Sống cùng World Cup tại vùng chiến sự miền Đông Ukraine

Google News

Giữa tình hình chiến sự căng thẳng tại phía Đông Ukraine, giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh mang đến cho các binh sĩ phút giây thư giãn ngắn ngủi và hiếm hoi.
 

Ngày 14/6, khu vực chiến sự Donbass giữa Quân đội Ukraine và phiến quân nổi dậy do Nga hậu thuẫn bỗng yên tĩnh đến kỳ lạ. Đạn pháo và khói lửa đã dừng lại để nhường chỗ cho màn ra mắt của Đội tuyển Nga tại World Cup 2018.
Tình hình xung đột giữa quân đội Ukraine và những phần tử ly khai miền Đông Ukraine bùng nổ từ tháng 4/2014 sau sự kiện Crimea chính thức sáp nhập vào Nga. Tuy bạo lực đã giảm đáng kể, Kiev và các lực lượng đòi độc lập liên tục xảy ra đụng độ và gây thương vong tại khu chiến sự miền Đông, nơi tọa lạc Donetsk và Luhansk, hai tỉnh ly khai thân Nga.
Trước đó, giới quan sát tỏ ra lo ngại về tình hình chiến sự trong thời gian World Cup diễn ra. Những chuyên gia thân Nga cho rằng Ukraine sẽ lợi dụng việc Nga đang bận rộn với giải đấu để phát động đợt tấn công quân sự đến hai nhà nước cộng hòa tự xưng.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn, thể thao đã “cướp” được sự tập trung của binh lính khỏi chính trị và chiến tranh.
Doanh trại Tiểu đoàn 2 dành riêng một TV để chiếu World Cup phục vụ binh lính. Ảnh: New York Times. 
Nếu còn tiếng hò hét thì mọi chuyện vẫn ổn
Dù Ukraine không giành quyền có mặt ở vòng chung kết World Cup 2018, nhiều binh sĩ vẫn háo hức mong được xem các trận đấu.
“Sự chuyển động của trái bóng giúp chúng tôi giải tỏa căng thẳng và quên hết mọi thứ đang diễn ra ngoài kia”, trung úy Nikolai chia sẻ với New York Times.
Đại úy Oleg A., chỉ huy của Tiểu đoàn 2, quyết định dành một màn hình ưu tiên cho trận đấu. “Tôi làm thế vì các binh sĩ. Tôi không hiểu sao 22 chàng trai phải chạy quanh một trái bóng. Tôi thà xem đua xe”, đại úy chia sẻ một cách hài hước.
Khi tiếng còi khai cuộc trận đấu mở màn giữa Nga và Saudi Arabia vang lên, đại úy Oleg vác khẩu súng AK-47 đưa phóng viên và nhiếp ảnh gia đi tham quan tiền tuyến, để xem binh lính của ông có theo dõi trận đấu hay không.
Cánh đồng và khu rừng trước mặt yên ắng đến kỳ lạ. Tiếng động lớn nhất dường như đến từ những con chim.
“Tôi không nghĩ quân nổi dậy sẽ nổ súng trong 2 giờ sắp tới. Đội tuyển Nga đang đá”, Oleg đưa ra lời giải thích đơn giản.
Gần hầm trú ẩn dọc theo đường cao tốc, Oleg A. bắt gặp 4 binh sĩ của mình, trong đó có 2 người đang đổ đầy bao cát. “Chúng tôi yêu bóng đá nhưng không có điều kiện xem. Internet tại đây quá chậm”, Aleksandr I. bày tỏ.
“Chúng tôi chỉ có thể nghe và dự đoán tỷ số của trận đấu. Nếu họ còn hò hét thì mọi chuyện vẫn ổn”, đại úy Oleg cười, hướng mắt về khu vực của binh sĩ Nga cách đó chỉ khoảng 2 km.
Niềm đam mê bị kìm nén trong chiến sự
6 năm trước, Ukraine là đồng chủ nhà đăng cai giải bóng đá châu Âu Euro 2012. 5 trận đấu, bao gồm một trận bán kết, đã được tổ chức tại thành phố công nghiệp Donetsk, cách doanh trại của đại úy Oleg chỉ vài km.
