Ngày 7/5, cả nước Nga và cộng đồng quốc tế cùng theo dõi lễ nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ thứ 4 của nhà lãnh đạo Nga V.Putin. Một tình tiết đáng chú ý trong buổi lễ là khi ông Putin xuống xe bước vào lễ đường Andreevsky, đội trưởng đội danh dự trịnh trọng nói: “Kính chào đồng chí Tổng thống”. Sau đó, ông Putin cũng đáp lời: “Chào các đồng chí” trong đội danh dự. Danh xưng “đồng chí” được sử dụng khiến nhiều người thắc mắc, tò mò tìm hiểu.
Lễ nhậm chức lần thứ 4 của nhà lãnh đạo nước Nga V.Putin được diễn ra trang trọng tại đại lễ đường Andreevsky, nằm trong Điện Kremlin Lớn tại thủ đô Matxcơva. Khác với 3 lần nhậm chức Tổng thống trước đó, buổi lễ tuyên thệ lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin được tổ chức khá đơn giản và rút gọn thời gian xuống.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Đúng 12h trưa ngày 7/5, Tổng thống Putin bước xuống xe “Kortezh”, đội trưởng đội danh dự hô vang: “Kính chào đồng chí Tổng thống”, hai bên cổng vào lễ đường là các quân nhân bồng súng đứng chỉnh tề, chào đón nhà lãnh đạo nước Nga bước vào lễ đài.
Có lẽ đây không phải là lần đầu tiên công chúng được nghe danh xưng “đồng chí” này. Trong buổi duyệt binh mừng Ngày chiến thắng 9/5 hàng năm, lời chúc mừng của Bộ trưởng Quốc phòng Nga gửi tới các binh chủng đều có đi kèm danh xưng “đồng chí”. Sau đó, khi báo cáo về sự sẵn sàng của đội ngũ tham gia lễ duyệt binh, Bộ trưởng Quốc phòng Nga báo cáo lên Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga bằng danh xưng “Kính thưa đồng chí Tổng thống Liên bang Nga”.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, danh xưng “đồng chí” được sử dụng chính thức trong quân đội nước này. Từ tiếng Nga “товарищ” (phiên âm tiếng Việt là “ta-va-rish”) có nghĩa là đồng chí, được quy định trong điều lệnh của Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga.
Do đó, ông Putin với vai trò là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, sẽ được cấp dưới chào với danh xưng “đồng chí” kèm theo chức vụ trong chính quyền là “Tổng thống Liên bang Nga”.
Danh xưng này được sử dụng rộng rãi dưới thời Liên Xô, khi đó từ “đồng chí” không chỉ được dùng trong quân đội mà còn dùng rộng rãi trong đời sống bình dân. Ví như tên gọi “đồng chí văn thư”, “đồng chí lái xe”, “đồng chí giám đốc”,… Sau khi Liên Xô tan rã, danh xưng “đồng chí” - “товарищ” chỉ còn được sử dụng trong quân đội và lực lượng an ninh Nga. Trong một số đảng phái như Đảng Cộng sản Nga, danh xưng “đồng chí” vẫn được sử dụng trong đời sống sinh hoạt của các Đảng viên.
Trên nhiều diễn đàn mạng Nga hiện nay, nhiều cuộc tranh luận gay gắt đã và đang diễn ra về việc sử dụng danh xưng “Ngài” (tiếng Nga là “господин”) thay cho từ “đồng chí”. Lý do đưa ra là danh xưng “Ngài” sẽ phù hợp hơn trong thời điểm hiện tại, khi mà quan hệ giữa sỹ quan và chiến sĩ cần được chú ý coi trọng. Ngoài ra, danh xưng “Ngài” sẽ hợp với cách gọi chung ở quân đội nhiều nước hiện nay.
Tuy vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, cần bảo lưu tên gọi “đồng chí” trong quân đội, vì các lực lượng vũ trang của Nga được xây dựng và phát triển từ nền tảng cơ bản chính từ quân đội Xô Viết. Những giá trị to lớn của Xô Viết cần được bảo tồn và giữ gìn. Nếu cần thay đổi thì phải bắt đầu từ việc đầu tư cho công nghệ và công nghiệp quốc phòng, chứ không phải từ danh xưng quen thuộc này.
Trước Cách mạng tháng 10, dưới chế độ Sa hoàng, cách xưng hô trong quân đội Nga mang màu sắc của chế độ quân chủ chuyên chế, danh xưng làm nổi bật vai trò của quý tộc phong kiến. Sau Cách mạng tháng 10, danh xưng “đồng chí” ra đời là một sự thay đổi quan trọng trong quân đội và xã hội Xô Viết. Tên gọi ấy là sợi dây gắn kết tư tưởng và ý chí của những quân nhân, hướng tới một lý tưởng chung của Сhủ nghĩa xã hội.