Bí mật về chiếc mũ của thủ thành Petr Cech

Google News

Xung quanh chiếc mũ kỳ lạ này của Cech cũng có cả một câu chuyện đầy lý thú.

Chiến thắng của Chelsea trong trận chung kết Champions League 2011/12 với Bayern Munich có đóng góp rất lớn của thủ môn Petr Cech.Anh được bầu là “Cầu thủ xuất sắc nhất trận chung kết” bởi ngoài 2 tình huống xuất sắc trên chấm 11m ở màn đấu súng định mệnh, Cech còn trực tiếp cản phá cú sút penalty của Robben ở phút 95 của trận đấu.
 
VCK EURO 2012 đang đến gần và Cech tiếp tục được kỳ vọng sẽ là đầu tàu đưa ĐT CH Czech đến thành công như những tiền bối tại EURO 1996 và 2004. Khi được 1 nhà báo của tờ Radio Prague (CH Czech) hỏi về bí quyết thành công của mình, thủ thành 30 tuổi tiết lộ chính chiếc mũ anh đội trong trận CK đã giúp anh có được phong độ thăng hoa như thế. Xung quanh chiếc mũ kỳ lạ này của Cech cũng có cả một câu chuyện đầy lý thú.

“Thần hộ mệnh” của Cech

Ngày 14/10/2006 là ngày đáng nhớ với thủ môn Petr Cech. Đó là lần cuối cùng mà Cech đầu đội trời, chân đạp đất trong khung gỗ. Hôm đó, Chelsea gặp Reading.Trong pha va chạm với tiền đạo Stephen Hunt, Cech đã bị chân tiền đạo này đập rất mạnh vào đầu và bất tỉnh luôn. Sau đó, xe y tế đưa Cech đi cấp cứu và anh may mắn thoát chết. Sau này Cech nói anh không có ý niệm gì về những gì đã xảy ra thời điểm khi ấy và điều đó chứng tỏ não của Cech đã bị tổn thương. Ngày 20/1/2007, Cech trở lại khung gỗ Chelsea trong trận gặp Liverpool nhưng anh không còn đầu trần đội trời nữa mà đội một chiếc mũ bảo hiểm.

Đáng ra Cech còn có thể ra sân từ cuối năm 2006 nhưng thời điểm đó, các bác sĩ đã ra sức ngăn cản. Họ khẳng định rằng nếu thêm một cú đá khác theo kiểu của Hunt thì Cech sẽ bay lên thiên đường ngay. Một cuộc họp giữa các thành viên trong ban huấn luyện và các bác sĩ tại Chelsea được tiến hành ngay hồi đầu năm 2007. Silvino Louro, HLV thủ môn của Chelsea lúc đó nêu ra ý tưởng là dùng nón bảo hộ giống như dành cho các cầu thủ bóng chày.

Tuy nhiên, FA không phê chuẩn ý tưởng này vì cho rằng mũ bảo hiểm trong bóng bầu dục quá rắn và có thể gây sát thương cho các cầu thủ khác. Sau khi nghiên cứu nhiều loại mũ bảo hiểm, Silvino Louro đã đưa ra loại mũ dành cho các cầu thủ chơi Rugby tại New Zealand. Ưu điểm của loại mũ này là nó khá mềm nên không sát thương cho cầu thủ khác nhưng lại vẫn đảm bảo an toàn cho Cech. Lần này FA thông qua và Cech được phép đội mũ bảo hiểm vào sân.

Lần đầu được ban huấn luyện Chelsea cho đeo thử mũ, Cech cũng cảm thấy hơi vướng víu. Không những vậy, khi anh đội nó vào sân tập thì các đồng đội tại Chelsea bò ra cười và bắt đầu trêu chọc. Makelele gọi Cech có mũ của lính lái xe tăng thời Thế chiến thứ II, Shevchenko nói Cech giống công nhân mỏ, Ballack nói Cech giống võ sỹ quyền Anh còn Joe Cole bảo Cech giống phi hành gia vũ trụ. Nhưng sau vài buổi tập, họ cũng không trêu Cech nữa còn thủ môn này bắt đầu cảm thấy quen và tự tin khi đeo chiếc mũ bảo hiểm vào đầu.

Nhờ chiếc mũ bảo hiểm, Cech mới thuyết phục được cô vợ Martina “cho phép” anh trở lại thi đấu. Cech đảm bảo với Martina rằng: “Khi anh đội mũ thì các pha va chạm sẽ không đánh gục được nữa đâu. Không tin, anh đội mũ và em thử cầm búa gõ xem sao”. Tất nhiên, Martina chẳng bao giờ làm việc rồ dại như thế. Nhưng giữa hai vợ chồng có một thói quen là trước khi Cech vào sân thì Martina sẽ gọi điện nhắc anh đội mũ. Martina chỉ thật sự yên tâm khi nhìn lên vô tuyến thấy Cech đội mũ đứng trong khung thành. Hồi 2010, có lần đồng đội Ashley Cole đùa nghịch giấu mũ của Cech trước khi ra sân buộc anh hốt hoảng tìm kiếm. Cech báo cáo với HLV Ancelotti rằng anh sẽ không ra sân cho đến khi tìm thấy mũ. Thấy việc nghiêm trọng, Cole đành thò mũ ra trả Cech.

Việc cẩn thận như thế không thừa. Trong trận Chelsea gặp Fulham tại Carling Cup hôm 22/9 năm ngoái, Cech bị va chạm với tiền đạo Orlando Sa và phải đến bệnh viện cấp cứu. Cech thừa nhận nếu không đội mũ bảo hiểm thì đời anh coi như xong.
 

