Alan Mathison Turing sinh ngày 23/6/1912 tại London, Anh. Cha mẹ ông đều từng sống ở Ấn Độ (lúc bấy giờ còn là thuộc địa của Anh) nhưng quyết định về nước để con mình có một môi trường phát triển tốt hơn. Ngay từ thời thơ ấu, Turing đã bộc lộ những dấu hiệu thiên tài. Ông tự tập đọc chỉ trong ba tuần và dường như vô cùng ham thích toán học hay giải đáp câu đố.
|
Alan Turing. Ảnh: cn1n.com. |
Thiên tài “nổi loạn”
Năm Turing lên 14 tuổi, ông được cha mẹ gửi tới trường nội trú Sherborne ở Dorset, một ngôi trường công đắt đỏ nhưng nổi tiếng. Ngày đầu tiên Turing đến trường vào năm 1926 cũng là ngày xảy ra cuộc tổng đình công tại Anh. Nhưng vì vẫn quyết tâm muốn tới lớp nên ông đã chạy xe đạp 97 km từ nhà ở Southampton đến trường. Dù có năng khiếu toán và khoa học, các thầy cô ở Sherborne lại không coi trọng Turing bởi ngôi trường này chỉ đề cao những môn học cổ điển. Hiệu trưởng trường thậm chí còn viết thư cho cha mẹ ông, khẳng định “nếu Turing chỉ muốn trở thành một nhà nghiên cứu khoa học chuyên sâu, cậu sẽ chỉ lãng phí thời gian tại một ngôi trường công”.
Dù Turing không có đặc điểm gì giống một “thành phần nổi loạn” nhưng thầy hiệu trưởng vẫn nhận xét ông “chắc chắn sẽ trở thành rắc rối với bất kỳ trường lớp hay cộng đồng nào”. Không để tâm những lời khó nghe, Turing tiếp tục theo đuổi đam mê. 15 tuổi, ông đã giải thành công toán bậc cao về hệ số các biến dù chưa học qua căn bản. Năm 16 tuổi, Turing bắt đầu mày mò tìm hiểu các nghiên cứu của Albert Einstein. Không những nắm vững nội dung mà ông còn cố gắng tìm cách giải quyết những thắc mắc mà Einstein nêu ra về một đoạn lý thuyết còn chưa rõ ràng trong định luật chuyển động Newton.
Turing có một người bạn đặc biệt thân tại trường Sherbone là Christopher Morcom, người được miêu tả như “mối tình đầu” của ông. Nhưng vào năm 1930, Morcom đột ngột qua đời vì bệnh lao bò. Đau đớn, Turing từ bỏ đức tin và trở thành một người vô thần.
Một năm sau, ông đỗ Đại học Cambridge chuyên ngành toán. Năm 1934, ông tốt nghiệp loại ưu, đồng thời tiếp tục giành một suất nghiên cứu sinh tại Đại học Hoàng gia London. Từ năm 1931 đến cuối năm 1938, Turing tập trung nghiên cứu và đã cho ra đời nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp khoa học của ông về sau này.
Năm 1939, Anh tuyên bố chiến tranh với Đức. Cơ quan tình báo quốc tế Anh (MI6) lúc bấy giờ đang nỗ lực để giải mã các máy điện tín Enigma với nguyên mẫu là chiếc máy mật mã Enigma do tình báo Ba Lan lấy cắp được từ phát xít Đức. Chính phủ Anh đã thành lập một nhóm gồm các nhà toán học, khoa học, ngôn ngữ học và chuyên gia mật mã nhằm phá giải hệ thống mã hóa bí mật mà phe phát xít sử dụng. Turing là một trong số đó. Ông đứng đầu đơn vị giải mã mang tên Hut 8.
Enigma là một cỗ máy mã hóa phức tạp, có thể thay đổi các hình thức cài đặt để tạo ra những công thức mã hóa khác nhau, chuyển đổi chữ cái này thành chữ cái khác trong bảng chữ cái alphabet. Dốc sức nghiên cứu, Turing và các đồng nghiệp đã phá giải thành công cơ chế mã hóa của máy Enigma sau khi Anh đoạt được cuốn sách mật mã của hải quân Đức.
Việc thu và giải mã những bức điện mật hải quân Đức trao đổi với nhau đóng vai trò then chốt trong các cuộc hải chiến Thế chiến II, mang đến ưu thế về thông tin cho quân Đồng minh. Các tàu ngầm U-boat Đức không còn là nỗi khiếp sợ đối với họ. Năm 1945, chiến tranh thế giới lần hai kết thúc, Turing được trao thưởng huân chương hiệp sĩ đế chế (OBE) vì những đóng góp của mình.
Bi kịch
Ngỡ tưởng sự nghiệp của thiên tài mật mã Alan Turing sẽ vô cùng thăng hoa. Ở tuổi 40, ông là người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Nhưng vào năm 1952, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp nghiên cứu khoa học, cuộc đời ông bỗng chốc rơi xuống địa ngục. Turing bị bắt và kết tội quan hệ đồng tính không đứng đắn. Thời ấy, quan niệm về quan hệ đồng tính còn vô cùng khắt khe. Ông bị cấm tiếp cận các cơ sở vật chất tại Bletchley Park, trung tâm mã hóa nơi Turing từng làm việc thời Thế chiến II.
Để không phải ngồi tù, Alan Turing chọn phương án trải qua điều trị hoocmon nội tiết tố nhằm lấy lại giới tính tự nhiên dù ông biết điều này không logic. Hai năm sau khi bị “thiến hóa học”, không chịu nổi áp lực, Turing tự sát vào ngày 7/6/1954.
Theo kết quả khám nghiệm tử thi, nguyên nhân tử vong là do ngộ độc xyanua. Các nhà điều tra phát hiện bên thi thể Turing một quả táo cắn dở. Họ kết luận ông đã bơm xyanua vào quả táo rồi cắn. Tuy nhiên, quả táo không được đưa đi phân tích khiến nhiều giả thiết xung quanh cái chết của Turing nảy sinh, ví dụ như ông đột ngột hít phải xyanua trong lúc làm thí nghiệm.
Nhiều năm sau ngày thiên tài Turing qua đời, chính phủ Anh bắt đầu những nỗ lực giải oan cho ông. Năm 2009, thủ tướng Anh Gordon Brown lên tiếng xin lỗi về "cách hành xử khủng khiếp" đã gián tiếp gây ra cái chết của Turing. Ngày 24/12/2013, Nữ hoàng Anh Elizabeth II ký sắc lệnh ân xá và đến tháng 8/2014 chính thức tuyên bố Turing hoàn toàn vô tội.