Thổ Nhĩ Kỳ hôm 20/1 đã mở một đợt không kích Syria nhằm tiêu diệt Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở tỉnh Afrin, miền Bắc Syria, vốn được Mỹ hậu thuẫn. Các bên liên quan ngay lập tức có phản ứng về hành động trên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 20/1 đã nã đạn vào các khu vực Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd ở tỉnh Afrin. Các vụ tấn công đã khiến ít nhất 9 người thiệt mạng.
Với mục tiêu tiêu diệt toàn bộ Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd ở tỉnh Afrin, miền Bắc Syria, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trong những ngày tới có thể sẽ điều cả lực lượng bộ binh tới đây.
Phát biểu trước báo giới ngày 20/1, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cảnh báo, việc điều bộ binh tới đây sẽ tùy thuộc vào diễn biến tiếp theo tại đây. Ông Yildirim cũng cho biết, quyết định mở chiến dịch quân sự tại tỉnh Afrin là nhằm trả đũa việc Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu vô số các cuộc tấn công xuất phát từ khu vực Đông Nam Syria.
|
Chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Cyprus News Report. |
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết đã thông báo với các bên liên quan trước khi thực hiện vụ tấn công, đồng thời khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ có ý định xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Trái với lý giải của Thổ Nhĩ Kỳ, phía nhà chức trách Syria cho biết, chưa nhận được thông báo nào từ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xem hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là sự vi phạm chủ quyền của Syria. Trong khi lực lượng người Kurd tại Syria thì cho biết, lực lượng này sẽ có hành động đáp trả.
Trong một diễn biến mới nhất, chiều 21/1, 4 quả đạn pháo đã được bắn đi từ Syria nhắm tới Kilis - thị trấn biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ba quả đạn pháo đã làm hư hại nhà của người dân trong khi một quả rơi vào khu vực đất trống. Hiện chưa có thông tin thương vong trong vụ pháo kích vừa nêu.
Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd là nhóm vũ trang được Mỹ ủng hộ và có vai trò lớn trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, song bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là một mối đe dọa an ninh đối với nước này.
Mỹ chưa có phản ứng chính thức về hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, song theo nguồn tin Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng nước này Rex Tillerson đã điện đàm với 2 người đồng cấp Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, song không công bố chi tiết nội dung.
Phía Mỹ hối thúc các bên liên quan tập trung vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, tránh đẩy căng thẳng leo thang.
|
Theo đánh giá của giới phân tích, chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Afrin của Syria không nhằm làm suy yếu lực lượng người Kurd tại đây. Ảnh: Cyprus News. |
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong cuộc điện đàm ngày 20/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và ông Rex Tillerson đã thảo luận về các biện pháp nhằm đảm bảo sự ổn định tại miền Bắc Syria cũng như tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Syria với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc. Nga, hiện đã rút binh sĩ ra khỏi khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chiến dịch quân sự ở Syria, song không can thiệp tình hình và đã kêu gọi các bên kiềm chế.
Theo đánh giá của giới phân tích, chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Afrin của Syria không nhằm làm suy yếu lực lượng người Kurd tại đây mà chỉ nhằm giúp Thổ Nhĩ Kỳ có tiếng nói lớn hơn trong tiến trình hòa bình ở Syria.
Ông Oytun Orhan – nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông (ORSAM) nhận xét: “Khu vực Afrin là một khu vực yếu hơn khu vực khác. Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ rằng có nhiều cơ hội ở khu vực này. Thổ Nhĩ Kỳ muốn kiểm soát tình hình để có thể tăng cường sức mạnh trong tay trong tiến trình tìm kiếm một giải pháp chính trị ở Syria.”
Chưa biết là liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể có tiếng nói lớn hơn trong tiến trình hòa bình ở Syria hay không song một điều có thể nhận thấy là chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ trước mắt sẽ khiến quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ tiếp tục leo thang cũng như làm gia tăng quan ngại về bất ổn tại Syria sau 7 năm xung đột./.