Đức Phật sau khi giác ngộ, ngoài những giáo huấn về giáo pháp xuất thế cho người xuất gia, Ngài cũng rất quan tâm đến những giáo pháp đem lại sự an lạc, hạnh phúc, thịnh vượng cho người tại gia.
Xuất thân từ tầng lớp vua chúa, lại có những đệ tử tại gia là các nhà lãnh đạo cao cấp đương quyền, nên việc thiết lập đạo đức cho các nhà lãnh đạo được Đức Phật chú trọng.
|
Ảnh minh họa.
|
Người có địa vị và quyền lực càng cao, dĩ nhiên trách nhiệm của họ càng lớn. Nhà vua đứng trên muôn dân, là chủ của đất nước nhưng nếu vua thiếu đạo đức thì dân khốn, nước nguy. Lịch sử đã cho thấy những triều đại thịnh trị đều nhờ có minh quân. Nếu vua mà hôn quân vô đạo thì chắc chắn triều đại ấy sẽ nhanh chóng sụp đổ.
Lắng nghe Đức Phật nói về mười pháp mà nhà vua nên tránh để vương triều được “tồn tại lâu” và trong nước không “sinh nhiều đạo tặc”:
“Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Nếu nhà vua thành tựu mười pháp thì không tồn tại lâu, trong nước sinh nhiều đạo tặc. Thế nào là mười?
- Khi nhà vua tham lam keo kiệt, chỉ do chút việc nhỏ, bèn sân giận, không xem xét nghĩa lý. Ðây là pháp đầu tiên, khiến không tồn tại lâu.
- Lại nữa, nhà vua tham đắm tài vật, không chịu kém. Ðây là pháp thứ hai, khiến không tồn tại lâu.
- Lại nữa, nhà vua không nghe lời can gián, là người bạo ngược không có lòng từ. Ðây là pháp thứ ba, khiến không tồn tại lâu.
- Lại nữa, nhà vua bắt người oan uổng, trói buộc giam cầm trong ngục không có ngày ra. Ðây là pháp thứ tư, khiến không tồn tại lâu.
- Lại nữa, nhà vua dùng điều phi pháp trị nước, không theo hạnh chánh. Ðây là pháp thứ năm khiến không tồn tại lâu.
- Lại nữa, nhà vua tham đắm sắc đẹp người khác, xa lánh vợ mình. Ðây là pháp thứ sáu, khiến không tồn tại lâu.
- Lại nữa, nhà vua ưa uống rượu, không màng đến việc triều đình. Ðây là pháp thứ bảy, khiến không tồn tại lâu.
- Lại nữa, nhà vua ưa ca múa vui chơi, không tham dự triều chính. Ðây là pháp thứ tám, khiến không tồn tại lâu.
- Lại nữa, nhà vua thường đau ốm, không có ngày khỏe mạnh. Ðây là pháp thứ chín, khiến không tồn tại lâu.
- Lại nữa, nhà vua không tin đại thần trung hiếu, người phụ tá hiếm hoi, không có bầy tôi mạnh. Ðây là pháp thứ mười, khiến không tồn tại lâu.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Kết cấm [trích],
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.286)
Rõ ràng, ba phiền não căn bản tham lam, sân hận và si mê vốn có mặt trong tất cả chúng sanh, kể cả vua chúa hay các nhà lãnh đạo tài ba. Tham sân si là gốc của mọi sai lầm và tội lỗi nên ở bất cứ địa vị nào, dù làm vua cũng không nên chủ quan và ỷ lại.
Muốn dân yên thì vua cần nêu cao đức trị và pháp trị, tuyệt không bạo ngược dù nắm quyền sinh sát trong tay. Nếu thuộc cấp và người dân có điều sơ suất, phạm pháp thì việc bắt giữ và xử phạt cần công khai, minh bạch, và nhất là nên độ lượng, khoan hồng. Quan trọng nhất là trị nước phải đúng với đạo lý và hợp với lòng dân.
Ngoài ra, nhân cách và đạo đức của nhà lãnh đạo cũng cần tu dưỡng để không sa đà vào tửu sắc, hưởng thụ cá nhân thái quá. Và rõ ràng, những hành vi phóng dật, thiếu tiết độ không chỉ ảnh hưởng đến đạo đức cá nhân, mất niềm tin của dân chúng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, trì trệ về tinh thần, không thể lãnh đạo sáng suốt được. Cuối cùng, nếu không có lòng tin vào trung thần, không quy tụ được tôi hiền và tướng giỏi thì cũng không thể giữ được ngôi báu và giang san.
Mười pháp kể trên, nếu nhà vua hay những nhà lãnh đạo tránh được, không làm thì chắc chắn an dân, nước mạnh, thiên hạ thái bình.