Thành phố Tây An là thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây và là một trong những đô thị cổ nhất ở Trung Quốc. Thành phố này có lịch sử hơn 3.100 năm này là cái nôi của nền văn minh lưu vực sông Hoàng Hà gắn liền với những nhân vật làm nên lịch sử Trung Quốc như Tần Thủy Hoàng, Đường Minh Hoàng, Võ Tắc Thiên...
Tây An - xưa là Trường An - một trong 4 kinh đô lớn trong lịch sử Trung Hoa, ghi dấu những thay đổi mang tính bước ngoặt trong lịch sử. Mười ba vương triều Trung Quốc là Tây Chu, Tần, Tây Hán, Tùy, Đường, Minh... đã đóng đô ở đây nên Tây An trải qua ngàn năm là một kinh đô hoa lệ, phố hội tấp nập với những đền đài, lăng tẩm hoành tráng. Tây An còn là điểm kết thúc phía Đông của Con đường tơ lụa huyền thoại. Lịch sử hơn 3.100 năm của Tây An vẫn còn ẩn chứa nhiều bí mật.
Binh Mã Dũng - bí ẩn lăng mộ Tần Thủy Hoàng
|
Hầm mộ Đội quân đất nung. |
Binh Mã Dũng nằm cách thành phố Tây An khoảng 35km về phía Đông Bắc, lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 3/1974 khi những người dân địa phương đào giếng trong cánh đồng lựu và hồng.
Những gì được tìm thấy ở đây là một trong những khám phá khảo cổ lớn nhất của thế kỷ 20. Được chôn dưới các cánh đồng ở độ sâu 5 mét là hàng ngàn chiến binh bằng đất nung được tạc khéo léo từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên của triều đại Tần Thủy Hoàng - vị Hoàng đế đầu tiên của một nước Trung Hoa thống nhất.
Các bức tượng làm bằng đất nung vô cùng sống động, cao từ 1,8 đến 1,95 mét có kiểu tóc, trang phục, vũ khí khác nhau. Tượng tướng chỉ huy cao nhất. Mỗi bức tượng đều có nét mặt riêng, rất sinh động. Những tượng binh lính và ngựa đứng oai nghiêm, xếp hàng rất trật tự thể hiện tiềm lực quân sự hùng mạnh của nhà Tần.
Cho đến nay các nhà khảo cổ đã phát hiện ra ba hầm với 8.000 chiến binh đất nung, 130 toa xe và 520 con ngựa, nhưng những hiện vật này chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ đội quân. Phần còn lại vẫn bị chôn vùi và cần được khám phá.
Khi các hầm mộ được khai quật, hầu hết các bức tượng đất nung đều không còn nguyên vẹn. Công tác phục dựng đòi hỏi rất tỉ mỉ và công phu. Chất liệu phục dựng đều được lấy từ nguyên mẫu đất tại hầm mộ. Hiện các công tác phục chế và khai quật vẫn đang được tiếp tục.
Năm 1975, Trung Quốc đã thành lập một bảo tàng rộng 16.300 m2 ngay bên trên các hầm Binh Mã Dũng phục vụ nghiên cứu và bảo tồn di tích đã được UNESCO liệt vào danh sách các di sản văn hóa của nhân loại. Binh Mã Dũng được coi như một kỳ quan thứ 8 của thế giới. Mỗi ngày khu vực này đón tới hơn 20.000 lượt người tới tham quan.
Cố đô - Thành xưa lối cũ
Bên cạnh khu lăng mộ của Tần Thủy Hoàng với các hầm chứa đội quân đất nung, Tây An còn nổi tiếng là một thành phố có những địa điểm cổ kính và trầm mặc.
|
Tháp Đại Nhạn. |
Tòa nhà cổ nổi tiếng nhất trong thành phố là Tháp Đại Nhạn (Dayan), được xây dựng cách đây 1.300 năm khi Phật giáo cực kỳ hưng thịnh ở Trung Quốc.
Tòa tháp có bảy tầng, cao 64,5 mét, được xây dựng bằng đất nện. Một trong những chức năng của tòa tháp là để lưu trữ Kinh điển và những bức tượng Phật được mang từ Ấn Độ sang bởi ngài Huyền Trang - Đường Tam Tạng (năm 602 - 664) thời nhà Đường.
|
Khu phố cổ Tây An luôn đông đúc khách du lịch. |
Những dãy phố cổ từ thời nhà Tần, nhà Hán vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay. Và hiện là khu vực có đông khách du lịch tới tham quan và mua sắm những đồ quà lưu niệm mang đặc trưng của Tây An.
Tây An - Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển
Bên cạnh những di tích cổ, Cố đô Trường An xưa ngày nay đã trở thành một thành phố phát triển với nhiều tòa nhà chọc trời và cơ sở hạ tầng khang trang.
Tây An đang cùng đồng hành với nhịp phát triển của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình hơn 8%, thu nhập bình quân đầu người khoảng hơn 25000 nhân dân tệ/năm (tương đương 80 triệu đồng Việt Nam).
Chủ trương của thành phố Tây An nói riêng và tỉnh Thiểm Tây nói chung chính là thúc đẩy phát triển nhưng vẫn phải giữ được bản sắc của một cố đô giàu lịch sử nhất Trung Quốc này.