Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, luôn tôn trọng và đề cao cuộc sống của tất cả chúng sinh.
- Đạo Phật từ bi và trí tuệ, luôn tôn trọng và đề cao cuộc sống của tất cả chúng sinh. Đồng thời đưa ra con đường chuyển hoá khổ đau cho những người muốn tìm hiểu và mong muốn đạt đến con đường đó.
Tất cả chúng sinh đều có... Phật tính
Chúng sinh còn gọi là chúng hữu tình bao gồm con người và các dạng động vật đều có cảm xúc và nằm trong vòng quay luân hồi (sinh, già, bệnh và chết - PV).
Mặt khác, chúng sinh đều bình đẳng về thể, tính, tâm và nhân quả nên Đức Phật có dạy: “Bản chất của mỗi chúng sinh (người hoặc vật) là thanh tịnh; tinh tế hơn nữa là tâm thanh tịnh, mà cứu cánh bản tâm đó chính là sự giác ngộ hay tính giác ngộ cũng gọi là Phật tính (Buddhata), hoặc Tri kiến Phật”.
|
Phật tính đã nằm sẵn trong mọi chúng sinh |
Vì vậy, Phật tính (tính thiện - PV) đã nằm sẵn trong mọi chúng sinh, thông qua những phép tu học nhất định. Đặc biệt là trong tất cả chúng sinh đều có trí tuệ và trong vô lượng kiếp ở quá khứ hầu như chúng sinh đều đã từng tiếp xúc với Phật pháp.
Theo đó, mọi loài chúng sinh đều có thể đạt giác ngộ và trở thành một vị Phật, có thể bị chi phối hoặc không bị chi phối bởi các cảm xúc tiêu cực và những tâm bất thiện quấy nhiễu, gây ra.
Vì vậy, chúng ta không nên tử hình và làm hại loài vật nữa. Mặt khác, trong vài trường hợp tùy theo nghiệp lực, con người có thể tái sinh làm người và loài vật cũng có thể được sinh lại làm người.
Tử hình hoặc sát sinh là... mất lòng từ bi
Án tử hình cũng như việc sát sinh là một hình thức trừng phạt khắt khe nhất với mục đích nhằm kết thúc vĩnh viễn một đời sống.
Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng hai giải pháp này thì đây chưa phải là một hành động có ý nghĩa và thích hợp. Việc này làm mất hết ý nghĩa của tâm từ bi và lòng nhân ái trong chúng ta.
Hơn nữa, tử hình và sát sinh phải được hiểu như cội rễ của tất cả khổ đau và nguyên nhân căn bản của bệnh tật, chiến tranh và những thế lực giết hại này rõ ràng đồng nhất với ma quân.
Đối với con người là sinh vật có ý thức, cho nên người ác cũng biết xấu hổ về hành động sai trái của mình. Muốn kẻ đó cải thiện hành vi sai trái, chúng ta phải đặt nặng vào việc giáo dục, phát huy các giá trị con người xuyên qua đạo đức tôn giáo hoặc những chương trình xã hội lành mạnh để trợ giúp người đó.
Còn đối với loài vật, Đức Phật nói rằng: “Hãy quán chiếu tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta. Vì lẽ ấy nên chúng sinh trong lục đạo đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt thời chính là giết cha mẹ ta, mà cũng chính là giết những thân cũ của ta”. Nói như vậy thì loài vật cũng như con người đều có kiếp luân hồi, tái sinh.
Trong tất cả chúng sinh đều có Phật tính và tâm từ. Do vậy, Đức Phật hoàn toàn không chấp nhận án tử hình và sát sinh.
Mọi cái là do... nghiệp báo
Mục đích chính của đạo Phật là giáo dục, chuyển hoá và cải cách chứ không hủy diệt. Do đó mà trong đạo Phật có một nguyên tắc chỉ đạo rất căn bản để tu tập đạo hạnh đó là bất hại - tức là ngăn cấm việc gây tổn thương hoặc chết chóc đối với mọi chúng sinh.
Mặt khác, phục thiện có khả năng giúp cho con người nhận thức được tội lỗi của mình và cố gắng tránh tái phạm trong tương lai, cho nên theo đạo Phật, một người tội phạm đã phục thiện, thậm chí một kẻ sát nhân, sẽ vẫn nhớ được Phật tính của mình.
Ngoài ra, để minh họa cho giáo lý căn bản của Phật giáo về lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, nhà Phật luôn khuyến khích mỗi người nên có hạnh phóng sinh các loài vật như chim, cá... để chúng được phóng thích như được ban cho một đời sống mới.
Và cũng theo giáo lý đạo Phật thì chúng ta không nên giới hạn lòng từ bi của mình đối với loài vật mà hãy mở rộng đến toàn thể chúng sinh, ngay cả trong số đó có kẻ sai phạm. Lấy lòng từ bi làm nền tảng cho tất cả mọi quan hệ tương tác giữa chúng sinh với nhau.
Điều đó chứng tỏ đạo Phật luôn nhìn cuộc đời trong quan điểm từ bi và vận động. Nhìn cuộc đời trong sự chuyển biến tích cực và đặt trên nền tảng đạo đức liên quan đến luật nghiệp báo.
Như vậy, theo giáo lý đạo Phật thì nghiệp bất thiện dẫn đến sự tái sinh vào một trong ba ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh). Nghiệp thiện dẫn đến tái sinh trong loài người, loài thần hoặc chư thiên cõi dục, còn nghiệp quán tưởng thiền định sẽ tái sinh vào cảnh giới sắc và vô sắc.
Bùi Hiền