Làn sóng biểu tình bạo loạn ở Pháp trong gần một tuần từ hôm 27/6 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của ngành du lịch và dịch vụ bán lẻ, trong bối cảnh nước Pháp đang bước vào cao điểm mùa du lịch hè 2023, theo đài CNN.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà tuyển dụng thuộc ngành công nghiệp khách sạn và ăn uống Pháp Thierry Marx cho biết nhiều khách sạn trong nước đã phải nhận vô số cuộc gọi hủy đặt phòng.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 5.900 phương tiện đã bị đốt, hơn 1.100 tòa nhà, công cộng và tư nhân, đã bị cháy hoặc phá hoại, trong đó có gần 250 trường học, 150 bưu điện, 370 chi nhánh ngân hàng, chưa kể các trung tâm văn hóa, thể thao, thư viện, nhà cộng đồng...
Bộ Nội vụ cũng đã ghi nhận có ít nhất 270 vụ tấn công vào các đồn cảnh sát, lữ đoàn hiến binh, trong đó riêng ở vùng Ile-de-France, có đến 36 đồn cảnh sát và 18 tòa thị chính bị đốt phá. Theo tuyên bố của Hiệp hội các thị trưởng Pháp, bạo lực đã nhắm cả vào "các biểu tượng của nền Cộng hòa như tòa thị chính, trường học, thư viện, đồn cảnh sát".
|
Bạo loạn kéo dài gần một tuần ở Pháp gây thiệt hại nặng. Ảnh: AP. |
Ngày 4/7, Hiệp hội Doanh nghiệp Pháp (MEDEF) - liên đoàn lao động lớn nhất nước Pháp - ước tính làn sóng biểu tình bạo loạn bùng phát gần đây ở nước này đến nay đã gây thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ USD. Theo MEDEF, 200 cơ sở kinh doanh, 300 chi nhánh ngân hàng và 250 cửa hàng thuốc lá đã bị cướp phá, gây thiệt hại 1,1 tỷ USD. Con số này chưa bao gồm thiệt hại đối với trường học, tòa thị chính và trung tâm cộng đồng.
Người đứng đầu MEDEF Geoffroy Roux de Bézieux đánh giá mức độ thiệt hại có thể sẽ gia tăng do lượng đặt phòng khách sạn dự báo giảm vào mùa hè năm nay vì lo ngại tình hình bạo loạn. Hơn nữa, bạo loạn cũng làm hình ảnh nước Pháp xấu đi trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Những thiệt hại kinh tế này đang trở thành áp lực đè nặng lên các cơ quan chức năng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ sớm thông qua dự thảo "Luật khẩn cấp" nhằm đẩy nhanh quá trình tái thiết sau khi các tòa nhà, vật dụng trên đường phố và phương tiện giao thông bị phá hủy. Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire để ngỏ khả năng hủy bỏ các khoản đóng góp xã hội hoặc thuế cho các công ty bị ảnh hưởng bởi các cuộc bạo loạn vừa qua.
Theo Florence Lustman, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm France Assureurs, đã có 5.800 yêu cầu bồi thường do các cá nhân hoặc doanh nghiệp gửi đến các hãng bảo hiểm. Tới nay các công ty bảo hiểm đã chi ít nhất 280 triệu Euro tiền đền bù, trong khi một số lượng lớn các yêu cầu vẫn đang được gửi đến hoặc đang trong quá trình xem xét.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, giới chức Paris đang cân nhắc những biện pháp thiết thực nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do bạo động.
“Chính phủ đang xem xét liệu nên hủy bỏ hoặc hoãn các khoản phí an sinh xã hội hay nên miễn thuế cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng thì sẽ tốt hơn”, ông Le Maire cho biết.
Nước Pháp bắt đầu chìm trong các cuộc biểu tình bạo lực kể từ ngày 27/6, sau khi cảnh sát ở ngoại ô Nanterre của Paris bắn chết Nahel, người gốc Algeria, khi thiếu niên 17 tuổi này được cho là từ chối tuân thủ quy định luật giao thông.
Viên cảnh sát bắn chết Nahel đã nhanh chóng bị bắt và bị buộc tội giết người, nhưng vụ việc đã gây ra một làn sóng bạo lực trên toàn quốc, từ đó lan sang Bỉ và Thụy Sĩ.
Chính quyền Pháp đã triển khai 45.000 cảnh sát, bao gồm cả ở Marseille, sau khi người biểu tình tràn xuống phố, phóng hỏa và tấn công cảnh sát, tòa nhà công cộng và cửa hàng.