Thiếu tiền, Mỹ bỏ hàng loạt căn cứ quân sự

Google News

(Kiến Thức) - Lầu Năm Góc tiến hành rời bỏ một số căn cứ quân sự tại châu Âu với nỗ lực tiết kiệm chi phí 500 triệu USD mỗi năm.

Đối mặt với việc ngân sách và quân đội đang ngày càng bị thu hẹp, Lầu Năm Góc hôm thứ 5 đã tuyên bố chấm dứt hoạt động tại các căn cứ không quân ở Anh trước khi trao trả các cơ sở này cùng 14 điểm khác ở châu Âu về lại chính phủ các nước, với mong muốn sẽ tiết kiệm chi phí 500 triệu USD mỗi năm.

Lầu Năm Góc cho biết sẽ thoái vốn tại căn cứ Không quân Hoàng gia Mildenhall phía đông bắc London, nơi đang có các máy bay tiếp liệu, máy bay do thám và máy bay phục vụ các chiến dịch đặc biệt, đồng thời tiến hành rút 3200 binh lính cùng gia đình của họ ra khỏi khu vực trong vòng vài năm tới.

Thieu tien, My bo hang loat can cu quan su
 Căn cứ Không quân Hoàng gia Mildenhall tại đông bắc London.

Sau khi tiến hành cắt giảm, Lầu Năm Góc dự tính vào cuối thập kỷ này sẽ khôi phục một phần lực lượng gần căn cứ Không quân Hoàng gia Lakenheath – địa bàn hoạt động của đơn vị 48th Fighter Wing, với 1200 binh lính và 2 phi đội tiêm kích F-35 Joint Strike Fighters. Như vậy, số binh lính Mỹ tại khu vực này sẽ giảm tới 2000 người. Đây được coi là một động thái quan trọng trong quá trình hợp nhất về quân binh tại châu Âu. Một số căn cứ tại Đức cũng sẽ được cắt giảm, mặc dù theo dự kiến tổng số binh lính Mỹ sẽ tăng thêm vài trăm người.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chuck Hagel thừa nhận các động thái này sẽ dẫn đến tình trạng mất việc tại một số quốc gia liên quan, tuy nhiên bên cạnh đó ông cũng cho biết những thay đổi này là cần thiết trong quá trình tối đa hóa khả năng quân sự của Mỹ tại châu Âu, từ đó tiến hành hỗ trợ tốt nhất cho các đối tác và các nước đồng minh NATO.

Khoảng 500 thường dân và binh lính Mỹ sẽ được rút khỏi Lajes Field tại Azores, làm giảm số quân Mỹ tại Bồ Đào Nha. Một đội quân kiểm soát không lưu sẽ được chuyển từ Đức tới Ý, số quân Mỹ tại đây sẽ được nâng lên con số 300.

Động thái này phục vụ nỗ lực của Mỹ nhằm cắt giảm chi tiêu 1 nghìn tỷ USD trong khoảng 1 thập kỉ. Vì mục đích này, Quốc hội Mỹ cũng đã nhiều lần được yêu cầu loại bỏ một số cơ sở quân sự được cho là dư thừa năng lực đến 20% tại chính nước này. Nhưng những yêu cầu này nhanh chóng bị từ chối, các nhà lập pháp đề đạt rằng các cơ sở quân sự của Mỹ tại châu Âu nên được loại trừ trước. Tại châu Âu hiện đang có 64 nghìn đội quân Mỹ, hầu hết đồn trú tại Đức, Ý và Anh.

Sự thay đổi này diễn ra khi căng thẳng giữa Nga và NATO đang gia tăng sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào Nga, theo đó, phe phiến quân thân Nga cũng được ủng hộ chống lại chính quyền Kiev.

Hồi tuần trước, người trực tiếp chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu, Trung tướng Ben Hodges chia sẻ trên tờ Reuters rằng việc Mỹ cắt giảm quân đội do áp lực ngân sách là không thể tránh khỏi, tuy nhiên vẫn nên duy trì mức quân lực ở châu Âu như hiện nay cho đến khi tình hình an ninh đi vào ổn định. Ông Hodges cho biết thêm:”Với lực lượng quân đội như hiện nay, cơ sở hạ tầng như hiện nay và lực lượng luân phiên được cam kết cung cấp, chúng tôi có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nhưng nếu có bất cứ sự cắt giảm nào thì tôi không dám chắc về điều này.”


Hoàng Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)