“Mỹ không còn có thể bảo vệ châu Âu một cách đơn thuần nữa, chúng ta cần phải nắm lấy vận mệnh của mình trong tay. Đây là nhiệm vụ của chúng ta trong tương lai.” Thủ tướng Merkel nói hôm 10/5 trong một bài phát biểu về quyết định của Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran.
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: RIA Novosti)
|
Bình luận về lời kêu gọi của Thủ tướng Đức, thành viên Thượng viện Nga Alexei Pushkov cho rằng lời kêu gọi này của bà Merkel thực sự mang tính cách mạng đối với mối quan hệ Mỹ-EU. Tuy nhiên, dù là lĩnh vực kinh tế hay quân sự, mối ràng buộc Mỹ-EU không hề đơn thuần khi nói về “ngừng dựa dẫm”.
Hơn nữa, với việc Mỹ hiện nay đang chịu 70% chí phí duy trì hoạt động của liên minh quân sự NATO thì rất khó để nói lời kêu gọi này mang lại kết quả gì cụ thể. Để dễ hình dung, thì điều đó giống như “Ai là người chi tiền, thì người đó có quyền quyết định cuộc chơi”, ông Pushkov nói.
Ngày 8/5 vừa qua Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Mỹ chính thức rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký vào năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp và Đức và sẽ sớm thông qua việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran.
Tổng thống Pháp ngay sau tuyên bố của Washington cũng đăng tải trên Twitter rằng “Pháp, Đức, Anh lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Trump khi rút Mỹ khỏi JCPOA”.
Bản Thoả thuận hạt nhân 2015 được ký sau khi các bên thống nhất sẽ dần gỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực kinh tế và tài chính với Iran, đổi lại Tehran phải cam kết từ bỏ chương trình sản xuất nhiên liệu hạt nhân và chế tạo vũ khí nguyên tử.