Theo Reuters, các điểm nóng về virus corona vào lúc này là Mỹ, Brazil và Ấn Độ, nơi chiếm phần lớn số ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận trên toàn cầu.
Kỷ lục trước đó về sự gia tăng số ca nhiễm trên toàn cầu là 189.077 trường hợp được ghi nhận hôm 28/6.
|
Nhân viên tại một cơ sở mai táng ở New Delhi, Ấn Độ trong trang phục bảo hộ. Ảnh: Reuters. |
Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, có tổng cộng 11,4 triệu người đã nhiễm virus với gần 533.000 trường hợp tử vong trong vòng 7 tháng qua, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp ở châu Mỹ.
Theo WHO, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã lớn gấp đôi số ca nhiễm cúm mùa thông thường được ghi nhận hàng năm. Đáng chú ý, hơn một nửa số ca nhiễm trên thế giới trong nửa năm qua được ghi nhận chỉ trong tháng 6. Nhiều nước từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus đang trong quá trình nới lỏng các lệnh phong tỏa, mặc dù nếp sống xã hội gần như là phải thay đổi hoàn toàn cho tới khi một loại vaccine được bào chế.
Trong 3 ngày gần nhất, nước Mỹ đều ghi nhận số ca nhiễm mới trên mức 50.000 trường hợp mỗi ngày. Texas và Florida là hai điểm nóng với số ca nhiễm kỷ lục được ghi nhận, lần lượt 8.258 và 11.458 trường hợp trong 24 giờ qua.
Thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy Mỹ tới nay ghi nhận 2,8 triệu ca nhiễm Covid-19 và gần 130.000 trường hợp tử vong.
Tại điểm nóng dịch bệnh thứ hai là Brazil, thêm 35.035 ca nhiễm và 1.111 ca tử vong vừa được ghi nhận nâng tổng số lên lần lượt 1.578.376 và 64.365.
Bất chấp dịch bệnh vẫn gia tăng, các thành phố lớn ở đất nước đông dân nhất Mỹ Latin vẫn mở cửa trở lại. Từ ngày 2/7, các quán bar ở Rio de Janeiro được phép hoạt động. Trong khi đó, Sao Paulo, thành phố lớn nhất và chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất của đại dịch tại Brazil, dự kiến cho phép quán bar và nhà hàng mở lại vào tuần tới.
Tổng thống Jair Bolsonaro ngày 3/7 phủ quyết các phần của một đạo luật yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi tập trung đông người trong không gian kín như nhà thờ và trường học.
Đáng chú ý, tại một trong những đất nước từng là điểm nóng Covid-19 bậc nhất châu Âu, một khu vực vừa phải áp đặt lệnh phong tỏa trở lại sau khi đất nước mở cửa.
Theo Reuters, vùng Segria, đông bắc Tây Ban Nha, áp đặt lệnh phong tỏa với hơn 200.000 người từ ngày 4/7, sau khi phát hiện một số cụm dịch mới.
"Chúng tôi quyết định phong tỏa khu vực Segria sau khi dữ liệu cho thấy số ca nhiễm virus corona tại đây tăng đáng kể", Thủ hiến Catalonia Quim Torra nói trong cuộc họp báo.
Cơ quan y tế địa phương cho biết tính đến ngày 3/7, thành phố Lleida thuộc vùng Segria ghi nhận 3.706 ca nhiễm, tăng 155 người so với ngày trước đó.
Cư dân Segria không được phép rời khỏi khu vực từ 12 h trưa 4/7, nhưng không bị bắt buộc ở nhà như khi Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc hồi tháng 3.
Việc đi lại do yêu cầu công việc vẫn được chấp nhận, nhưng người lao động ra vào khu vực Segria sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận của cấp trên từ ngày 7/7.