Chiến thắng chính mình
Ngày xưa, có một chàng thanh niên, tuổi vừa hai mươi, cha mẹ lần lượt qua đời, để lại cho anh một căn nhà nhỏ bằng tranh và một khu vườn độ vài sào, một giếng nước trong và một cái cuốc còn tốt.
Với tài sản ấy, anh siêng năng làm vườn trồng rau bán đủ ăn qua ngày. Một hôm, anh suy nghĩ, “Phật dạy đời vô thường, cuộc sống khổ đau. Ta nên xuất gia, học đạo là hơn.”
Anh đến chùa cầu xin xuất gia, thời gian sau được thọ giới tỳ kheo. Nhưng khi làm tỳ kheo phải thức khuya dậy sớm, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, chấp tác, anh đâm ra buồn chán. Anh xin xả giới, trở về tiếp tục làm vườn để sống.
Làm vườn một thời gian, anh lại đâm ra chán, anh bỏ nhà đi xuất gia trở lại, cũng thọ giới tỳ kheo, nhưng thời gian sau, anh lại xin xả giới về nhà.
Đến lần thứ ba, anh suy nghĩ, “Nếu như thế này thì sẽ không được gì. Cũng chỉ vì căn nhà, miếng vườn và cái cuốc mà nó làm hại mình đến thế. Hôm nay, ta quyết định chỉ đi tu thì phải xả bỏ những thứ này.”
Căn nhà và miếng vườn, anh cho người hàng xóm. Còn cái cuốc thì anh đem ra sông ném. Anh đến bờ sông, nhắm mắt lại, dùng hết sức bình sinh ném thật xa.
|
Chiến thắng tâm mình là chiến công oanh liệt nhất. |
Một chặp, hết sóng, anh mới mở mắt ra. Anh hô to, “Ta đã chiến thắng, ta đã chiến thắng.”
Vừa lúc đó, nhà vua cũng vừa chiến thắng quân thù, ra sông tắm. Nhà vua kêu chàng thanh niên nói, “Ta mới là người chiến thắng, còn nhà ngươi làm gì có chiến thắng.”.
Chàng thanh niên kể lại câu chuyện xuất gia - chỉ vì căn nhà, miếng vườn và lưỡi cuốc mà phải trở về đến hai lần. Lần này quyết tâm dứt bỏ, nên đã chiến thắng lòng tham của mình.
Nhà vua nghe qua, rất khâm phục, phát nguyện tứ sự cúng dường anh, để anh trở lại con đường học đạo.
Thế mới biết, chiến thắng lòng mình mới là chiến công oanh liệt nhất. Giống như lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú:
Thắng ngàn quân địch không bằng chiến thắng tâm mình.
Chiến thắng tâm mình mới là chiến công oanh liệt nhất.