Ngày 18/3 người dân Nga sẽ đi bầu cử, chọn lựa cho đất nước một vị tổng thống mới. Dù có 8 ứng cử viên tranh cử Tổng thống, song các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy gần như không có ứng cử viên nào có thể cạnh tranh với đương kim Tổng thống Vladimir Putin.
Điều mà người dân Nga đang mong đợi, đó là vị tổng thống đắc cử trong cuộc bầu cử vào ngày mai sẽ làm gì để đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức cả ở bên trong và bên ngoài.
|
Ngày 18/3 người dân Nga sẽ đi bầu cử, chọn lựa cho đất nước một vị tổng thống mới. Ảnh: The Times |
Trong thông điệp Liên bang trình bày trước Quốc hội hôm 1/3, Tổng thống Nga Putin đã chỉ rõ, "Nước Nga còn nhiều vấn đề" và cảnh báo nguy cơ nước Nga "tụt hậu". Do đó, để tiếp tục cải thiện cơ cấu kinh tế của đất nước cần phải thúc đẩy được các nguồn tăng trưởng mới. Trước hết là phải tăng năng suất lao động, không dưới 5% mỗi năm.
Nguồn tăng trưởng thứ hai là gia tăng vốn đầu tư. Nga đã đặt ra nhiệm vụ tăng nguồn vốn đầu tư, đầu tiên là tới tỷ trọng 25% GDP, sau đó là lên tới 27% GDP. Nguồn tăng trưởng thứ ba là phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nga đến năm 2025 phải đạt mức 40%.
Song song với những nhiệm vụ về kinh tế, tổng thống Nga trong nhiệm kỳ mới cũng sẽ phải tiếp tục giải quyết nhiều vấn đề về an sinh xã hội. Ông Phedorov Valirievich Tổng giám đốc Trung Tâm nghiên cứu dư luận xã hội Nga phân tích: “Có 3 nhiệm vụ người Nga đặt ra đối với tổng thống mới. Thứ nhất là việc tiếp cận và nâng cao chất lượng của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Lĩnh vực này đang có những cải cách, nhưng kết quả chưa thỏa mãn được tất cả. Nhiệm vụ thứ hai là nâng cao mức sống, nâng cao thu nhập. Chúng tôi đã chịu đựng khủng hoảng kinh tế, nên thu nhập giảm, điều này cần thay đổi. Nhiệm vụ thứ 3 đó là nâng cao chất lượng giáo dục. Thiếu hệ thống giáo dục hiệu quả, có khả năng cạnh tranh ở quy mô toàn cầu, chúng tôi sẽ không thể xây dựng nền kinh tế mới-kinh tế số”.
Ông Valirievich cho biết thêm: Đất nước hiện nay có ít tiền để chi vào hệ thống giáo dục. Bởi vậy nhiệm vụ đối với tổng thống mới trong 6 năm tới là phải tạo được đột phá về chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp từ tiểu học đến phổ thông và đại học.
Về đối ngoại, có lẽ nước Nga đang đứng trước khó khăn hơn bao giờ hết. Các trừng phạt của Mỹ và phương Tây liên quan đến việc sáp nhập Crưm, khủng hoảng Ucraina, bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, không những chưa được dỡ bỏ mà còn gia hạn thêm.
Lại thêm vụ việc gây ồn ào dư luận thế giới trong suốt mấy ngày qua, đó là Anh cáo buộc Nga liên quan cái chết của cựu điệp viên Nga và con gái ông ta, mà không đưa ra bằng chứng nào. Thủ Tướng Anh đã tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga khỏi nước Anh, đẩy quan hệ hai nước lên mức căng thẳng mới. Để đáp trả, Nga cũng đã thông qua các biện pháp, trong đó có việc trục xuất tương ứng 23 nhà ngoại giao Anh.
Theo GS.TS khoa học lịch sử Boris Shmelev-Giám đốc Trung tâm chính sách đối ngoại Nga –Viện Kinh tế-Viện Hàn lâm khoa học Nga, nước Nga đang ở trong tình hình quốc tế rất phức tạp, “chiến tranh lạnh” tiếp diễn, và triển vọng về lối thoát còn chưa nhìn thấy.
|
Theo nhiều cuộc thăm dò trước bầu cử, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ dành chiến thắng tuyệt đối với tỉ lệ hơn 70% phiếu bầu. Ảnh: Reuters. |
“Nhiệm vụ đặt ra với tổng thống mới, trong nhiệm kỳ 6 năm tới, là không được phép chuyển từ chiến tranh lạnh sang “nóng”, phải làm tất cả để điều đó không xảy ra. Nhiệm vụ thứ hai là tìm mọi khả năng có thể để hợp tác với Phương Tây vì đây là các đối tác kinh tế của chúng tôi. Nga phải tìm mọi khả năng, mặc dù bây giờ không lớn lắm, để tiếp tục hợp tác kinh tế với Phương Tây, để trao đổi hàng hóa, thu hút đầu tư, trao đổi nhân lực, điều này rất quan trọng đối với Nga. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng rằng Matxcơva sẽ đàm phán được với Phương Tây, không phải chóng vánh, tuy nhiên là nhiệm vụ chiến lược trong chính sách đối ngoại cần làm”, ông Shmelev nói.
Khó khăn, thách thức rất nhiều, nhưng không phải là không có lối thoát. Theo rất nhiều chuyên gia, lịch sử cho thấy, ở vào những thời điểm khó khăn, nước Nga càng trở nên mạnh mẽ, bằng cách tổng động viên, tập hợp các nguồn lực và phát triển lên một mức mới. Và hiện nay nước Nga cũng đang chuẩn bị cho một kế hoạch như vậy, khi mà trước thời điểm đọc thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga V.Putin đã có cuộc gặp với Hội các nhà sản xuất công nghiệp và các doanh nhân.
Tiếp đó ông tham dự diễn đàn về phát triển nông nghiệp. Tại những diễn đàn này, người đứng đầu nước Nga đã lắng nghe và đưa ra những cam kết tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, đất đai, chính sách thuế…cho các doanh nghiệp. Và cách đây 2 ngày, ông cũng đã phát biểu tại diễn đàn “Nga-đất nước của nhiều khả năng” để hiệu triệu tất cả những nhân tài, thuộc mọi thành phần lứa tuổi, mà theo ông ở nước Nga có rất nhiều, cùng chung sức phát triển nước Nga thành đất nước giàu mạnh.
Sức mạnh nội lực, ý chí tự cường, lòng tự hào dân tộc chính là những "vũ khí" để nước Nga mạnh lên, để các nước phải “lắng nghe Nga” như lời của tổng thống Putin khi đọc thông điệp liên bang. Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu tranh cử của ông trong cuộc bầu cử này là “Vì một nước Nga mạnh”.