Năm 2017, sau khi vua Salman bổ nhiệm con trai của mình Mohammed Bin Salman vào vị trí Thái tử Saudi, truyền thông phương Tây đã gọi nhân vật 33 tuổi này là một “vị vua tập sự”.
Thái tử nắm giữ trọng trách ở các vị trí quyền lực nhất trong đó có phó thủ tướng, chủ tịch hội đồng Kinh tế và phát triển và cũng là bộ trưởng Quốc phòng của chính phủ Saudi.
Nhà lãnh đạo thế hệ mới
Với quyền lực lớn trong tay, thái tử - người thường được phương Tây biết đến với tên gọi tắt MBS – đã đưa ra hàng loạt cải cách lớn trong xã hội vương quốc Vùng Vịnh. Kể từ khi MBS trở thành Thái tử, tầng lớp giáo sĩ bảo thủ của Saudi bị hạn chế quyền lực, phụ nữ đã được phép lái xe và tham dự các sự kiện thể thao. Đất nước này cũng có rạp chiếu phim công cộng đầu tiên sau 35 năm và show diễn đầu tiên của một nữ ca sĩ.
Bên cạnh những cải cách văn hóa, Thái tử MBS còn là người vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng có tên gọi Vision 2030 với mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế của Saudi Arabia qua việc đầu tư vào công nghệ và du lịch để tránh bị phụ thuộc vào dầu mỏ. Bản thân thái tử cũng đã có những cuộc gặp trực tiếp cùng với CEO của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Và chỉ 18 tháng sau khi trở thành thái tử, Mohammed Bin Salman đã thành công trong việc xây dựng một hình ảnh hết sức tích cực về bản thân ông và tương lai của Saudi Arabia.
Nhiều tờ báo lớn của phương Tây, nếu như trước đây luôn hoài nghi và chỉ trích sự bảo thủ của vương quốc Vùng Vịnh, thì nay đều đồng loạt ca ngợi những nỗ lực cải cách của vị thái tử 33 tuổi. Thomas Friedman, một chuyên gia về Trung Đông, đã miêu tả Thái tử MBS là biểu tượng của “mùa xuân Arab” đang diễn ra ở Saudi Arabia trong một bài viết trên tờ New York Times vào tháng 11/2017.
Thậm chí thái tử cũng xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Time vào tháng tư năm nay với lời tựa “sự tấn công quyến rũ”.
|
Nhà báo bị giết hại Jamal Khashoggi từ lâu đã là người có tiếng nói chỉ trích Quốc vương Salman cũng như Thái tử Mohammed Bin Salman. Ảnh: AP |
Những căng thẳng ẩn chứa
Việc khởi xướng những chính sách cải cách táo bạo khiến cho Thái tử MBS phải đối mặt với những phản ứng trong nước. Tầng lớp giáo sĩ bảo thủ, vốn được hoàng gia Saudi ủng hộ trong việc thiết lập những quy tắc xã hội hà khắc, là những người đầu tiên phản đối những cải cách của thái tử.
Những chỉ trích này nhanh chóng lắng xuống khi chính quyền Saudi thực hiện các vụ giam giữ một số giáo sĩ quyền lực nhất ở đất nước. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg mới đây, chính thái tử cho biết khoảng 1500 người đã bị bắt ở Saudi Arabia vì có những “tư tưởng cực đoan”.
Không chỉ cứng rắn với tầng lớp giáo sĩ, Thái tử cũng không hề nương tay với các hoàng thân Saudi, vào tháng 11/2017, trong một sự kiện chưa từng có tiền lệ, 200 người đã bị bắt giữ tại khách sạn Ritz-Carlton tại thủ đô Riyadh.
Lý do của vụ bắt giữ này được truyền thông nhà nước Saudi giải thích là để phục vụ điều tra các cáo buộc tham nhũng. Trong số những người bị bắt có 11 hoàng tử và khoảng 40 cựu thành viên chính phủ, hầu hết đều là những tỷ phú.
Những người này đều được thả ra sau khi chấp nhận nộp phạt một số tiền không được tiết lộ. Bên cạnh việc thu được hàng tỉ USD cho quỹ đầu tư nhà nước của Saudi Arabia, chiến dịch này cũng được cho là một bước trong tham vọng củng cố quyền lực của Thái tử MBS.
