Ba tên trộm đã đột nhập nhà người này trong khoảng thời gian từ 1/12/2018 tới đầu tháng 1/2019, trộm va li tiền chứa 150 ngàn USD. Trong số các nghi phạm có một họ hàng của cựu tổng thống Zimbabwe là Mugabe.
Người phụ nữ này giữ chìa khóa căn nhà của ông Mugabe ở Zvimba, gần thủ đô Harare, nên thông đồng với những người khác để thực hiện vụ trộm. Các nghi phạm còn lại gồm hai lao công tên Johanne Mapurisa và Saymore Nhetekwa.
|
Ông Robert Mugabe và vợ là bà Grace. |
Ông Mugabe, 94 tuổi, bị phế truất hồi năm 2017 sau 37 năm nắm quyền lãnh đạo ở Zimbabwe. Vợ chồng cựu tổng thống Mugabe được cho là đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ trong giời gian ông cầm quyền và có lối sống xa hoa, trong khi kinh tế đất nước lâm vào cảnh khó khăn.
Từ anh hùng đến tội đồ
Ông Robert Gabriel Mugabe sinh năm 1924. Tốt nghiệp đại học vào năm 1945, ông này có 15 năm là giáo viên, tham gia giảng dạy ở thủ đô Rhodesia và Zimbabwe và Ghana.
Năm 1960, một sự kiện bước ngoặt đã đến trong sự nghiệp của Mugabe khi ông tham chính với việc gia nhập Đảng Dân chủ quốc gia rồi sau đó là Liên đoàn quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU, về sau đổi tên thành ZANU-PF) đấu tranh giành độc lập cho Zimbabwe.
Khi ZANU bị cấm hoạt động vào năm 1964, ông Mugabe đã bị tống giam và phải ngồi tù 10 năm vì tội phát biểu kích động lật đổ. Ở trong tù, ông đã dạy các bạn tù tiếng Anh, đồng thời tiếp tục theo đuổi việc học hành và còn nhận được thêm một số bằng cấp từ trường Đại học London. Đến nay, dù vướng nhiều tai tiếng nhưng ông này vẫn khiến nhiều người nể phục vì sở hữu đến bảy tấm bằng đại học.
Năm 1974, Mugabe được trả tự do nhưng phải sống lưu vong. Từ nước ngoài, ông trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh chống lại những người cai trị da trắng phân biệt chủng tộc của ZANU. Kết quả là, năm 1980, nước Cộng hòa Zimbabwe chính thức thành lập, trở thành một sự kiện chấn động trên chính trường lúc bấy giờ. Mugabe với vai trò là anh hùng đấu tranh giải phóng dân tộc đã được bầu giữ chức Thủ tướng Zimbabwe. Từ tháng 12/1987, ông được bầu làm Tổng thống Zimbabwe.
Trong những năm đầu nắm quyền, Mugabe rất được lòng dân vì những nỗ lực trong việc mở rộng các dịch vụ xã hội, đầu tư xây dựng mới nhiều bệnh viện và trường học để phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, càng về sau, những hạn chế trong cách điều hành của ông ta càng lộ rõ, nhất là trong việc cải tổ chính sách quản lý đất đai.
Điều này thể hiện ở việc từ chỗ là một trong những đất nước giàu có nhất châu Phi, Zimbabwe sau gần 40 năm dưới sự lãnh đạo của ông Mugabe đã trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới với tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục. Năm 2008, tỷ lệ lạm phát của nước này lên đến 231 triệu %, buộc Ngân hàng nhà nước phải phát hành tờ tiền có mệnh giá lên đến 100 tỉ đô la Zimbabwe.
Ngoài ra, ông Mugabe cũng bị nhiều người xem là độc tài. Sau mấy chục năm nắm quyền, dù đã già, đã lẫn đến mức khi phát biểu khai mạc Quốc hội hồi tháng 9/2015 đã đọc nhầm lại bài phát biểu thông điệp quốc gia từng được chính ông đọc trước đó ba tuần mà không hề hay biết nhưng ông ta vẫn không có ý định thoái lui. Thậm chí ông này còn tuyên bố sẽ làm nắm quyền đến khi trăm tuổi.
Bà vợ “tai quái”
Ông Mugabe bị đánh giá tham lam, bà vợ của ông ta thậm chí còn tham hơn. Vì tham vọng sẽ kế nhiệm chồng, trở thành nữ tổng thống nên bà Grace đã nhiều lần xúi chồng loại bỏ những nhân vật sáng giá để giữ lại vị trí tổng thống cho đến khi bà ta tập hợp được đủ sức mạnh để ngồi vào.
Trong một động thái được xem là dọn đường cho bà Grace kế nhiệm, ông Mugabe ngày 6/11/2017 đã quyết định sa thải Phó Tổng thống, đồng thời cũng là một phụ tá lâu năm của ông ta là ông Emmerson Mnangagwa.
Dù trước đó bà Grace đã từng thành công trong việc gièm pha để chồng sa thải một phó tổng thống, nhưng lần này kế đó không những không thành mà còn khiến cả gia tộc Mugabe bị “rớt đài”.
Người bị sa thải khi đó là ông Mnangagwa, từng sát cánh với ông Mugabe trong cuộc đấu tranh giành độc lập những năm 1970. Trước khi trở thành Phó Tổng thống, ông Mnangagwa đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền như bộ trưởng tư pháp, bộ trưởng quốc phòng. Ông được coi là nhân vật trung tâm trong mạng lưới kết nối quân đội, cơ quan tình báo và đảng cầm quyền.
