Chữ “Vạn” trong Phật giáo viết như thế nào?

Google News

Trên ngực của các tượng Phật, hay trên những trang kinh sách Phật giáo, ta thường thấy có chữ VẠN. 

Nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy có hai lối viết khác hẳn: Một là “chữ vạn” hướng xoay theo chiều kim đồng hồ (lối viết A); hai là ”chữ vạn” xoay ngươc chiều kim đồng hồ (lối viết B).
Chùa thường có nhiều tượng Phật, thế mà trên ngực mỗi tượng Phật, có tượng được vẽ chữ Vạn theo lối viết A; có tượng lại vẽ chữ vạn theo lối viết B! Lại ngoài bìa các kinh Phật, có cuốn thì in chữ Vạn theo lối viết A; có cuốn lại in chữ Vạn theo lối viết B! Điều nầy khiến mọi người có chút quan tâm không khỏi thắc mắc.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Quang Đảo Đốc ở đại học Quốc Sĩ Quán Nhật Bản, thì chữ VẠN vốn không phải lả là chữ viết (word), mà chỉ là kí hiệu (symbol), và nó đã có từ thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, và đến thế kỉ thứ ba trước công nguyên mới được dùng trong kinh Phật!
Ngài Bồ Đề Liêu Chi dịch là “Vạn”, còn ngài Huyền Trang dịch là “Đức”. Tất cả đếu có nghĩa là “phước đức viên mãn, trí tuệ và lòng từ bi vô hạn”
Theo Huệ Lâm Âm Nghĩa quyển 21 và kinh Hoa Nghiêm thì có 17 chỗ nói chữ Vạn viết xoay về phải. Trong các đồ cồ, các bệ Phật cổ, các tượng Phật cổ của Trung quốc, của Ấn Độ, Tây Tạng, Nhật Bản, … cũng đều dùng lối viết A, tức xoay về phải (卐).
Ngôi tháp cổ ở vườn Lộc Dã được xây để kỉ niệm đức Phật nhập diệt cũng khắc chữ Vạn xoay về phải.
Ba bản Tạng kinh đời Tống, Nguyên, Minh, và Cao Ly Đại Tạng Kinh cũng đều dùng chữ Vạn xoay về phải.
Nhưng tín đồ Lạt Ma giáo, Ấn Độ giáo, và Bổng giáo thì lại dùng lối viết B , xoay về trái ( 卍)
Có những chùa tại Ấn Độ, và Trung Quốc hiện nay, trước hai cánh cửa chính, một bên thì vẽ kiểu A, một bên lại vẽ kiểu B! Và những hoa văn quanh bệ thờ, cũng xen kẽ lối viết A và B!
Cách viết nào đúng?
Như đã nói “Vạn” không phải là một chữ mà là một kí hiệu xuất hiện rất sớm, có thể là từ thời nguyên sơ từ khi con người mới tìm ra lửa.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nó ở khắp mọi vùng trên trái đất, nhưng kí hiệu nầy đã không thống nhất (chỗ viết theo lối A, chỗ viết theo lối B).
Từ khi đức Phật ra đời, trên ngực đã có chữ “vạn”, biểu tượng tướng mạo phi phàm, có ý nghĩa là đại cát tường, phúc lộc viên mãn… Thế nhưng từ đó về sau, chữ vạn trong đạo Phật lại không thống nhất. Chúng ta hãy suy những điều sau đây, có thể hiểu được cách viết nào đúng:
- Xoay qua phải, là theo chiều hào quang của Phật phóng ra.
- Kí hiệu âm dương của vũ trụ thu nhỏ lại (xem biểu tượng “thái cực” của Lão giáo). “Chữ S” phân chia vòng thái cực xoay về phải.
- Sợi lông trắng (bạch hào) giữa hai lông mày của Phật uyển chuyển xoay sang phải.
- Trong các kinh điển cổ, phần lớn đều viết chữ Vạn xoay về bên phải.
- Trong các nghi thức sám, nhiễu Phật, nhiễu Pháp đều hướng về phải nhiễu hành. (đi theo chiều lim đồng hồ)
- Theo Tự Điển Hán Việt của Thiều Chữu năm 2008 trang 68, thì: “…. “VẠN” nguyên là hình tướng (kí hiệu - KTL) chứ không phải chữ, cho nên dịch là cát tường hải vân tướng nên theo cái hình xoay bên hữu thì phải hơn. Vì xem nhiễu phật thì nhiễu về bên hữu, hào quang của Phật ở giữa hai lông mày phóng ra cũng xoay về bên hữu mới là tướng cát tường, có chỗ làm xoay về bên tả là lầm”. 