Đau đầu vì chọn mũ

Trong số những chiếc mũ mà Cech đã sử dụng, có 1 chiếc mũ mà anh đánh dấu là “số 2″ đã mang lại cho anh khá nhiều may mắn. Bởi khi anh đội chiếc mũ này thì các trận anh bắt chính đều không bị lọt lưới. Sau nhiều lần “thử nghiệm”, Cech quyết định sử dụng nó trong những trận đấu lớn để giữ vận son. Trong các trận Chelsea tiếp Napoli, làm khách của Benfica, hai lượt trận gặp Barcelona tại bán kết Champions League, chung kết FA Cup và cả chung kết Champions League gặp Bayern vừa qua, anh đều đội nó và thật tình cờ là Chelsea đều giành kết quả có lợi trong đó Cech luôn thể hiện được phong độ tuyệt vời.

Tuy nhiên, trên cái mũ ấy là nhãn hiệu nào, đó mới là điều đáng nói. Hay đúng hơn, đó mới là một cuộc tranh cãi gay gắt. Hồi đầu năm 2007 khi bắt đầu đội mũ, Cech xài hàng xịn của hãng Canterbury, một công ty chuyên sản xuất mũ bảo hộ cho môn bóng bầu dục đặt tại Auckland (New Zealand). Nhưng điều này khiến hãng Adidas (tài trợ cho Chelsea không hài lòng). Làm sao họ chấp nhận được khi Canterbury chẳng bỏ xu nào mà logo lại chềnh ềnh trên đầu Cech nhưng họ lại không thể bảo Cech phải bỏ chiếc mũ mà anh ta coi như vật hộ mệnh được.
 Chiếc mũ hiện tại của Cech do Adidas sản xuất
Chiếc mũ hiện tại của Cech do Adidas sản xuất
Đầu tiên họ yêu cầu phải bôi logo của Canterbury đi. Nhưng yêu cầu này đã bị từ chối thẳng thừng. Cùng với các bác sĩ Chelsea, Cech không muốn phụ lòng Canterbury vì đã chế tạo cho anh một chiếc mũ thi đấu an toàn. Hiển nhiên, Addias không bằng lòng. Thế nên, đứng giữa cuộc tranh cãi ấy, một mặt Chelsea đã cố gắng thương lượng với cả hai công ty nhằm tìm một giải pháp ôn hoà. Mặt khác, họ cũng đã tính tới chuyện Cech có thể từ chối ra sân nếu Adidas không nhượng bộ.

Phía Adidas vẫn giữ quan điểm là về nguyên tắc hợp đồng thì phải bỏ logo của đối thủ cạnh tranh đi. Bên cạnh đó, họ cũng thấy rằng có lẽ nên xem xét lại việc đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị theo đơn đặt hàng riêng. Suy đi, tính lại cuối cùng Adidas cũng phải lập một đội thiết kế và sản xuất ra chiếc mũ với logo của hãng để Cech đội lên đầu. Cũng nhờ sự kiện này, Adidas có thêm một sản phẩm mới là mũ bảo hiểm thể thao để bán ra thị trường.

Thế mà, rắc rối vẫn chưa dừng lại ở đây. Tại Euro 2012, Cech rất muốn đội chiếc mũ son của mình để cùng CH Czech thi đấu thành công. Tuy nhiên, anh đang gặp rắc rối mới về tranh chấp thương hiệu. Số là Cech ký hợp đồng với Adidas trong việc dùng sản phẩm của các hãng này (hợp đồng trị giá 3,5 triệu bảng). Trong khi đó, đội tuyển CH Czech lại được tài trợ bởi Puma. Dĩ nhiên Puma đâu muốn Cech đứng trong khung thành CH Czech mà lại “biểu dương” logo của Adidas trên đầu. Về phía Adidas, họ cũng không chấp nhận Cech dùng mũ bảo hiểm của Puma khi thi đấu cho CH Czech.

Với Cech, việc dùng mũ hãng nào không quan trọng nhưng việc không đội mũ son khiến thủ môn này không yên tâm. Cech đang thương lượng với Puma và Adidas theo công thức mỗi trận đeo logo một hãng và để dành chiếc mũ son cho trận quan trọng tại EURO. Nhưng cả hai hãng vẫn chưa trả lời “yêu cầu chính đáng” của anh. Nếu CH Czech muốn thành công, họ cần Cech ở phong độ cao nhất. Nhưng muốn Cech phong độ cao nhất, cần cho anh chiếc mũ bảo hiểm mà anh ưng nhất.

Chiếc mũ bảo hiểm Canterbury Ventilator Rugby Headguard của Petr Cech
 
Đây là một chiếc mũ bảo hộ đặc biệt, trong đó lót nhiều miếng mousse và ghép những tấm sợi carbon để che chở hộp sọ. Chiếc mũ có trọng lượng rất nhẹ và được thiết kế để ôm vừa đầu nhưng vẫn đảm bảo độ chống va đập cao. Dây buộc có thể kéo dài ra hoặc thu ngắn lại. Lớp vỏ bằng chất liệu nylon hoặc elastane bọc bên ngoài có độ bền cao và khả năng chống thấm nước và chống bụi bẩn. Có nhiều loại kích thước (tùy theo đường kính) như: Nhỏ (55cm), Trung bình (57 cm), Lớn (58,5 cm) và Siêu to (60 cm).

(Bongdap+)

Bình luận(0)