Ông Ratcliffe, người có hình xăm khi ở Miến Điện, nói rằng đây không phải là một điều gì đó mà ông coi thường. Du khách Anh cho hay ông "sốc và buồn bã" sau khi bị trục xuất khỏi quốc gia Nam Á vì để lộ hình xăm Đức Phật trên cánh tay.
Antony Ratcliffe, 42 tuổi, từ Nottingham, đã bị từ chối nhập cảnh khi quá cảnh tại sân bay chính của Colombo hôm 15/3 vì bị cáo buộc thiếu tôn trọng đối với Phật giáo. Nhà chức trách rất nghiêm khắc với những lời lăng mạ đối với Phật giáo - tôn giáo chính của một bộ phận đông đảo cư dân trên đảo quốc này. Tuy nhiên, ông Ratcliffe về phần mình nói rằng hình xăm của ông không hề xúc phạm mà trái lại là một sự tôn vinh.
Khách du lịch người Anh, một cựu nhân viên ngành cứu thương và một nhiếp ảnh gia nghiệp dư, đã bị chặn lại khi ông định rời sân bay quốc tế Bandaranaike trong chặng dừng chân 12 tiếng đồng hồ của chuyến bay từ London đến Malaysia.
Mặc dù có thị thực du lịch hai ngày hợp lệ, ông Ratcliffe cho hay ông đã bị đưa đến một khu vực giam giữ sau khi các quan chức xuất nhập cảnh phát hiện hình xăm phần đầu của Đức Phật lộ ra từ ống tay áo phông của du khách này.
Một quan chức nhập cư giấu tên nói với một tờ báo địa phương rằng khi được hỏi về hình xăm, ông Ratcliffe đã nói "rất vô lễ" về Phật giáo.
Nhưng du khách người Anh thì nói ông vẫn bình tĩnh trong suốt quá trình giao tiếp.
"Họ đã lấy hộ chiếu của tôi và giữ tôi ở đó trong một tiếng rưỡi, trong thời gian đó, họ đã mang mọi người tới để nhìn vào cánh tay của tôi, và họ đều lắc đầu.
"Tôi đã giải thích trường hợp của tôi, trình bày và xin họ, nhưng giới chức chỉ huy chỉ nói với tôi là 'im đi, im đi’ và ông ta từ chối nói chuyện với tôi".
"Tôi luôn ưa thích nghệ thuật trong các hình xăm, do niềm tin vào triết học Phật giáo mà tôi đã dõi theo trong nhiều năm, tôi nghĩ rằng đây là một hình xăm đẹp của Đức Phật.
"Đây không phải là một cái gì đó mà tôi coi nhẹ hoặc chọc giận vào thời điểm này."
|
Du khách Anh được cảnh báo thận trọng trước các biểu tượng tôn giáo của Phật giáo. |
Cuối cùng, ông Ratcliffe cũng được phép tiếp tục hành trình của ông đến Kuala Lumpur, nhưng lại tiếp tục 'bị xét hỏi' bởi giới chức khi hạ cánh ở chặng tiếp theo.
"Toàn bộ câu chuyện là một cú sốc với tôi - nó làm xáo trộn và lãng phí thời gian của tôi…,” ông nói.
Hơn 100.000 công dân Anh đã đến thăm Sri Lanka vào năm 2012, chiếm 10% tổng số khách du lịch ở đây. Vương quốc Anh cũng là đối tác kinh doanh lớn thứ hai quốc gia này, chỉ sau Ấn Độ.
Năm ngoái, ba khách du lịch Pháp đã bị kết án tù treo vì chụp ảnh cho thấy họ giả vờ hôn một bức tượng Phật tại một ngôi chùa.
Vào năm 2010, ngôi sao nhạc R & B của Mỹ, Akon bị từ chối cấp thị thực vào Sri Lanka sau khi trên một trong những video âm nhạc của ca sỹ này xuất hiện cảnh một phụ nữ phủ nhảy múa ở phía trước một bức tượng Phật.
Các văn phòng ngoại giao của Anh ở hải ngoại đã đưa ra lời cảnh báo cho du khách đến Sri Lanka, cho hay việc xúc phạm các hình ảnh và biểu tượng của Phật Giáo là một “vi phạm nghiêm trọng” ở nước này và rằng đã có “du khách bị kết án” vì các hành vi đó.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU: