, đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”, nghe lâu rồi và cũng có hiểu nhưng chưa sâu sắc như sau này, lúc đã có duyên học Phật một chút mới thấy câu ấy mênh mang ý tứ, hàm ẩn nhiều, ý nghĩa giáo dục theo tinh thần con nhà Phật rất cao.
Ăn mày, hạng người tột cùng của xã hội, bị người đời nhiều lúc rẻ khinh, người ta dùng chữ “ăn mày” để chỉ điểm cuối cùng của giá trị làm người, trong nhiều trường hợp. Nhưng tại sao “..ăn mày là ta”?, ta – tất cả, lẽ nào tất cả là ăn mày, một “nghề nghiệp” đáng sợ?
Quả thực, nếu xét theo văn chương thuần túy thì đấy cũng là bước “khái quát” bạo liệt khác thường, nhưng ngẫm kỹ thì cũng hiểu được theo lẽ thông thường vì nội dung câu đã gói trọn vẹn ý tứ cần phát đi: “đói cơm rách áo” tất “hóa ra ăn mày”, logic chặt chẽ. Thì ra, mấy chữ thôi, mà nội dung thực trọn vẹn đủ đầy: ăn mày, tình trạng khốn quẫn cuối cùng chỉ sự khánh kiệt về tài sản, mà trong cuộc đời cạnh tranh, được mất, vô thường, mọi cái đều có thể, “đói cơm rách áo” lẽ nào miễn trừ ta, nên “thành ra ăn mày” đáng sợ mà không khó hiểu lắm, lẽ vô thường.
|
Ảnh minh họa. |
Trong một câu không hề có trong kinh điển nhà Phật, lại mang trong mình ý tứ sâu sắc của lời Phật dạy: không được khinh rẻ người ăn mày, cũng đồng kiếp con người, họ cũng như ta – được sinh vào cõi người, chỉ vì phước phạn mỏng do duyên nghiệp mà chịu cảnh như thế. Họ cũng luân hồi hay giải thoát nếu có công hạnh tu tập, như mọi chúng sinh. Dưới mắt Phật, nhân gian không có ai đáng khinh rẻ, côn trùng cây cỏ còn trân trọng nói chi con người? Ăn mày, thang bậc cuối cùng, về khả năng, ai cũng có thể vẽ “cõi” ấy nếu không gây dựng công đức, không có phước báu tốt.
Giả thuyết: có một ông chủ nọ giàu có tiền muôn bạc vạn, vinh hoa phú quý, do nhiều nhân duyên, làm ăn thất bát, tai họa liên miên, phút chốc trắng tay, lây lất mãi rồi cuối cùng người ta thấy ông tiều tụy làm thân ăn mày! Chuyện này có hoang đường và phi lý hay không? Không, về khả năng là có, xác suất cao, nhất là trong “cơ chế thị trường” khốc liệt bây giờ, sáng dậy mở mắt trúng quả đậm thành tỉ phú, tối nghe cuộc điện thoại hay một tin nhắn, một email cho biết thương vụ làm ăn thất bại, thành ra bần hàn là thường.
Xem thời sự trên ti vi, đọc nhật báo hay cà phê sang quán cóc, chẳng lẽ không nghe chuyện bể dâu giàu – nghèo thay đổi như chong chóng đó sao?
Đời là vậy, song lý luận nhà Phật phân tích rõ hơn, khúc triết hơn nhiều: lẽ vô thường, nhân quả, phước báu..có hết trong ấy, sự được mất, thấp cao của phận người. Hưởng phước giàu sang mà không gìn giữ, không thi ân bố đức làm việc nghĩa, không từ thiện, cúng dường, không tu tập.. thì sự giàu sang không bền ngay ở đời ta, lại còn đời con, đời cháu, chắt…Ông nội là đại điền chủ, cháu hay xe ôm, hay bán vé số chẳng lẽ không có hay sao? Ngược lại, ông nội thân ở đợ nhà giàu, biết tằn tiện gìn giữ chắt chiu và tu tâm, tu khẩu, tu ý.. Đời con đời cháu thành phú gia, chẳng lẽ cũng không có sao? Đấy, triết lý nhà Phật nào phải thô vụng, mê tín như một số người nghĩ, mà biện chứng, khoa học, xét sự vật hiện tượng trong sự vận động liên tục như thế đấy.
Chưa hết, câu ấy còn mênh mang lắm: ta nhìn vào tha nhân, người ăn mày đói khổ, lạnh lẽo, bị rẻ khinh ngoài đường, lẽ nào không thể quán tưởng mà có lợi cho sự tu tập của chính mình, “ăn mày là ta” chính là lời nhắc nhở nghiêm khắc, chỉ cho thấy lẽ thật: anh chị không lo làm ăn, tu tập mà ăn ở thất đức, gây oán chuốc thù, hoang phí, phạm pháp..chẳng lâu đâu, thành ra ăn mày. Chẳng lẽ phương pháp nhìn tha nhân mà sửa mình không hiệu nghiệm lắm sao?
“Phát hiện” – tạm mạo nhận vậy - thấy ý Phật trong câu dân gian dung dị, trong lòng thú vị lắm. Câu ấy gom thu nhân sinh lại làm một, “gói” trong kiếp ăn mày mà cảnh tỉnh, nhắc nhở, đồng thời kêu gọi tình thương yêu con người, cho thấy sự luân hồi, vận động, tương tác.. rất biện chứng trong cõi người, cõi đời. Ít có câu dân gian nào mà hàm chứa sâu xa lời Phật nhiều đến thế, sâu đến thế. Nương theo đấy mà tu, nghĩ cũng hữu lý lắm…