Theo đề xuất, Indonesia sẽ thả 200 triệu con muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia, loại vi khuẩn thường thấy ở một nửa số loài côn trùng, trên đảo Bali vào giữa tháng 11. Tuy nhiên, Bộ Y tế Indonesia thông báo kế hoạch này đã bị tạm dừng vô thời hạn.
"Chúng tôi đang thảo luận với chính quyền tỉnh Bali để tạm thời trì hoãn việc thả muỗi mang Wolbachia và tiến hành tuyên truyền rộng rãi hơn trong công chúng cho đến khi cộng đồng chuẩn bị sẵn sàng", người phát ngôn của Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết vào tháng trước.
|
Kế hoạch thả muỗi để ngăn ngừa sốt xuất huyết ở Bali gây tranh cãi. Ảnh: SCMP.
|
Ngoài Bali, kế hoạch "thả muỗi" còn được triển khai tại các thành phố Semarang, Bandung và Jakarta trên đảo Java, cũng như thành phố Kupang thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara, bà Siti cho biết.
Những con muỗi sẽ được tiêm vi khuẩn Wolbachia, loại vi khuẩn đã được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các loại vi rút như sốt xuất huyết, sốt Zika và sốt vàng da ở muỗi. Việc này được cho là sẽ làm suy yếu khả năng truyền vi rút gây bệnh từ những con muỗi này sang người.
Khi muỗi mang Wolbachia sinh sản với muỗi bình thường, vi khuẩn này sẽ được di truyền cho con cái, dần dần tạo ra quần thể muỗi nhiễm Wolbachia quy mô lớn và qua đó làm giảm sự lây lan của các mầm bệnh.
Việc thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đề phòng ngừa dịch sốt xuất huyết đã được triển khai ở nhiều nước như Australia, Ấn Độ, Brazil và Colombia.
Những người phản đối cho rằng nghiên cứu thí điểm ở Yogyakarta không đủ mạnh để làm cơ sở cho việc thả muỗi tại Bali. Theo Trung tâm Y học Nhiệt đới tại Đại học Gajah Mada, nghiên cứu bắt đầu vào năm 2011 cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết giảm 77,1% ở các cộng đồng có sự xuất hiện của muỗi mang Wolbachia.
Tuy nhiên, phe chỉ trích lập luận rằng nghiên cứu ban đầu ở Yogyakarta - nơi đã khảo sát 4.500 người - không được thực hiện với mẫu dân số đủ lớn hoặc một số lượng muỗi đáng kể. Nghiên cứu chỉ được triển khai tại hai quận Sleman và Bantul của thành phố.
Ông Michael Northcott, giáo sư danh dự về đạo đức tại Đại học Edinburgh ở Scotland (Anh), người đã sống ở cả Yogyakarta và Bali từ năm 2019, nói với South China Morning Post rằng ông vô cùng quan ngại. "Tôi không nói rằng chuyện này là gian lận hay có bất kỳ tham nhũng nào ở đây, chỉ là chuyện này dựa trên một nghiên cứu thí điểm ở Yogyakarta", ông nói.
Theo vị giáo sư, kế hoạch thả muỗi không nên được thực hiện ở Bali cho đến khi có sự nhân rộng quy mô lớn nghiên cứu ở Yogyakarta. "Bạn đã xem phim Công viên kỷ Jura chưa ? Sự sống tiến hóa một cách tự nhiên và những nỗ lực can thiệp thường thất bại", ông Northcott cho biết.
"Chúng tôi được thông báo rằng những con muỗi mới này đã được nhân giống trong các phòng thí nghiệm ở Úc và chúng sẽ không còn mang mầm bệnh gây hại cho sức khỏe nữa. Không ai trong chúng ta thích bị muỗi đốt và hiện tại, chúng ta được yêu cầu phải trở thành chuột thí nghiệm cho những con muỗi Úc này", chuyên gia Northcott lập luận.