Quân đội Zimbabwe vốn trung thành với ông Mugabe nhưng động thái “phản bạn vì vợ”, quay đầu với những người từng sát cánh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và gây dựng đất nước của ông ta đã khiến ông ta mất đi sự ủng hộ của các bậc “lão làng”.
Ngay sau quyết định sa thải ông Mnangagwa của ông Mugabe, trong một diễn biến được đánh giá là bất ngờ, quân đội Zimbabwe đã xuống đường, chặn tòa nhà quốc hội và tiến hành quản thúc tại gia đối với tổng thống, tức đảo chính.
Sau vài ngày chống cự, ông Mugabe cuối cùng đã đồng ý từ chức để đổi lấy quyền miễn trừ và giữ các tài sản mà ông ta có. Cuộc binh biến được cho là nhằm ngăn bà Grace Mugabe lên thay chồng làm lãnh đạo đất nước.
“Gucci Grace”
Không chỉ khiến nhiều người phẫn nộ vì tham vọng quá đáng của mình, cựu đệ nhất phu nhân Zimbabwe còn là người khiến uy tín và vị thế của ông Mugabe bị suy giảm đi nhiều phần vì thói ăn chơi xa hoa khét tiếng.
Bà ta được đặt cho biệt danh “Gucci Grace” vì thói cuồng hàng hiệu, sẵn sàng chi đến hàng trăm ngàn USD vào các món đồ đắt tiền. Thời chồng còn đương nhiệm, trong khi gần 75% người dân Zimbabwe vẫn sống dưới chuẩn nghèo thì Đệ nhất phu nhân của họ lại là người nổi tiếng về độ chịu chi.
Để thỏa mãn sở thích của mình đối với đồ trang sức, giày dép, quần áo, Grace thường xuyên đến các cửa hàng nổi tiếng ở thủ đô của Zimbabwe và ra cả nước ngoài để mua sắm. Có lần, bà ta mua đến gần 160.000 USD khi “dạo chơi” ở Paris vào năm 2002.
Lần khác, chỉ tại một cửa hàng, bà ta đã mua đến 75.000 USD tiền đồ. Bà thậm chí bỏ ra 264.000 USD để chỉ mua một tấm ván nạm kim cương trang trí đầu giường. Đám cưới con gái của bà ta năm 2014 được cho là tốn đến 5 triệu USD tiền trang trí.
Mẹ như vậy nên cũng dễ hiểu khi hai người con trai của ông Mugabe và bà đều “phá gia chi tử”. Theo báo chí Zimbabwe, Robert Mugabe Jnr, 27 tuổi và Chatunga Mugabe, 23 tuổi, đều là những tay ăn chơi khét tiếng.
Trong đó, Robert Mugabe Jr thậm chí không lên được lớp vì thành tích học tập quá tệ. Cậu em Chatunga cũng không khá khẩm hơn. Dù có cha làm tổng thống nhưng năm 16 tuổi, Chatunga vẫn đã bị nhà trường đuổi học và phải theo chương trình học tại nhà.
Về sau, cả Robert Mugabe Jr và Chatunga được cha cho sang Dubai thuộc các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) để “du học” nhưng cũng sớm phải về nước vì dính phải cáo buộc tham gia ẩu đả và lạm dụng chất gây nghiện.
Sau Dubai, cả hai lại chuyển tới Nam Phi. Cả hai ở trong một căn hộ có giá thuê lên đến 5.000 USD, vẫn giữ thói “coi trời bằng vung”, ỷ thế gây lộn, khiến đích thân bà Grace phải sang giải quyết, đưa con về.
Bản thân là người chi xài hoang và hứng không ít chỉ trích nhưng chính bà Grace vẫn từng phải thừa nhận đã nhiều lần mất ngủ vì thói ăn chơi vô độ, tiệc tùng liên miên và cả sử dụng chất kích thích thiếu kiểm soát của các con.
Ngay cả khi cha thất thế, hai con trai của ông Mugabe dù bớt khoe khoang đi nhưng với khối tài sản mà cựu tổng thống giữ lại được, họ vẫn có thể tiếp tục tận hưởng cuộc sống sung túc hơn đa phần những người dân ở Zimbabwe, vẫn xuất hiện ở hộp đêm, gọi rượu vang đắt tiền.
Có điều, cả gia đình Mugabe không còn có thể bất chấp luật pháp được như trước. Tháng 3/2018, cảnh sát Zimbabwe đã khởi động cuộc điều tra đối với bà Grace Mugabe về cáo buộc điều hành một băng nhóm chuyên săn bắt và buôn lậu hàng tấn ngà voi, vàng, kim cương từ Zimbabwe ra nước ngoài.
Mới đây nhất, hồi giữa tháng 12/2018, Nam Phi đã phát lệnh bắt giữ cựu Đệ nhất phu nhân Zimbabwe vì cáo buộc hành hung một phụ nữ tại một khách sạn ở Johannesburg. Vụ hành hung được cho là xảy ra từ tháng 8/2017, tức khi ông Mugabe vẫn tại nhiệm.
Vì vậy, khi nạn nhân đứng ra tố cáo, Chính phủ Nam Phi đã đồng ý cấp quy chế miễn trừ ngoại giao cho Grace vì bà này là Đệ nhất phu nhân. Đến năm 2018, quyền miễn trừ đã bị tòa án Nam Phi hủy bỏ theo yêu cầu của người tố cáo.
Ông Mugabe gần đây sức khỏe cũng đã rất kém. Hồi cuối năm 2018, ông ta đã phải điều trị suốt vài tháng trời ở Singapore. Bệnh tật và tuổi tác khiến ông ta giờ đây không thể tự đi lại được nữa.