Ngày xưa người ta thể hiện lòng thành bằng lễ vật như cúng bằng gà, lợn, trâu bò, hương nhang, hoa quả, vàng mã. Nay trong xã hội hiện đại, lễ vật được biến tướng bằng tiền thật và việc dùng tiền trở thành phổ biến. Nhiều người nghĩ rằng đặt tiền là thể hiện “lòng thành” và… rất tiện nên ở khắp các đền, chùa đâu đâu cũng gặp cảnh tiền vương vãi, nhét lung tung khắp nơi.
Về mặt tôn giáo, tâm linh, việc quan trọng nhất là tấm lòng thành. Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi không phê phán niềm tin, nhưng thể hiện niềm tin không phải là bằng tiền. Bản chất của tín ngưỡng là lòng thành, khi anh vật chất hóa lòng thành thì ý nghĩa của nó đã khác đi rất nhiều”.
Nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần bỏ tiền vào hòm công đức là mình đã “tích đức” và càng bỏ nhiều nơi, nhiều “cửa”, nhiều tiền thì đức sẽ càng “dày”. Khi người ta hiểu sai bản chất của niềm tin đã có những hành động thái quá, ỷ lại.
|
Nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần bỏ tiền vào hòm công đức là mình đã “tích đức”. |
Trong khi kinh tế suy thoái nhiều người bỏ thời gian, tiền bạc sắm lễ vật, cầu cúng để mong khấm khá giàu sang, nhưng hiện thực cho thấy: Không lao động, không sản xuất thì nghèo vẫn hoàn nghèo, đã đói càng đói hơn.
Chia sẻ về vấn đề chuyện “công đức”, Bác sĩ Mai Xuân Phương, một người làm trong lĩnh vực xã hội có nhiều thời gian tiếp cận và nghiên cứu về Phật giáo cho rằng, mỗi đình, đền, chùa chiền chỉ cần một nơi để nhận tiền đóng góp của phật tử với ý nghĩa: Đó là tiền “dầu đèn” để trùng tu, nâng cấp và để nhà chùa làm việc thiện. Còn nếu hiểu theo cách bỏ tiền vào để “công đức” và rải tiền các “cửa” thì theo ông Phương, các phật tử mới cần được công đức của nhà chùa chứ nhà chùa không cần công đức của chúng ta, vì Phật thì không bao giờ dùng tiền cả.
Vì thế, những người am hiểu đạo Phật đã khuyên đến chùa không được có các hành vi rất phản cảm và không đúng với tinh thần của đạo Phật như nhét tiền vào tay, vào nách, vào chân tượng Phật. Hành vi ấy khiến nhiều người liên tưởng người ta đang “đút lót” cả cửa Phật. Càng dung tục và phản cảm hơn khi người ta cầm tiền quệt vào tượng Phật rồi quệt vào người mình.
Để hiểu rõ hơn về “công đức”, đọc sách về đạo Phật có tích xưa: Khi Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang Trung Hoa hoằng pháp, đã gặp vua Lương Võ Ðế. Trong lúc luận bàn đạo lý, nhà vua hỏi: "Trẫm một đời cất chùa, độ tăng, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, như vậy có được công đức gì chăng?”. Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma trả lời một cách rõ ràng rằng: "Những việc làm ấy thực không có công đức gì cả!".
Vấn đề này làm cho nhiều người thắc mắc và điều thắc mắc này đã được Lục Tổ Huệ Năng (phái Thiền tông Trung Hoa) lý giải: Vua Lương Võ Ðế vì không biết Chính Pháp, nên lầm lẫn hai chữ "Công đức" và "Phúc đức"! Nghĩa là cất hàng trăm ngôi chùa, độ tăng chúng tu hành rất đông, thiết trai cúng dường, bố thí, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, chỉ là những việc làm "bên ngoài", có ích lợi cho mọi người, những việc làm cầu phúc, nên gọi là phúc đức. Còn những việc làm “bên trong” như tu tâm dưỡng tính, phát huy trí tuệ, loại bỏ lòng tham, hận thù… gọi là công đức.
Do đó, nếu anh làm việc phúc đức nhưng với tâm mong cầu được trúng số độc đắc, được buôn may bán đắt, muôn sự như ý, muốn gì được nấy… thì lòng tham lam tăng thêm quá mức, chỉ có phúc đức hạn chế theo số tiền đã bỏ ra mà thôi, làm sao có công đức được!