TT Trump đòi đồng minh trả tiền căn cứ quân sự nhưng kèm 'khuyến mãi'

Google News

Tổng thống Trump vẫn phàn nàn các đồng minh phải trả thêm cho căn cứ quân sự của Mỹ. Hiện ông đã có những ý tưởng cụ thể nhất từ trước đến nay, tạo làn sóng lo ngại khắp thế giới.

Từ lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phàn nàn rằng các quốc gia có sự hiện diện của quân đội Mỹ không đền bù đủ cho Mỹ.
Chính quyền của ông đang lập kế hoạch yêu cầu Đức, Nhật và bất kỳ nước nào có Mỹ đóng quân phả trả toàn bộ chi phí cho lính Mỹ trên đất của họ - cộng thêm 50% hoặc hơn cho đặc quyền được có lính Mỹ ở đó, Bloomberg dẫn nguồn tin từ nhiều quan chức chính phủ đã được thông báo về vấn đề này.
Một số quốc gia có lính Mỹ sẽ phải trả gấp 5-6 lần số tiền họ đang chi trả theo công thức “chi phí cộng thêm 50%” này.
TT Trump doi dong minh tra tien can cu quan su nhung kem 'khuyen mai'
Đòi hỏi “chi phí cộng 50%” của Tổng thống Trump gần như phá hỏng đàm phán Mỹ - Hàn về số phận của 28.000 lính Mỹ ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP. 

Ông Trump đã theo đuổi ý tưởng này từ nhiều tháng nay. Thậm chí, việc ông đòi hỏi "chi phí cộng 50%" đã gần như phá hỏng đàm phán với Hàn Quốc về số phận của 28.000 lính Mỹ ở Hàn Quốc.
“Chúng tôi không để các nước khác lừa”
Chính quyền của ông coi động thái đó là cách để thúc ép các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhanh chóng tăng cường chi tiêu quốc phòng - một bất đồng mà ông Trump đã chỉ trích NATO từ khi lên làm tổng thống. Mặc dù cho rằng sức ép của mình đã khiến các nước đồng minh tăng hàng tỷ USD chi tiêu quốc phòng, ông vẫn không hài lòng vì các khoản tăng đó đang đến một cách chậm chạp.
“Các nước giàu mà chúng tôi đang bảo vệ nên chú ý … Chúng tôi không để các nước khác lừa”, ông Trump phát biểu tại Lầu Năm Góc ngày 17/1.
Các quan chức Mỹ nói ý tưởng trên chỉ là một trong số những ý tưởng đang được xem xét, và có thể mức độ cứng rắn sẽ giảm đi. Nhưng nó đã khiến các Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại về những đối đầu sắp tới giữa Mỹ và các đồng minh vốn đã hoài nghi về cam kết của Mỹ với họ.
Victor Cha, cố vấn cao cấp ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói việc đòi hỏi “chi phí cộng 50%” với nước đầu tiên là Hàn Quốc, dù không thành, là một thông điệp ẩn giấu về mong muốn thay đổi hoàn toàn cách thức chi trả cho quân Mỹ đóng ở các nước.
TT Trump doi dong minh tra tien can cu quan su nhung kem 'khuyen mai'-Hinh-2
 Tàu sân bay Ronald Reagan của Hải quân Mỹ neo đậu ở Căn cứ Hải quân Yokosuka của Mỹ ở Tokyo, tháng 5/2017. Ảnh: AFP.

