Phật tử xuất gia hay tại gia đều có thể thuyết pháp, giảng kinh.
Ngày xưa có hai vị Phật xuất hiện trên thế gian này để vì chúng sanh mà nói pháp. Hai vị Phật này là Thích Ca Mâu Ni Phật và cư sĩ tại gia Duy Ma Cật.
Hòa thượng Tịnh Không nói: "Phật tử xuất gia thuyết pháp là tiếp nối sự nghiệp của Thích Ca Mâu Ni Phật và phật tử tại gia thuyết pháp là tiếp nối sự nghiệp của cư sĩ tại gia Duy Ma Cật. Phật Thích Ca Mâu và Cư sĩ Duy Ma Cật đều là hai vị Phật xuất hiện ở thế gian chúng ta cùng một lúc, chỉ là Thị hiện với hai địa vị khác nhau, xuất gia và tại gia".
Chúng ta thấy có khác biệt vì tâm có phân biệt chấp trước nhưng Phật, Bồ-tát chẳng có cái phân biệt chấp trước này. Ngày xưa, khi Duy Ma Cật thuyết pháp, các vị đại đệ tử của Phật như Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiên Liên, Ca Diếp .v.v... khi đến nghe pháp của Ngài cũng phải cung kính đỉnh lễ và nhiễu Ngài ba vòng, không khác gì với cách thức mà họ đỉnh lễ với đức Bổn Sư Phật Thích Ca Mâu Ni. Đó là cách tỏ lòng cung kính với bậc Thầy truyền dạy pháp cho họ. Các Ngài chẳng có tâm phân biệt chấp trước đối với Thầy xuất gia hay Thầy tại gia, một chút cũng chẳng có.
Còn ngày nay, có nhiều người đối với Thầy xuất gia thì tỏ lòng cung kính một cách khác biệt và đối với "Thầy" tại gia thì không mấy cung kính. Đó chính là do nơi tâm phân biệt chấp trước, không thanh tịnh bình đẳng của họ vậy.
Lại nữa, còn có một số người tuyên bố trước công chúng rằng: "Phật tử tại gia không được phép thuyết pháp, giảng kinh, ngay cả không được khai thị hộ niệm..." Ai đã đặt ra qui chế này? Phật chẳng có nói vậy. Ngược lại trong kinh Duy Ma Cật, đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Cư sĩ Duy Ma Cật vì muốn phá trừ cái tâm chấp chước, bất bình đẳng này của chúng sanh, nên lập phương tiện diễn ra một tuồng kịch như sau: Ngài Duy Ma Cật giả vờ bị bệnh và Phật sai bảo Di Lặc Bồ Tát là một đại đệ tử xuất gia, thay Phật đến thăm hỏi Ngài Duy Ma Cật. Ngài Di Lặc bạch Phật:
- Dạ, con chẳng dám đi thăm Ngài Duy Ma Cật, vì trí tuệ của Ngài quá cao siêu, và thường hay hỏi con những câu hỏi mà con không thể trả lời được.
Phật lại bảo Xá Lợi Phất là đệ tử xuất gia có trí tuệ bậc nhất của Phật, sang thăm hỏi sức khoẻ của Ngài Duy Ma Cật. Xá Lợi Phất cũng từ chối với cùng một lý do như Ngài Di Lặc Bồ-tát.
Rốt cùng, Phật phải bảo Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, người đã đắc căn bản trí (Phật trí) mới có đủ khả năng vấn đáp Phật pháp với Ngài Duy Ma Cật. Các Ngài biểu diễn tuồng kịch này là để phá trừ những tà kiến của bọn hậu học phân biệt chấp chước chúng ta ngày nay.
Chúng ta cũng biết Hòa thượng Tịnh Không là người xuất gia, làm đệ tử của cư sĩ tại gia Lý Bỉnh Nam. Đại cư sĩ Hạ Liên Cư và Hoàng Niệm Tổ lại là Thầy của các vị xuất gia.
Ở Việt Nam, chúng ta cũng có các cư sĩ nổi danh như: Cư sĩ, bác sĩ Tâm Minh là người nổi tiếng dịch kinh Thủ Lăng Nghiêm và đã từng làm Thầy giảng pháp cho các Đại lão Hoà thượng như Thích Trí Tịnh, Thích Thiện Hoa; Cư sĩ tại gia Vọng Tây - người dịch pháp của HT.Tịnh Không, là giảng sư dạy Phật pháp trong các trường Cao đẳng Phật Học; Cư sĩ Diệu Âm Minh Trị (Úc Châu), tuy không có giảng pháp trong các trường Phật học, nhưng Ngài cũng thường được thỉnh mời đến các chùa khắp nơi để giảng dạy pháp môn Hộ Niệm Vãng Sanh cho phật tử xuất gia và tại tại gia. Và theo nhận xét riêng của tôi, các Ngài dịch và giảng rất hay, phải nói là có công đức biện tài.
Vậy, có gì là trở ngại đâu? Cái trở ngại chính là do từ nơi tâm của người phân biệt chấp chước mà thôi!
Cư sĩ Lưu Minh Trí