Đã như thế thì không lý do gì mà không mạnh dạn viết xoay về bên phài, theo cách viết A.
Theo chúng tôi, trước kia người ta viết theo cách B, (xoay về trái: 卍) là lầm, sau thành thói quen. Gần đây các phật tử lại càng ngại viết theo cách viết A (xoay về phải 卐) vì nó trông giống như biểu tưởng của Đức Quốc Xã của Hít-Le!
Thực tế thì không giống nhau:
- Biểu tượng chữ VẠN của nhả Phật thì màu vàng, được vẽ thẳng góc, nội tiếp trong một hình vuông tưởng tượng. và được mọi người gọi là “chữ Vạn của Phật”. 
- Biểu tượng Phát xít của Hít-le là “chữ VẠN” màu đen, được vẽ xiên một góc 45 độ trong một vòng tròn màu trắng, và được mọi người gọi là “chữ thập ngoặc” (croix brisée). Biểu tượng này có thể là hai chữ S chồng chéo lên nhau; viết tắt hai chữ State Social = Quốc Xã. 
Biểu tượng “VẠN” tượng trưng cho công đức và lòng từ bi vô hạn của Đức Phật. Dù cho biểu tượng của Quốc Xã có giống biểu tượng của nhà Phật đi nữa (thực tế thì không giống), cũng chẳng làm người phật tử lo lắng: Tất cả đều do việc làm. Một đàng là từ bi hỉ xả, vô lượng công đức. Một đàng là khát máu, vô nhân tính. Phật là Phật, Ma là Ma. Hai thế giới rạch ròi không thể náo lầm lẫn.
Điều đáng nói là, trong thế giới Phật giáo, cần phải nghiên cứu cách viết nào đúng, để đưa ra một quyết định thống nhất cho mọi người tuân thủ. Không thể chấp nhận kiểu viết theo cảm tính; chùa này viết khác, chùa kia viết khác, điều làm cho người ta khó chịu là những tượng Phật cùng trong một chùa, lại có hai “chữ vạn” khác nhau.
Kha Tiệm Ly
Trong khi đó, bạn đọc có tên MPT lại đưa ra quan điểm của mình:
Theo sở kiến của tôi cũng như qua một số kinh điển Phật giáo thì chữ Vạn, trước hết là một biểu tượng (một trong những 32 tướng tốt của Phật).
Kế đến theo tạng ngữ Sanrit là Svastika còn gọi là Swastika. Chữ nầy được đạo Hindu (Ấn giáo) cũng như trong Đại Phương Quảng Kinh, Kinh Bát Nhã, Kinh Hoa Nghiêm.v.v.. nói lên 2 biểu tượng: Một là khi quay chiều PHẢI: tượng trưng cho sự mở ra của vũ trụ. Hai là khi quay chiều TRÁI: tượng trưng cho sự thu nhỏ lại của vũ trụ (Vạn vật tồn tại tâm). Đồng thời, cũng theo Phật giáo khi quay về chiều Phải thì theo các kinh điển Phật giáo là tượng trưng Trí Tuệ và ngược lại là Từ Bi. Nói chung là năng lực BI - TRÍ - DŨNG trong tinh thần Phật giáo.
Theo những nhà nghiên cứu thì chữ Manji của Nhật = Dhamma là sự bất tử, công đức thù thắng. Tuy nhiên, phần lớn từ xưa đến nay thì được nghiêng về phần quay bên phải, có một điểm khác là Đức quốc xã sử dụng chữ Vạn hình chóp và màu đen còn Phật giáo thì hình vuông hoặc chữ nhật và màu vàng, riêng Phật giáo Tây Tạng thì dùng chữ vạn quay về bên phải. Phương Quảng Đại trang nghiêm Q.3 cũng đề cập, ngay cả tóc của Phật cũng xoay về phía phải.
Tóm lại, dù xoay phía nào cũng có ý nghĩa theo quan điểm của Phật giáo, chỉ khác ở chỗ biểu tượng hình thức đối với Đức quốc xã, và biểu tượng này thì Phật giáo, Bà là môn và Hindu đã có từ rất lâu rồi.
Theo Phật giáo Việt Nam

Bình luận(3)

Minh Hiền

Phương Ân

Phật Pháp uyên thâm, luôn soi sáng đường cho chúng con.

Minh Hiền

Đình Văn

Đó giờ mình hay tò mò tại sao trên ngực Đức Phật lại có chữ Vạn, giờ thì mình cũng đã hiểu.

Minh Hiền

Hoàng Uyên

Phật Pháp đúng thật có nhiều điều hay mà chúng ta không biết.