Theo Đông Phương, phiên tòa xét xử Chu Bản Thuận đã được bắt đầu từ ngày 30/11/2016, tới nay mới kết thúc. Chu Bản Thuận nguyên là Ủy viên Trung ương, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Bắc. Ngoài bị phạt tù, tòa còn tuyên bố tịch thu số tài sản 2 triệu NDT, thu hồi toàn bộ tang vật và lợi nhuận giao nộp kho nhà nước. Sau khi nghe tòa tuyên án, Chu Bản Thuận đã bày tỏ chấp nhận và không kháng án.
Theo tòa, từ năm 2000 đến 2015, Thuận đã lợi dụng các chức vụ Bí thư thành ủy Thiệu Dương, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Hồ Nam, Phó tổng thư ký Ủy ban Chính pháp Trung ương… giúp đỡ người khác khai thác đất nền, nhận công trình, xin cấp giấy phép phòng cháy, vay tiền ngân hàng và thăng tấn chức vụ rồi trực tiếp hoặc thông qua người nhà nhiều lần nhận tiền, vật của người khác tổng cộng hơn 40 triệu NDT (132 tỷ VND).
Chu Bản Thuận sinh năm 1953, quê ở Hồ Nam, là tiến sĩ ngành Quản lý công thương và tiến sĩ Luật. Từ tháng 10/1994 đến 1999, Thuận làm Phó bí thư thành ủy rồi lên làm Bí thư thành ủy Thiệu Dương. Tháng 11/2000, Thuận làm Giám đốc Công an Hồ Nam rồi Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Bí thư Ủy ban Chính pháp tỉnh ủy kiêm Giám đốc Công an Hồ Nam. Tháng 11/2003, Chu Bản Thuận được điều lên trung ương giữ chức Phó Tổng thư ký, Bí thư đảng ủy Ủy ban Chính pháp dưới trướng Chu Vĩnh Khang.
|
Chu Bản Thuận lúc đương chức và Chu Vĩnh Khang (ảnh nhỏ). |
Từ tháng 3/2008, Thuận là Phó chủ nhiệm Ủy ban Trị lý tổng hợp trị an xã hội, Tổng thư ký Ủy ban Chính pháp. Tháng 5/2010, ông ta kiêm nhiệm chức Chủ nhiệm Văn phòng Tổ lãnh đạo công tác Tân Cương, thành viên Tổ lãnh đạo giữ ổn định trung ương. Trong thời gian này, Chu Bản Thuận đảm nhiệm vai trò là thư ký của Chu Vĩnh Khang, thường xuyên tháp tùng Khang đi các nơi.
Tháng 3/2013, Chu Bản Thuận được điều đi làm Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc, tháng 5/2013 được bầu làm đại biểu quốc hội khóa 12, từ tháng 1/2014 là Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Bắc. Sau khi Thuận rời Trung ương về Hà Bắc, đã nhiều lần công khai bày tỏ bất mãn về “8 điều quy định” của Trung ương, cho rằng “quá kỹ, quá nghiêm, không cần thiết”.
Bản thân Thuận khi về Hà Bắc không chịu chuyển đến ở nhà công vụ theo tiêu chuẩn, mà ở trong biệt thự rộng 800m2 gồm 16 phòng trong khu nhà khách của Quân khu tỉnh. Sống cùng ông ta ngoài lái xe, thư ký, còn có 2 đầu bếp đưa từ Hồ Nam sang để nấu ăn cho hợp khẩu vị, 2 người giúp việc, trong đó 1 người chuyên chăm sóc vật nuôi.
Thuận còn cho lập Phật điện, lập bàn thờ Phật ở nhiều nơi, cứ ngày Rằm, Mồng Một là đi lễ, đốt vàng mã. Thậm chí con rùa nuôi trong nhà bị chết, Thuận cũng tổ chức làm lễ, dâng sớ tụng kinh để tiễn biệt nó…
Ngày 24/7/2015, Chu Bản Thuận dẫn đoàn đại biểu đi Bắc Kinh dự Hội nghị hợp tác phát triển 3 tỉnh, thành Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc. Sau khi hội nghị kết thúc, ông ta bị người của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) dẫn đi điều tra. Tối hôm đó, UBKTKLTW ra thông báo Chu Bản Thuận bị tổ chức điều tra do “vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng” và trở thành Bí thư tỉnh ủy đương chức đầu tiên bị điều tra sau Đại hội 18, cũng là viên Thư ký cuối cùng của Chu Vĩnh Khang bị ngã ngựa.
Ngày 25/9/2015, Chu Bản Thuận bị bãi miễn chức vụ đại biểu quốc hội khóa 12. Đến ngày 16/10, UBKTKLTW tuyên bố cách chức, khai trừ đảng đối với Chu Bản Thuận chuyển cơ quan tư pháp điều tra xử lý. Trong thông báo kỷ luật, UBKTKLTW cho biết, Thuận đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức và quy tắc chính trị, phát biểu lời lẽ đi ngược lại Trung ương trong những vấn đề quan trọng, sách nhiễu, cản trở tổ chức thẩm tra, đề bạt cán bộ trái quy định, lợi dụng chức vụ mưu lợi cho người khác để nhận hối lộ…
Ngày 29/10/2015, Viện kiểm sát tối cao quyết định lập hồ sơ vụ án và áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với Chu Bản Thuận. Ngày 9/10/2016, Viện kiểm sát tối cao thông báo hoàn thành việc điều tra, chuyển Viện kiểm sát thành phố Hạ Môn tiến hành khởi tố đưa Chu Bản Thuận ra xét xử về tội nhận hối lộ. Một phần tội lỗi của Chu Bản Thuận đã được nêu trong bộ phim tài liệu đề tài chống quan tham “Mãi mãi trên đường” của UBKTKLTW được phát trên CCTV hồi cuối tháng 10/2016.
Theo đó, phần lớn vấn đề phạm tội kinh tế của Thuận có liên quan đến việc làm ăn của con trai là Chu Tĩnh. Thuận đã cho phép, ủng hộ, dung túng cho Chu Tĩnh “hợp tác, đầu tư, khai thác nhà đất” với các ông chủ. Các ông chủ này thường tổ chức ăn nhậu, mời Thuận và các quan chức tham gia. Qua các cuộc nhậu đó, Thuận đã giúp đỡ, “bắc cầu” cho các ông chủ trong việc xin đất, phê duyệt thủ tục xây dựng. Thuận lấy danh nghĩa “mượn tiền” để vòi hối lộ những khoản tiền lớn để con trai dùng làm ăn. Ngoài vấn đề kinh tế, Thuận còn “đi đầu vi phạm 8 điều quy định”, như dùng tiền công tiếp khách, nhà ở, ra nước ngoài tham quan khảo sát…