Hiểu thấu để thương nhiều

Google News

Hiểu nhau để cảm thông cho nhau, thương yêu nhau là một vấn đề rất quan trọng trong các mối quan hệ xã hội.

Nó góp phần giữ gìn và phát triển các mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn và đem lại nhiều niềm an vui, hạnh phúc hơn cho mọi người.
Trong thực tế của cuộc sống, có đôi khi chỉ vì thiếu hiểu biết đối với một vấn đề không quan trọng, hay một lầm lỗi nhỏ nhặt của người khác mà dẫn đến nhiều sự đổ vỡ không đáng có trong các mối quan hệ. Nguyên nhân là do họ thiếu sự khéo léo trong cách ứng xử, không chịu mở lòng ra để lắng nghe, để hiểu, đã khiến cho một vấn đề nhỏ trong mối quan hệ với người khác trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo thói thường, một khi hờn giận ai đó thì người ta thường làm ngơ. Những biểu hiện thường thấy của sự làm ngơ ấy là không muốn tiếp chuyện, miễn cưỡng đáp lại khi rơi vào tình thế ép buộc, gặp nhau thì mặt lạnh như tiền, gọi điện thoại thì không thèm bắt máy, nhắn tin thì không nhắn lại, gửi thư/email cũng không trả lời.
Người ta thường làm ngơ với nhiều dụng ý khác nhau. Có khi làm ngơ để đợi chờ một lời xin lỗi của người kia. Có khi làm ngơ để cho người kia nhận thấy được vai trò của mình đối với họ, ý thức được sự trống vắng, hụt hẫng. Cũng có khi làm ngơ để cho người kia học cách sống tự lập, tự chủ.
Đôi khi làm ngơ để được dỗ dành, được chiều chuộng, điều này đặc biệt xảy ra đối với phái nữ. Và đôi khi làm ngơ chỉ để cho người kia nhìn lại bản thân họ, thấy được lỗi lầm của họ mà thôi, không cần họ phải nói lời xin lỗi. Cách ứng xử này cũng có tác dụng nhất định của nó. Nhưng nó không phải là một biện pháp thần diệu, chỉ mang tính tương đối. Chúng ta cần phải khéo léo trong khi vận dụng.
Như chúng ta đã biết, sức chịu đựng và sự nhẫn nại của con người có hạn. Nếu sự làm ngơ của chúng ta vượt quá giới hạn chịu đựng của người khác thì sẽ phản tác dụng. Chẳng hạn như trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Khi con cái có điều gì đó lầm lỗi thì cha mẹ thường hay bỏ mặc, không chăm lo cho con, con xin tiền dùng vào những việc chính đáng cũng không cho, đôi khi còn dùng lời bất nhã để mắng nhiếc con, đuổi con ra khỏi nhà. Họ làm vậy với dụng ý là muốn cho con nên người. Nếu đấy là một người con có hiếu, thương yêu cha mẹ thì người đó sẽ cố gắng chịu đựng, và cố gắng sửa đổi, chuộc lại lỗi lầm mà mình đã phạm.
Trong trường hợp này thì sự lạnh lùng của cha mẹ đã có tác dụng tích cực. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không hiểu được tấm lòng của người con, cứ mãi lạnh lùng thì người con ấy sẽ cảm thấy tủi thân, nghĩ rằng cha mẹ không thương yêu mình, ghét bỏ mình, vậy thì sự tồn tại của mình trong gia đình này đâu có ý nghĩa gì đối với cha mẹ đâu, chi bằng minh ra đi để cho cha mẹ không phải khó chịu mỗi khi thấy mặt mình, hay là mình chết đi cho rồi,…
Nếu sự lạnh lùng của cha mẹ cứ kéo dài mãi, người con không thể nào chịu dựng nổi. Đến lúc đó thì những ý nghĩ tiêu cực sẽ nảy sinh, và rất dễ dẫn đến những hậu quả bất hạnh cho cả con cái lẫn cha mẹ. Cha mẹ nào muốn con bỏ nhà ra đi, không muốn ép con vào đường cùng. Nhưng vì không khéo ứng xử nên dẫn đến kết quả đau khổ.
 