Trong khi đó về mặt ngoại giao, thái tử cũng thể hiện lập trường gay gắt hơn với Iran, trong đó có việc thực hiện một lệnh cấm vận với Qatar vì có liên hệ mật thiết với Iran.
Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, Thái tử MBS là kiến trúc sư trưởng trong việc dẫn đầu một lực lượng liên quân chống lại sự nổi dậy của người Houthi ở Yemen, cuộc chiến này đã kéo dài 3 năm và có nguy cơ khiến 8 triệu người dân lâm vào nạn đói, theo thống kê của Liên Hợp Quốc.
Một nhà báo “không biết điều”
Truyền thông phương Tây đều biết đến những gì đang diễn ra ở Saudi Arabia cũng như Yemen, tuy nhiên họ không có được góc nhìn của người trong cuộc, điều này dẫn đến sự xuất hiện của nhà báo Jamal Khashoggi.
Không chỉ là một nhà báo kì cựu ở Saudi, Jamal Khashoggi còn có mối quan hệ sâu rộng với chính phủ và giới doanh nhân của vương quốc Vùng Vịnh. Nhà báo này từng là cố vấn cho Hoàng tử Turki Al-faisal khi ông này làm đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ vào năm 2005.
Khashoggi cũng có mối quan hệ thân thiết với một thành viên hoàng gia khác đó là Hoàng tử giàu có Alwaleed Bin Talal, một người cũng bị giam giữ tại khách sạn Ritz-Carlton trong chiến dịch chống tham nhũng của Thái tử MBS.
Sau khi chuyển đến Mỹ vào năm 2017, Khashoggi trở thành người viết bình luận thường xuyên trên tờ Washington Post. Ở đó, ông không ngần ngại chỉ trích Thái tử Mohammed Bin Salman về sự độc đoán và các chính sách ngoại giao của Saudi Arabia, trong đó có cuộc chiến ở Yemen, sự cấm vận với Qatar… cũng như phản đối việc chính quyền Saudi đàn áp những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động xã hội.
Với 2 triệu người theo dõi trên Twitter và việc liên tục xuất hiện trên các kênh truyền thông lớn của phương Tây, Khashoggi trở thành nhà bình luận chính trị Trung Đông nổi bật trong các vấn đề liên quan đến Saudi Arabia.
Trong một bài viết gần đây trên tờ Washington Post vào ngày 18/09, Khashoggi đã nhắm thẳng đến Thái tử Mohammed Bin Salman, khi có 2 lần nhắc đích danh tên thái tử, chỉ trích tình hình hiện tại của Saudi và kết bài bằng dòng chữ: “Người dân Saudi chúng ta xứng đáng những điều tốt hơn.”
Điều gì chờ đón Thái tử MBS?
Hai tuần sau bài viết trên tờ Washington Post, ngày 02/10 Jamal Khashoggi bước vào lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul với mục đích lấy chứng nhận đã ly hôn để có thể làm đám cưới với hôn phu Hatice Cengiz – người đợi ông bên ngoài tòa nhà.
Và đó là lần cuối cùng người ta nhìn thấy Jamal Khashoggi, bà Hatice Cengiz đã chờ đợi suốt 4 tiếng trước khi quyết định báo cảnh sát.
Tới nay, Saudi Arabia đã thừa nhận Khashoggi đã bị đánh chết trong lãnh sự quán, 2 quan chức cấp cao bị sa thải và 18 người bị bắt vì có liên quan đến vụ việc.
Trong khi đó, truyền thông Saudi cho biết quốc vương nước này đã yêu cầu thành lập một ủy ban cấp bộ trưởng, do chính Thái tử Mohammed Bin Salman dẫn đầu, để cải tổ cơ quan tình báo trung ương.
Tuy vậy, các nguồn tin cho biết dấu hỏi về năng lực lãnh đạo của vị thái tử đã được đặt ra trong nội bộ chính phủ Saudi Arabia.
Cái chết của Jamal Khashoggi, thay vì loại bỏ một tiếng nói chỉ trích thái tử, lại đem đến một cuộc khủng hoảng truyền thông lớn hơn cho cả hoàng gia Saudi.
Những nỗ lực xây dựng hỉnh ảnh nhà lãnh đạo cấp tiến của Thái tử MBS trong suốt 3 năm qua đã bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng sau sự việc này.