Hiểu đúng về lễ tạ mộ, rước gia tiên về ăn Tết

Google News

(Kiến Thức) – Những ngày giáp Tết, theo phong tục truyền thống mọi gia đình người Việt thường ra mộ tổ tiên để lễ tạ Thổ thần, đắp thêm đất lên mộ, sửa sang mộ, rước vong linh Gia tiên về đón năm mới.

Vào những ngày cuối năm giáp Giao thừa (khoảng thời gian từ 23 đến 30 Tết - PV) các gia đình thường sắm sửa lễ vật ra tiến cúng chư vị tôn thần quản cai nghĩa trang, đồng thời sửa sang lại phần mộ của tổ tiên, ông bà.

Đây là một tục lệ truyền thống của người Việt có ý nghĩa vô cùng. Nó thể hiện sự hiếu thuận, đạo tình của con cháu đối với những người thân đã khuất. Đồng thời, cầu mong các vị này phù hộ cho các vong linh người thân quyến thuộc đắc an cư nơi mộ địa và không bị ngoại quỷ vô danh vọng hành chiếm đoạt mộ phần.

 Tạ mộ cuối năm thể hiện sự hiếu thuận của con cháu với người đã khuất

Trao đổi với phóng viên Kienthuc.net.vn, Đại đức Thích Minh Định (TP.HCM) cho hay: “Mặc dù tạ mộ là một phong tục tập quán, không phải là nghi lễ của đạo Phật nhưng nó thể hiện sự hiếu thuận biết ơn và nhớ ơn tới ông bà, tổ tiên thì cũng đâu ngoài Phật pháp.

Theo đó, nếu Phật tử có lòng nghĩ nhớ đến ông bà tổ tiên mà đi viếng mộ thì để bày tỏ lòng hiếu thuận và biết ơn thì đâu có gì là không đúng, đâu có gì là không được. Đồng thời, chính việc này cũng giúp giáo hóa lòng người để họ biết hiếu thuận”.

Song mọi người cũng cần phân biệt rõ tảo mộ và tạ mộ. Lễ tảo mộ còn có nghĩa đen là quét mộ, được diễn ra vào ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch. Với công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ.

Còn tạ mộ hay còn gọi là lễ Chạp được diễn ra vào những ngày giáp Tết. Các gia đình thường ra mộ tổ tiên và người thân đã khuất để lễ tạ Thổ thần, đắp thêm đất lên mộ, sửa sang mộ, rước vong linh gia tiên về đón năm mới.

Nếu gia đình không có điều kiện ra mộ thì có thể rước gia tiên về đón năm mới theo cách: bày cỗ lên bàn thờ, đèn, hương hoa dâng cúng vào trưa (giờ Ngọ) ngày 30 Tết, rồi khấn Tổ tiên về dự hưởng Tết với gia đình.

Tuy nhiên, theo Đại đức Thích Minh Định thì mọi việc tùy duyên. Nếu họ biết nhớ ơn hiếu thuận thì vẫn có thể thăm mộ người thân như ông bà, cha mẹ mà cúng, lễ lạy. Song không nhất thiết phải “mâm cao cỗ đầy”.

Chỉ cần sửa soạn lễ cúng gia tiên, bao gồm hương thơm, hoa, quả, trầu cau, một ít vàng mã và mâm cỗ chay hay mặn thì tùy vào từng gia đình. Mọi cái phải được bày biện cẩn thận rồi mang ra ngoài mộ hoặc bày lên bàn thờ gia tiên.

 VĂN KHẤN LỄ CHẠP
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy ngài Địa tạng vương bồ tát.
- Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.
- Con kính lạy ngày Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương quản cai nơi nghĩa trang.
- Con kính lạy Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa Tôn thần.
- Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ Long Mạch Tôn thần, các ngài Tiền Chu tước, Hậu Huyền vuc, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản trong nơi nghiã trang này.
Con kính lạy hương linh cụ:…………………..
Hôm nay là ngày… tháng Chạp, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
Tín chủ (chúng) con là:…………..
Ngụ tại:…………..
Chúng con sắm sanh phẩm vật, hương hoa trà quả,kim ngân tài mã, dâng hiến trình cáo Tôn thần, kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là:...............kỵ nhật là…
có phần mộ táng tại…………
được về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, Phủ thùy doãn hứa.
Âm dương cách trở
Bát nước nén hương.
Thành tâm kính lễ
Cúi xin chứng giám
Phù hộ độ trì
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật! .
Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam( NXB Văn Hóa – Thông Tin)


TIN BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Bùi Hiền

Bình luận(0)