Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói về một số quan niệm sai lầm trong việc đi lễ chùa đầu năm của nhiều người.
Thưa Hòa thượng, việc đi lễ chùa đầu năm đang ngày một trở nên lộn xộn, mất dần đi nét đẹp truyền thống của cha ông ta. Hòa thượng có nhận xét gì về thực tế này?
- Ngày xưa quan niệm của cha ông ta khác lắm. Các cụ quan niệm Phật là tự tâm và khi đi lễ đầu năm, muốn công đức hay có thành tâm xây dựng chùa thì bao giờ cũng một là gửi thẳng đến sư thầy trụ trì, hoặc bỏ vào hòm công đức. Chứ không như ngày nay, quan niệm của mọi người là để ít tiền lên bàn thờ mới thể hiện lòng thành kính với Phật.
|
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm
|
Hay mọi người quan niệm cứ cầu lộc, cầu phúc, cầu may mắn bằng ít tiền lễ và xoa tay vào tượng là đạt được lời cầu. Đó là hành động phải tội, thiếu đi sự tôn kính đối với nhà Phật, mà lại mất đi sự tôn nghiêm, ảnh hưởng đến mỹ thuật của pho tượng. Cụ thể như những pho tượng ở chùa Bái Đính, pho tượng nào cũng nhem nhuốc, lấm lem tay người xoa.
Mấy hôm trước tôi có xuống chùa Hương và thấy một cảnh tượng làm tôi đau lòng vô cùng. Đó là tại ga cáp treo suối Giải Oan, người đi lễ đã vứt vô tội vạ tiền xuống đó, một hành động có thể nói là quá vô ý thức. Tôi không hiểu ném tiền như thế để cho ai và ném tiền để làm gì? Mà đồng tiền dù chỉ là phương tiện mưu sinh thì chúng ta cũng cần phải trân trọng.
Như vậy, người đi lễ nên để tiền vào hòm công đức?
- Đúng vậy, nên đưa hết vào hòm công đức cho đỡ mất mỹ quan mà lại là có được cử chỉ đẹp. Và theo tôi cũng không nên cầu nhiều theo kiểu, cầu thăng quan tiến chức, cầu sinh con trai, cầu nhiều tiền, cầu mua được ô tô, mua nhà... Tất cả những điều đó, Phật đâu có thể thấu hết được.
Tôi nhớ ngày xưa các cụ đi lễ không cầu như thế, mà các cụ chỉ cầu đơn giản là phúc, lộc, thọ, tức phúc là phúc cho cả đại gia đình, lộc là toàn gia và thọ là sức khỏe, sống lâu với con cháu...
Nên nói thật ngày nay đi lễ chùa, tôi chỉ có thể nói một từ duy nhất, đó là quá hỗn tạp.
Không chỉ về vấn đề đi lễ chùa cầu may đầu năm, ngay cả vấn đề dâng sao giải hạn bây giờ cũng khác trước rất nhiều, Thầy có nghĩ vậy?
- Tôi cho rằng, đạo Phật không có quan niệm dâng sao giải hạn. Đạo Phật chỉ có luật nhân quả, nếu ai làm điều thiện thì được ban phúc, ai làm điều ác sẽ gặp tai họa. Dâng sao giải hạn xuất xứ từ đạo Giáo của Trung Quốc. Tập tục này được truyền sang Việt Nam và ăn sâu vào quan niệm của người dân, trở thành một tập tục lâu đời.
Tai họa hay hạnh phúc đều do con người tạo ra. Trên đời này không có ngôi sao nào chiếu vào con người ta mà mang phúc hay mang họa đến cho người ấy.
Xin cảm ơn Hòa thượng!
TIN BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU