Trước khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền chuẩn bị chọn ra vị chủ tịch tiếp theo của đảng, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, ứng viên hàng đầu cho vị trí này, đã bày tỏ sẵn sàng đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
"Tôi hy vọng được gặp Chủ tịch Kim Jong Un mà không cần các điều kiện tiên quyết, để tìm ra cách đưa chúng ta tiến về trước", ông Suga nói với các phóng viên hôm 2/9, đề cập chuyện công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc nhiều thập niên trước và đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết toàn diện.
Theo Nikkei Asian Review, thái độ im lặng từ Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng đang chờ xem ai sẽ kế nhiệm ông Abe trước khi quyết định cách tiếp cận với nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản.
|
Ông Yoshihida Suga, ứng viên hàng đầu cho vị trí thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Những bài học của Triều Tiên
Là phụ tá thân cận và lâu năm của ông Abe, ông Suga được cho sẽ giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu lãnh đạo của đảng LDP. Tuy vậy, Triều Tiên cho tới nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ ủng hộ hay phản đối ông Suga.
Những gì diễn ra trong quá khứ cho thấy Bình Nhưỡng coi trọng một sự ổn định từ các đối tác khi đàm phán. Triều Tiên hy vọng các nhà lãnh đạo nước ngoài có được quyền lực mạnh mẽ và coi đó là động lực thúc đẩy chính sách.
Triều Tiên nói chung không quan tâm đến chức danh chính thức của các đặc phái viên nước ngoài, miễn là họ có liên hệ chặt chẽ với các nhà lãnh đạo cao nhất.
Ví dụ, chuyến đi tới Bình Nhưỡng vào năm 2004 của thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Junichiro Koizumi được sắp đặt bởi cựu phó chủ tịch đảng LDP - ông Taku Yamasaki - mặc dù ông này vào lúc ấy không giữ vị trí chính thức nào trong chính quyền.
|
Vào năm 2002, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi có chuyến thăm lịch sử đến Bình Nhưỡng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Il. Sau chuyến đi này, 5 công dân Nhật Bản bị bắt cóc đã được đưa về nước. Ảnh: Reuters. |
Triều Tiên cũng từng mời Hiroshi Nakai, người thân cận với cựu thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, tới một cuộc gặp bí mật, bất chấp việc ông Nakai được biết đến là người có quan điểm "diều hâu" với Bình Nhưỡng.
Cùng lúc, Triều Tiên cũng dành sự quan tâm nhiều hơn đến thái độ của công chúng Nhật Bản. Năm 2002, một tuyên bố chung giữa hai nước về vấn đề công dân bị bắt cóc phải bị hủy bỏ vì sự phản đối của dư luận Nhật Bản. Người Nhật giận dữ vì phía Triều Tiên không đưa ra thông tin cụ thể về những người bị bắt cóc.
"Đó là lúc tôi nhận ra rằng ở Nhật Bản có thứ gọi là dư luận", một quan chức Triều Tiên nói vào năm 2004. Bình Nhưỡng đã không nghĩ rằng sự giận dữ của công chúng có thể làm thay đổi quyết định của một chính phủ, và họ không muốn lặp lại sai lầm này một lần nữa.
Hai tuần sau khi ông Abe tuyên bố từ chức, truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn chưa đưa tin nào về sự kiện này. Hầu như không có bình luận nào về Nhật Bản, Mỹ hay Hàn Quốc. Báo chí tập trung các vấn đề đối nội, trong đó có việc khắc phục thiệt hại của bão Haishen.
Bình Nhưỡng từ lâu đã không phản ứng với những nỗ lực tiếp cận bí mật của Tokyo thông qua các kênh ngoại giao cửa sau ở Đông Nam Á và Trung Quốc.
Liên lạc giữa các chính phủ, các chính trị gia và cá nhân đã bị cắt đứt vì hạn chế đi lại giữa hai nước, cũng như sự suy giảm ảnh hưởng của Tổng hội Cư dân Triều Tiên ở Nhật Bản - còn được biết đến với tên gọi Chongryon - tổ chức được coi là đại sứ quán trên thực tế của Triều Tiên tại Nhật Bản.
Phụ thuộc vào Washington
Do đó, giờ đây chìa khóa của mối quan hệ giữa Tokyo và Bình Nhưỡng, lại phụ thuộc vào Washington.
Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Triều Tiên năm 2002, nơi Bình Nhưỡng thừa nhận bắt cóc công dân Nhật Bản, cũng như Thỏa thuận Stockholm năm 2014, khi Triều Tiên cam kết mở lại các cuộc điều tra về những người bị bắt cóc, đều diễn ra vào thời điểm mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington trở nên lạnh nhạt.
Khi đó, Triều Tiên tìm cách sử dụng các cuộc đàm phán với Nhật Bản như một cơ hội để phá vỡ thế bế tắc với Mỹ.
Bất chấp mối quan hệ tương đối ổn định với Nhật Bản dưới thời ông Abe, Triều Tiên không nỗ lực theo đuổi các cuộc đàm phán thực chất. Điều này một phần là do ông Kim đã có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, và cũng một phần là do Bình Nhưỡng cho rằng Tokyo chịu sự tác động của Washington trong chính sách ngoại giao, và không thể mong đợi đàm phán độc lập với Nhật Bản.
|
Theo hồi ký của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, ông Trump rất muốn Triều Tiên và Nhật Bản tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh. Ảnh: AP. |
Theo một nguồn tin từ chính phủ Triều Tiên, dư luận Nhật Bản cũng là một yếu tố. Vì phần lớn người Nhật ủng hộ quan điểm cứng rắn của ông Abe với Bình Nhưỡng, việc đàm phán với Tokyo về các vụ bắt cóc có lẽ sẽ rất khó khăn.
Triều Tiên có thể sẽ muốn trở lại bàn đàm phán vì nước này không chỉ đang phải chịu những lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc mà còn là một loạt thảm họa thiên nhiên trong thời gian gần đây.
Theo một nguồn tin thân cận với chính phủ Mỹ, nếu ông Trump ở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tháng 11, rất có thể tổng thống sẽ có thêm một hội nghị thượng đỉnh khác với ông Kim Jong Un vào cuối năm nay.
Chiến lược của Nhật Bản là dựa vào tình hình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, nếu mọi việc tiến triển thì sẽ dẫn tới đối thoại giữa Tokyo và Bình Nhưỡng về các vụ bắt cóc.
Tuy nhiên, nếu cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden đắc cử tổng thống, Triều Tiên sẽ phải xây dựng lại từ đầu mối quan hệ với Washington.
Nhật Bản xác định chính thức tổng cộng 17 công dân nước này bị Triều Tiên bắt cóc trong thập niên 1970 và 1980. Năm người đã được về nước vào năm 2002 sau chuyến thăm Bình Nhưỡng của Thủ tướng Koizumi. Triều Tiên khẳng định những người còn lại đã chết hoặc chưa từng nhập cảnh vào nước này.
Trong cuốn hồi ký xuất bản gần đây của mình, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết ông Trump có chuyển thông điệp của Nhật Bản về các vụ bắt cóc cho phía Triều Tiên, cũng như muốn Bình Nhưỡng và Tokyo tổ chức một hội nghị thượng đỉnh, nhưng các thảo luận về đề xuất này đã không tiến xa. Ông Kim nói rằng Triều Tiên đã tiết lộ tất cả trong những trao đổi trước đây với ông Koizumi.