Một điều thường hay có đối với những người bị làm ngơ đấy là sự tổn thương, dù là họ có lỗi hay không có lỗi. Làm sao không tổn thương được khi mình bị người khác không thèm quan tâm, khi nhận sự đối xử thiếu nhã nhặn của người khác. Nếu họ có lỗi thì họ sẽ chấp nhận sự tổn thương đó và cố gắng hàn gắn lại vết nứt trong mối quan hệ ấy. Còn nếu họ nhận thấy là họ không có lỗi, hoặc là vấn đề mà họ đã tạo ra không quá nghiêm trọng, không đáng để bị đối xử một cách thiếu nhã nhặn đến vậy, thì sự tổn thương ấy sẽ lớn dần cùng với thời gian họ bị làm ngơ. Nếu người kia dừng lại kịp thời thì may ra còn có thể hàn gắn được. Còn nếu không thì đến một lúc nào đó, vết thương ấy sẽ không thể nào chữa lành được nữa. Đồng thời, khi bị làm ngơ thì đấy cũng là lúc để cho người bị làm ngơ đánh giá lại mối quan hệ giữa họ với người kia. Nhiều câu hỏi sẽ nảy sinh trong đầu họ: Tại sao người kia lại lạnh lùng với mình đến thế? Điều mà mình đã gây ra có đáng bị đối xử như thế không? Không có biện biện pháp nào khác cho vấn đề bất hòa này hay sao mà phải dùng biện pháp làm ngơ? Quan hệ tốt đẹp của mình với người kia bấy lâu nay chẳng lẽ chỉ vì một lần lầm lỗi, sơ ý của mình là người kia có thể xóa hết tất cả, quên đi tất cả hay sao?...
Thế đấy, có rất nhiều điều khiến cho người bị đối xử lạnh lùng phải suy nghĩ, và họ cũng không vui vẻ, hạnh phúc gì khi bị đối xử lạnh lùng, bị làm ngơ. Và chắc chắn là chính người làm ngơ cũng đâu có hạnh phúc gì. Như vậy, làm ngơ không phải là biện pháp tốt để giải quyết vấn đề bất hòa trong các mối quan hệ xã hội. Mấu chốt quan trọng nhất để giải quyết mọi vấn đề là phải hiểu rõ vấn đề đó. Muốn hiểu nhau thì phải lắng nghe nhau, cởi mở giải bày với nhau chứ không phải là làm ngơ, không tiếp chuyện. Nhiều khi vì chưa hiểu hết vấn đề mà mình trách nhầm người khác.
Ví dụ như bạn của mình vừa mới có chuyện buồn ở trong lòng và mình đến gặp bạn, thường thì người bạn ấy đối xử với mình không tệ, nhưng lúc ấy do nỗi buồn trong lòng của bạn chưa vơi, vô tình bạn ấy trút luôn nỗi buồn đó lên bản thân mình, đối xử lạnh lùng, thiếu nhã nhặn với mình.
Nếu vì sự đối xử không nhã nhặn đó của bạn mà sau đó mình trở mặt làm ngơ thì vô tình mình trút thêm gánh nặng ưu sầu lên vai của bạn, làm cho bạn đã khổ lại càng khổ hơn. Còn nếu như sau đó mình chủ động hỏi bạn, tại sao lại có thái độ như vậy? Và lắng nghe bạn giải bày tâm sự thì mình sẽ hiểu được bạn, thông cảm với bạn nhiều hơn và giúp bạn nhang chóng gạt bỏ được nỗi niềm buồn khổ kia. Như thế thì chẳng những không làm cho quan hệ bị rạn nứt, đổ vỡ, mà còn làm cho nó càng thêm bền chặt, thắm thiết.
Để giải quyết những bất hòa, rạn nứt trong các mối quan hệ xã hội thì không có một phương thức cố định, tùy theo đối tượng, tình huống và thời điểm mà chọn những giải pháp thích hợp. Cốt tủy của vấn đề là ở tấm lòng và khả năng nhận thức của mỗi người. Khả năng nhận thức ở đây không phải là độ học vấn cao, trình độ chuyên môn giỏi, mà là ở sự cởi mở, biết lắng nghe, biết chắt lọc thông tin và độ nhạy bén, tinh tế trong giao tiếp của mỗi người. Còn tấm lòng ở đây là muốn nhấn mạnh đến tình cảm và tính chân thật của mối quan hệ. Khi cả hai bên đều thật sự quý mến và thương yêu nhau thì họ sẽ không nỡ làm cho nhau phải đau khổ. Nếu có lỡ người này làm cho người kia không vừa lòng, với tình cảm chân thành và sự cởi mở thì họ sẽ sớm cùng nhau tháo gỡ những khúc mắc ở trong lòng.
Hiểu biết và thương mến nhau là hai nhân tố vô cùng quan trọng trong các mối quan hệ xã hội để mọi người có thể cảm thông cho nhau, cùng nhau xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, đầy ý nghĩa và cùng nhau sống trong an vui, hạnh phúc. Phải có hiểu thì mới cảm thông, mới thương yêu được. Nếu không hiểu nhau thì rất khó cảm thông, rất khó yêu thương. Khi đã hội đủ sự hiểu biết và thương yêu nhau thì mọi người rất dễ cảm thông cho nhau, bỏ qua những lầm lỡ của nhau, giúp nhau cùng hoàn thiện.
Chỉ có sự hiểu biết và tình thương yêu lẫn nhau mới có thể nhanh chóng hàn gắn lại những rạn nứt trong các mối quan hệ xã hội. Làm ngơ ít khi đem lại kết quả như mong muốn, mà có hàn gắn lại chăng nữa thì cũng chỉ là gượng ép mà thôi. Vì thế, chúng ta nên hạn chế sử dụng biện pháp làm ngơ để giải quyết những điều không vừa ý xảy ra trong các mối quan hệ xã hội. Hãy gạt bớt đi tính tự tôn, sĩ diện của bản thân mình, hãy đến với nhau và cởi mở giải bày cho nhau hiểu những suy nghĩ, tâm tư của mình khi có vấn đề bất hòa xảy ra trong các mối quan hệ để xây dựng mối quan hệ ấy ngày càng hoàn thiện hơn, có ý nghĩa hơn.
Có được những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống ngắn ngủi là một diễm phúc lớn, không dễ gì có được. Hãy cùng nhau trân trọng và giữ gìn, đừng để phải đổ vỡ vì những điều vụn vặt không đáng.
Theo Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)