“Chúng ta hợp tác quân sự với Hàn Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác”, ông Cha nói với Bloomberg.
Một số lo ngại khác là ý tưởng trên sẽ khiến các nước thêm tranh luận xem họ có muốn lính Mỹ đóng ở nước họ không. Ba Lan đã luôn muốn có lính Mỹ, nhưng các nước khác như Đức và Nhật luôn có những nhóm dân chúng chống lại sự hiện diện của Mỹ. Những nhóm đó sẽ mạnh mẽ lên tiếng hơn nếu Mỹ đưa ra đòi hỏi quá lớn.
“Các tranh luận chính trị nội bộ ở các nước rồi sẽ xoay quanh những căn cứ quân sự của Mỹ, một khi Mỹ nêu ra vấn đề này”, MacKenzie Eaglen, chuyên gia chính sách quốc phòng ở Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói với Bloomberg.
Căn cứ quân sự kèm khuyến mãi
Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu, ông Gordon Sondland, cho rằng yêu cầu chi trả thêm là để các nước khác tham gia nhiều hơn. “Một số nước có điều kiện chi trả mà không chi trả vì họ nghĩ chúng ta sẽ nhảy vào giúp họ, tổng thống coi đó là một vấn đề”, ông nói với Bloomberg.
Một số quan chức chính quyền nói các yêu cầu hỗ trợ thêm chi phí đối với các đồng minh đã được hoàn thiện hơn những gì dư luận được biết.
Họ nói các quan chức Lầu Năm Góc được yêu cầu lập ra 2 công thức. Một công thức sẽ tính xem các đồng minh sẽ phải trả thêm bao nhiêu tiền. Công thức thứ 2 sẽ xác định xem có thể giảm giá bao nhiêu nếu các đồng minh lựa chọn các chính sách phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Mỹ cũng đang tính cách yêu cầu các nước chi trả những phần mà trước đây không chi trả như lương cho binh lính hay chi phí cho các chuyến thăm cảng của tàu sân bay hay tàu ngầm, theo các quan chức trên.
Đức hiện chi trả 28% chi phí cho lính Mỹ đóng ở đây, tương đương 1 tỷ USD/năm, theo David Ochmanek, nhà nghiên cứu ở Rand Corp. Nếu theo đúng đòi hỏi “chi phí cộng 50%” của Tổng thống Trump, khoản mà Đức phải trả sẽ tăng vọt. Khoản chi trả của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ tăng vọt, theo Bloomberg.
Các quan chức Nhật Bản và Qatar từ chối bình luận. Đại sứ quán Đức ở Mỹ nói chưa có cuộc thảo luận nào. Các quan chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC), nơi các ý tưởng đòi hỗ trợ chi phí nói trên được khởi xướng, không xác nhận cũng không phản đối về các ý tưởng này.
Lợi ích cho đồng minh hay cho Mỹ?
“Chính quyền luôn nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận tốt nhất cho Mỹ ở khắp nơi trên thế giới, nhưng sẽ không bình luận về việc bàn bạc các ý tưởng cụ thể”, người phát ngôn của NSC cho biết.
Bất đồng về san sẻ chi phí cho quân Mỹ ở nước ngoài đã kéo dài nhiều thập kỷ. Chẳng hạn, Washington và Tokyo đã nhiều lần tranh cãi về việc Mỹ hiện diện ở Okinawa. Thậm chí Stephen Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của tổng thống Mỹ từng nói Mỹ “muốn làm đồng minh, không phải người bảo vệ”.
Những người chỉ trích nói việc đòi hỏi như trên hiểu sai những lợi ích mà việc triển khai quân đội ở nước ngoài mang lại cho Mỹ.
TT Trump doi dong minh tra tien can cu quan su nhung kem 'khuyen mai'-Hinh-3
 Lính Mỹ đến đóng quân ở Ba Lan. Ảnh: AFP.

“Đặt ra câu hỏi này càng thổi bùng lên những lập luận sai lệch rằng những căn cứ kia phục vụ lợi ích các quốc gia sở tại”, Douglas Lute, cựu đại sứ Mỹ tại NATO. “Sự thật là chúng ta giữ các căn cứ đó vì chúng phục vụ lợi ích chúng ta”.
Chẳng hạn, Mỹ dựa vào một số căn cứ quan trọng ở Đức: trung tâm y tế khu vực Landstuhl và căn cứ không quân Ramstein. Landstuhl là cơ sở y tế đẳng cấp thế giới đã cấp cứu cho lính Mỹ bị thương ở Iraq và các xung đột khác.
Còn Ramstein từng là nơi trung chuyển thông tin quan trọng giữa Mỹ và các máy bay không người lái (drone) chiến đấu chống khủng bố ở Trung Đông, theo báo Spiegel (Đức).
Đức cũng là nơi đặt Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ. Việc tính toán xem Đức cần phải trả bao nhiêu tiền cho các căn cứ đó, nếu tính cả các lợi ích cho Mỹ, sẽ khá phức tạp.
Trong trường hợp Hàn Quốc, 2 nước đã đạt được Thỏa thuận các Biện pháp Đặc biệt (SMA) kéo dài 5 năm, để rồi bị dẹp sang một bên bởi đòi hỏi nhất quyết “chi phí cộng 50%” của Tổng thống Trump. Sau cùng, 2 bên đồng ý Hàn Quốc sẽ chi trả thêm, nhưng ở mức thấp hơn. Nhưng thỏa thuận này chỉ kéo dài một năm. Dự kiến sau đó sẽ có một cuộc mặc cả mới.
Theo Trọng Thuấn/Zingnews

>> xem thêm

Bình luận(0)