Thiên đường bỗng hóa ác mộng vì núi lửa 'thức giấc' ở Bali

Google News

Sân bay đóng cửa, ví cạn tiền và visa hết hạn đã biến Bali thành cơn ác mộng cho hàng nghìn du khách đang nóng lòng rời đi khi một ngọn núi lửa có thể phun trào bất cứ lúc nào.

Mời độc giả xem video: Thiên đường du lịch Bali bị tàn phá bởi siêu núi lửa Agung. (Nguồn The National)
Cho đến trước khi núi lửa Agung bừng tỉnh lần thứ hai trong vòng một tuần cách đây ít hôm, có lẽ ai nấy đều vui vẻ tận hưởng làn nước biển xanh ngắt ở hòn đảo thiên đường Bali của Indonesia.
Thế nhưng, hàng trăm chuyến bay bị hủy khi sân bay quốc tế chính trên hòn đảo, Ngurah Rai, buộc phải đóng cửa trong ba ngày qua, khiến 120.000 du khách bị mắc kẹt phải tìm kiếm nơi trú ngụ cũng như kế hoạch "thoát thân".
Hàng trăm người vội vàng đón xe khách để đi đến sân bay quốc tế khác ở Surabaya - thành phố lớn thứ hai Indonesia - cách đó 13 giờ lái xe và đi phà. Những cơn mưa xối xả càng khiến tinh thần của nhiều người thêm rối loạn.
Màn hình thông báo tại sân bay Ngurah Rai ở Bali ngày 28/11 cho thấy tất cả chuyến bay đều bị hủy vì núi lửa. Ảnh: Getty. 
Hết tiền
Với việc núi lửa Agung có nguy cơ phun trào bất cứ lúc nào, những du khách giàu có sẵn sàng lưu trú thêm vài ngày tại các khách sạn năm sao để tránh những bất tiện phát sinh. Song Mukesh Kumar Gupta và hơn hai chục thành viên trong gia đình anh sẽ không thể ở lại khách sạn Four Seasons.
"Chúng tôi đang thực sự bất lực. Làm thế nào chúng tôi có thể quay về Ấn Độ?", anh Gupta, sống tại Chennai, thành viên trong gia đình 26 người, nói với AFP.
Gia đình anh Gupta, gồm 23 người lớn và 3 trẻ em, đã đến Bali cách đây 10 ngày từ các thành phố khác nhau tại Ấn Độ.
Tất cả mọi người đều đã mua về về nước vào ngày 28/11 nhưng bây giờ cho biết họ đang bị mắc kẹt, và gần như hết sạch tiền mặt, giữa cảnh hỗn loạn đang xảy ra ở sân bay với những du khách chán nản và đội ngũ nhân viên bị quá tải.
"Số tiền hoàn lại (từ hãng hàng không) sẽ không đủ để mua vé mới", anh Navin Saraf đến từ Kolkata, một thành viên khác trong đại gia đình trên, nói với AFP tại sân bay chính của Bali.
"Chúng tôi đã đặt trước mọi thứ qua mạng, vì vậy chúng tôi không có nhiều tiền mặt ngay lúc này", anh cho biết thêm.
Hành khách xếp hàng tại sân bay Ngurah hy vọng có thể tìm được chuyến bay rời Bali ngày 28/11. Ảnh: Getty. 
Những cột khói xám dày xuất hiện trên núi lửa Agung kể từ tuần trước, và trong vài ngày gần đây, ngọn núi đã bắt đầu phun khói và tro vào khí quyển, khiến mọi chuyến bay đều bị hủy, ít nhất cho đến sáng 29/11.
Tro núi lửa rất nguy hiểm cho máy bay vì nó khiến đường băng trở nên trơn trượt cũng như có thể làm kẹt động cơ máy bay.
"Không phải lỗi của ai cả"
Núi lửa Agung cách trung tâm du lịch Kuta trên đảo Bali 75 km, nhưng điều đó không khiến sinh viên người Đức Alex Thamm cảm thấy tốt hơn.
"Chúng tôi đã dự định quay trở lại Đức qua Singapore vào thứ Sáu tới nhưng tình hình có vẻ không khả quan lắm", anh nói một cách lo lắng.
"Có nguy hiểm ở đây không? Bạn có nghĩ [núi lửa] sẽ phun trào không?"
Việc các chuyến bay bị trễ cũng khiến Juan Gajun không thể nở nụ cười, sau khi anh lỡ chuyến bay chuyển tiếp hôm 27/11.
"Chúng tôi phải rời khỏi hòn đảo này và chúng tôi không thể. Chúng tôi dự định tới Singapore nhưng rốt cuộc phải ở lại đây, có thể là hai hay ba ngày nữa, tôi không chắc", du khách 30 tuổi người Argentina nói.
Hành khách vạ vật tại sân bay Ngurah Rai, nhiều người lâm vào cảnh hết tiền. Ảnh: Getty. 
Colin Cavy, một thuyền trưởng người Pháp từng ở Indonesia vài tháng, lại có những vấn đề khác. "Tôi vừa đến đảo Bali hai ngày trước để chuẩn bị rời khỏi Indonesia này", ông nói với AFP. "Thị thực của tôi đã hết hạn... Tôi cần đến văn phòng xuất nhập cảnh".
Trong khi đó, Gupta và đại gia đình của anh đang cân nhắc các lựa chọn và anh than thở sẽ không có sự hỗ trợ từ lãnh sự quán Ấn Độ tại Bali.
"Không ai có thể chiến thắng thiên nhiên, nhưng ít nhất con người có thể giúp đỡ nhau", ông Abhisek Garg, một người họ hàng của Gupta sống ở Delhi, chia sẻ.
Họ có lẽ sẽ gọi cho Wayan Yastina Joni, một trong số ít chủ khách sạn nhà nghỉ sẵn lòng làm theo đề nghị của thống đốc và cơ quan du lịch Bali cung cấp chỗ ở miễn phí cho những du khách không may mắn.
"Tôi không ngại cung cấp chỗ ở miễn phí cho những du khách mà tôi đã biết", ông chủ của Pondok Denayu Homestay cho biết. "Đây không phải lỗi của ai cả. Đây là thảm họa tự nhiên mà không ai ngờ tới".
Núi lửa Agung vẫn phun tro bụi trong ngày 28/11. Ảnh: Getty. 
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cũng cho hay ít nhất 40 người Việt kẹt tại Bali sáng 28/11. Trong số này, một nhóm 2 người đã lên xe khách để bắt đầu rời khỏi Bali đến đảo Surabaya lân cận, theo người phụ trách công tác lãnh sự của sứ quán.
Những du khách trên là những người đã chủ động liên hệ với đại sứ quán. Số lượng khách du lịch Việt Nam còn lưu lại trên đảo Bali có thể cao hơn vì đại sứ quán không thể nắm rõ số người Việt sau khi nhập cảnh vào Indonesia có đến Bali hay không.
Lần gần nhất núi lửa Agung phun trào là vào năm 1963, làm thiệt mạng khoảng 1.600 người. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mối đe dọa lần này không lớn bằng lần phun trào cách đây hơn 50 năm.
Indonesia nằm trên "Vành đai Lửa Thái Bình Dương", nơi các đĩa kiến tạo thường xuyên va chạm, gây ra các hoạt động địa chấn và núi lửa. Nước này hiện có 130 núi lửa đang hoạt động, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Theo Đông Phong/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)