Tìm mọi cách để người trẻ kết hôn ở Trung Quốc

Google News

Không chỉ xây dựng dữ liệu về người còn độc thân, một số thành phố còn muốn theo dõi tình trạng mối quan hệ các đôi hẹn hò, giúp họ giải quyết mâu thuẫn để cuối cùng sẽ kết hôn.

Một số thành phố ở tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc, đã đưa ra sáng kiến mai mối khác nhau, có nơi tiến xa tới mức lập cơ sở dữ liệu những cư dân chưa kết hôn, China Youth Daily đưa tin hôm 16/3.
Đây được xem là một phần trong nỗ lực "cải cách phong tục hôn nhân", nhằm thúc đẩy văn hóa mới, đồng thời loại bỏ tập tục cổ hủ về sính lễ đắt đỏ, bao gồm tiền mặt và vật phẩm khác.
Thành phố Quý Khê đã triển khai một ứng dụng nhỏ, cung cấp dịch vụ mai mối cho người dân địa phương, có kế hoạch các sự kiện cho người độc thân muốn tìm bạn hẹn hò.
Tuy nhiên, kể từ ngày 17/3, thông tin về những người còn độc thân đã không còn trên ứng dụng này, cũng không rõ quyết định tham gia gia của họ là tự nguyện hay liệu chính quyền có cung cấp thông tin cho toàn bộ người dân hay không.
Tim moi cach de nguoi tre ket hon o Trung Quoc
Chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách khuyến khích người dân kết hôn. Ảnh minh họa: Sixth Tone.
Bên cạnh đó, các cuộc gọi góp ý từ Sixth Tone đến "đường dây nóng tư vấn mai mối" của thành phố trong cùng ngày đã không được trả lời.
Tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc gần đây đang giảm mạnh do nhiều người trẻ tuổi ít quan tâm đến việc ổn định cuộc sống so với thế hệ trước. Chỉ có 11,58 triệu người kết hôn lần đầu vào năm 2021, con số thấp nhất kể từ năm 1985.
Thái độ thờ ơ đối với hôn nhân, cùng tỷ lệ sinh thấp kỷ lục đã tạo ra những thách thức mới cho chính quyền địa phương khi phải nỗ lực cải thiện số liệu.
Cả chính quyền địa phương và trung ương Trung Quốc đã khởi xướng nhiều kế hoạch khác nhau. Một số trong số đó là hỗ trợ tài chính, nhằm khuyến khích mọi người kết hôn và sinh thêm con trong vài năm qua.
Tại huyện Ngọc Sơn, tỉnh Giang Tây, chính quyền địa phương đã tạo ra một cơ sở dữ liệu chuyên biệt nội bộ để theo dõi những người đã tạo dựng mối quan hệ sau quá trình mai mối, theo tờ China Youth Daily.
Các quan chức địa phương cũng có kế hoạch theo dõi tình trạng mối quan hệ của cặp đôi và đưa ra lời khuyên về cách giải quyết mọi vấn đề, để cuối cùng họ sẽ đi đến hôn nhân.
"Chúng tôi sẽ hình thành một hệ thống dịch vụ khép kín, giúp những người trẻ tuổi gặp gỡ, yêu nhau và kết hôn", chính quyền Ngọc Sơn nói với China Youth Daily.
Ở các tỉnh như Giang Tây, tình trạng mất cân bằng giới tính - nam nhiều hơn nữ 1,5 triệu người vào năm 2021 - và quà đính hôn quá cao được cho là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ kết hôn thấp.
Một báo cáo năm 2020 từ gã khổng lồ công nghệ Tencent cho thấy cư dân tỉnh này tặng quà đính hôn cao thứ 4 trên toàn quốc, với số tiền trung bình là 112.000 nhân dân tệ (16.300 USD).
Sáng kiến mai mối mới nhất của tỉnh Giang Tây đã vấp phải phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Trong khi một số người ủng hộ nỗ lực của chính quyền địa phương, những người khác đặt câu hỏi liệu có hợp pháp khi thu thập thông tin cá nhân của những người độc thân cho mục đích mai mối hay không.
Một số người dùng trên nền tảng Weibo cũng cho biết họ lo lắng về quyền riêng tư của mình, đặc biệt nếu thông tin đó xuất hiện trực tuyến mà không có sự đồng ý của họ.
"Một nền tảng mai mối do chính phủ thành lập đáng tin cậy hơn những nền tảng thương mại mà ít nhất bạn phải tự trả tiền", một người dùng Weibo bình luận, với ý bảo vệ những nỗ lực của Giang Tây.
"Nhưng chúng ta vẫn cần quan tâm đến thông tin cá nhân của mình. Tại sao không có cơ sở dữ liệu cho những kẻ hiếp dâm hoặc bạo lực gia đình?", một người dùng khác chia sẻ quan điểm trái chiều.
Theo Đinh Phạm / Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)