Trật tự thương mại toàn cầu đang bị đe dọa?

Google News

Dòng chảy thương mại toàn cầu vốn đang bị suy yếu bởi căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu, lạm phát,... lại bị ảnh hưởng bởi các chính sách đơn phương, từ kiểm soát xuất khẩu đến trợ cấp công nghiệp.

Dòng chảy thương mại giảm tốc
Căng thẳng địa chính trị, cuộc chiến Nga - Ukraine, biến đổi khí hậu, lo ngại về an ninh và lạm phát gia tăng đã làm xói mòn niềm tin vào toàn cầu hóa và sự tôn trọng các quy tắc thương mại toàn cầu giữa các cường quốc thế giới. Cùng với đó, các chính sách đơn phương, từ kiểm soát xuất khẩu đến trợ cấp công nghiệp, cũng làm cho dòng chảy thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng đáng kể.
Trat tu thuong mai toan cau dang bi de doa?
Ảnh minh họa: weforum.org 
Theo Financial Times, khối lượng thương mại toàn cầu trong tháng 6/2023 đã giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu của tháng 7/2023 lại càng củng cố bằng chứng cho thấy tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại.
Sau khi bùng nổ trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa toàn cầu suy yếu dần trước sức ép của lạm phát cao và động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trong năm 2022. Thêm vào đó, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn vào dịch vụ khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa.
Phần lớn quốc gia và vùng lãnh thổ đều chứng kiến sự giảm sút của khối lượng hàng hóa xuất khẩu trong tháng 7/2023. Chẳng hạn Trung Quốc, nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, ghi nhận mức giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 2,5% và tại Mỹ là 0,6%.
Bài viết mới đây đăng tải trên East Asia Forum (Diễn đàn Đông Á), một nhóm tác giả bao gồm 3 giáo sư nổi tiếng đã phân tích về các mối đe dọa đến trật tự thương mại toàn cầu. Nhóm tác giả gồm: GS. Bernard Hoekman - Giám đốc Kinh tế Toàn cầu thuộc Viện Đại học Châu Âu; GS. Petros C Mavroidis của Trường Đại học Columbia; và GS. Douglas Nelson của Đại học Tulane.
Nhóm tác giả cho rằng, dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu ngày càng bị ảnh hưởng bởi các chính sách đơn phương, từ kiểm soát xuất khẩu đến trợ cấp công nghiệp. Những chính sách này được các cường quốc thương mại lớn thực hiện nhằm đạt mục tiêu phi kinh tế như bảo vệ an ninh quốc gia, chống lại sự nóng lên toàn cầu và bảo vệ các giá trị xã hội.
Sự xói mòn lòng tin giữa các cường quốc kinh tế lớn, thể hiện qua việc họ ngày càng sẵn sàng "vũ khí hóa" chính sách thương mại, là một hạn chế lớn trong việc khởi động các cuộc đàm phán về các quy tắc mới của trò chơi thương mại. Thay vào đó, quyền tự chủ chiến lược, an ninh kinh tế và các mục tiêu phi kinh tế khác thúc đẩy lời kêu gọi hợp tác giữa các quốc gia có cùng giá trị và hệ thống kinh tế - chính trị.
Cần tuân thủ các nguyên tắc toàn cầu hóa
Thương mại quốc tế ngày càng gắn liền với sự cạnh tranh, hợp tác và tranh chấp mang tính hệ thống vì các mục tiêu phi kinh tế - mà thương mại được coi là công cụ dẫn đến thành công về mặt chính sách. Việc sử dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp, đặc biệt trong trường hợp viện dẫn các lợi ích an ninh thiết yếu, có thể vừa phản tác dụng vừa không hiệu quả.
Những khác biệt mang tính hệ thống và sự cạnh tranh địa chính trị không nhất thiết phải ngăn cản sự hợp tác nhằm giảm bớt hoặc quản lý sự lan tỏa chính sách. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đã nói rõ rằng Mỹ không quan tâm đến việc đàm phán các lĩnh vực thương mại ưu đãi truyền thống tập trung vào việc cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan có đi có lại đối với khối lượng thương mại đáng kể. Thay vào đó, Mỹ đang theo đuổi các khuôn khổ và hợp tác theo từng vấn đề cụ thể để điều phối các chính sách, chẳng hạn như thống nhất các thông lệ pháp lý về thương mại kỹ thuật số và quản lý chuỗi cung ứng.
Nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ cũng đã đưa ra sáng kiến mang tên Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại, thương mại kỹ thuật số mở và các luồng dữ liệu xuyên biên giới tự do với châu Á. IPEF chủ yếu tập trung vào bốn trụ cột chính: Kinh tế công bằng; Kinh tế kết nối; Kinh tế phục hồi; và Kinh tế xanh.
Nếu các thỏa thuận hợp tác pháp lý liên quan được mở cho những kinh tế thành viên, với các lợi ích được mở rộng có điều kiện sau khi thực hiện các tiêu chuẩn hoặc nguyên tắc quản lý đã thống nhất, thì chúng có thể hỗ trợ quá trình đa phương hóa dần dần. Thay vào đó, nếu hợp tác pháp lý được thiết kế để tạo thành các thỏa thuận độc quyền, nó có thể làm phân mảnh hệ thống thương mại toàn cầu. Các hiệp định đa phương mở theo từng lĩnh vực cụ thể mang lại triển vọng đa phương hóa tốt hơn so với các hiệp định thương mại ưu đãi.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) lưu ý, các biện pháp hạn chế thương mại đã cản trở xuất khẩu từ năm 2018 đến nay. OECD cảnh báo, sự phân mảnh địa kinh tế và xu hướng dịch chuyển sang chính sách thương mại hướng nội nhiều hơn có thể làm suy giảm lợi ích thương mại toàn cầu và gây ảnh hưởng đến mức sống, nhất là ở các quốc gia và hộ gia đình nghèo khó nhất.
Chia sẻ trên GZERO World, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, thương mại toàn cầu đạt mức 32.000 tỷ USD vào năm 2022, trong đó các thành viên WTO đóng góp phần lớn. WTO là trọng tài của thương mại toàn cầu, là nơi để các nước đàm phán các hiệp định và giải quyết tranh chấp.
Các thành viên WTO cần cam kết tuân thủ các nguyên tắc toàn cầu hóa và đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển, Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, bằng cách phân cấp và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, nền kinh tế toàn sẽ cầu trở nên kiên cường hơn, giảm độc quyền và đưa các quốc gia bị bỏ lại bên lề thương mại thế giới trở thành xu hướng chủ đạo.
Theo Trần Ngọc/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)