Theo một chuyên gia không gian, vụ thử ICBM của Triều Tiên hôm 29/11 vừa qua đã làm gia tăng quan ngại về mối đe dọa mà nước này đặt ra cho Mỹ. Trong khi hầu hết chuyên gia tập trung vào điều mà họ tin là tên lửa có công nghệ hiện đại nhất của Bình Nhưỡng thì một số học giả lại chú ý vào hình nền – cụ thể là bầu trời đêm diễn ra vụ phóng thử.
|
Hình ảnh vụ phóng thử tên lửa Hwasong-15 hôm 29/11 được cho là đã bị chỉnh sửa. Ảnh: KCNA. |
Khi phân tích những hình ảnh về vụ phóng do Triều Tiên công bố, một chuyên gia không gian đã phát hiện rằng, các bức ảnh này cho thấy sự không thống nhất về vị trí các chòm sao trong bối cảnh của vụ thử tên lửa.
Tiến sĩ Marco Langbroek – chuyên gia tư vấn về Nhận biết hiện trạng không gian tại Đại học Leiden ở Hà Lan – cho rằng Chính quyền Bình Nhưỡng đã làm giả những hình ảnh này bằng cách điểm thêm các ngôi sao vào bầu trời hậu cảnh.
Ông Langbroek chỉ ra trong 2 bức ảnh, chùm khí và vị trí số trên tên lửa gần như giống nhau, tuy nhiên, bầu trời sao đã được chỉnh sửa. Ông giải thích: “Một bức ảnh cho thấy chòm sao Orion ở Nam – Đông Nam. Một bức khác lại cho thấy chòm sao Andromeda với thiên hà Andromeda ở Tây Bắc. Như vậy, 2 hình ảnh này từ góc nhìn giống nhau lại cho thấy các khu vực đối lập nhau trên bầu trời”.
Bên cạnh đó, chuyên gia tư vấn về Nhận biết hiện trạng không gian cũng so sánh 2 bức ảnh khác dường như là những hình ảnh phản chiếu của vụ thử nhưng những chòm sao lại khác nhau. Ông nhấn mạnh: “Rõ ràng hậu cảnh bầu trời đầy sao đã được bổ sung thêm hình ảnh và đây không phải là ảnh gốc”.
Theo nhà thiên văn học Jonathan McDowell thuộc Trung tâm vật lý học thiên thể Harvard-Smithisonian, “hình ảnh những chòm sao rất sắc nét, điều đó với tôi dường như không đúng.
|
Phải chăng Triều Tiên đang cố gắng đánh lừa Mỹ với những bức ảnh về Hwasong-15 đã qua chỉnh sửa?. Ảnh: KCNA. |
Các ngôi sao chỉ không thấy khác nhau khi ở cách vài dặm và tôi không có lý do gì để không tin rằng vụ phóng thử này này được diễn ra ở khu vực Pyongsong, phía Bắc Bình Nhưỡng”.
Theo Tiến sĩ Langbroek và chuyên gia McDowell, việc chỉnh sửa này đơn giản là làm cho hình ảnh tên lửa đẹp hơn. “Một tên lửa ICBM bay vào các vì sao làm cho hình ảnh tuyên truyền đẹp hơn. Họ (Triều Tiên) dường như không đủ quan tâm để làm điều đó chuẩn hơn”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Langbroek nhận định: “Có thể họ (Triều Tiên) muốn đùa giỡn với các nhà phân tích: Họ biết rằng những hình ảnh này sẽ được phương Tây phân tích. Việc đánh lừa những manh mối về định hướng của hình ảnh sẽ khiến cho các nhà phân tích khó thu thập thông tin về hình ảnh tên lửa 3 chiều, địa điểm vụ phóng”.