Donetsk khi ấy tràn ngập trong không khí lễ hội. Các nghệ sĩ biểu diễn đi cà kheo bên ngoài sân vận động. Lực lượng an ninh xách mũ bảo hiểm chống bạo động trên tay như xách giỏ hoa. Một sân bay mới được xây đựng nhằm phục vụ cho giải đấu. Sân vận động Donbass Arena gây ấn tượng nhờ thiết kế độc đáo như chiếc chảo nghiêng.
Bên ngoài doanh trại Tiểu đoàn 2 tại miền Đông Ukraine. Ảnh: New York Times. 
Sân vận động Donbass Arena giờ đây vắng tanh. Donetsk không còn nằm trong sự kiểm soát của chính phủ Ukraine. Thành phố đã trở thành khu vực ly khai với tên gọi “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” do quân nổi dậy kiểm soát.
Chính quyền nhà nước ly khai tự xưng đã từ chối cấp phép cho phóng viên New York Times vào tác nghiệp trong kỳ World Cup.
Ở hầu hết quốc gia, chính trị và bóng đá có mối liên hệ chặt chẽ giống quả bóng và đôi chân. Đài truyền hình quốc gia Ukraine từ chối phát sóng World Cup 2018 với lý do giải đấu này được tổ chức tại Nga.
Liên đoàn bóng đá Ukraine đồng thời không cấp phép tác nghiệp cho các phóng viên tới Nga. Một số chính trị gia đã kêu gọi tẩy chay giải đấu.
"Mọi sự tường thuật về World Cup của đài Ukraine sẽ bị coi là hành động hợp tác với kẻ xâm lược", Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Yuri Zapisotsky tuyên bố.
Nhưng người Ukraine không thể dẹp bỏ niềm đam mê của mình. Hai kênh truyền hình Ukraine còn lại vẫn quyết định tường thuật các trận đấu, và khoảng 6.000 cổ động viên Ukraine đã sang Nga để vào sân xem trực tiếp.
Mạo hiểm xem bóng đá trên chiến trường
Oleg trở lại doanh trại Tiểu đoàn 2 trên chiếc xe cứu thương vào giờ nghỉ giải lao giữa hai hiệp. Đại úy Valentin Kocherzhuk, người lái xe, cho rằng chắc chắn phiến quân nổi dậy sẽ nổ súng dù Nga thắng hay thua.
“Sẽ tốt hơn nếu kết quả là 0-0”, ông nói.
Trận đấu được tường thuật trên kênh truyền hình Nga. Đại úy Dima Shvets có lẽ là người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt nhất trong doanh trại. Chàng trai 29 tuổi mơ ước được một lần trực tiếp xem World Cup, nhưng không phải tại Nga. “Tôi mong được đến Brazil hơn”, anh chia sẻ.
Những binh sĩ còn lại quyết định không xem. “Đây là vấn đề về nguyên tắc”, trung úy Alexei J cho biết. Ông kéo chiếc áo xám ảm đạm để lộ những vết sẹo dài.
Đại úy Oleg yêu cầu sự binh sĩ tập trung vào nhiệm vụ trong hiệp 2 trận đấu sau khi nhận được loạt đạn từ phía quân nổi dậy. Ảnh: New York Times. 
Theo dõi trận đấu dường như là hành động quá mạo hiểm khi quân đối phương chỉ cách doanh trại 40 đến 50 m.
“Chúng tôi đang không ở đúng địa điểm và thời gian để xem bóng đá”, trung úy Dmiltry Yarovoy chia sẻ. Ông dành phần lớn thời gian còn lại của hiệp hai dán mắt vào màn hình, nhưng là để theo dõi camera giám sát dọc tiền tuyến.
Phiến quân nổi dậy đã nã đạn về phía Ukraine trong đầu hiệp một.
Tiền vệ Artem Dzyuba ghi bàn thắng đẹp mắt, nâng tỷ số lên 3-0 nghiêng về phía Nga, nhưng Oleg không mấy bận tâm. Ông ăn tô súp lạnh và cởi bỏ đôi ủng. Sau đó, Oleg chăm chú nhìn vào màn hình máy tính và ra lệnh cuộc tấn công đạn pháo SPG 73 mm để đẩy lùi quân nổi dậy. Bụi và khói mù mịt bay lên.
“Đây mới là môn thể thao tối của chúng tôi”, đại úy Shvets nói.
Quân nổi dậy lập tức xả súng trả đũa. Giữa tiếng bom đạn, Đội tuyển Nga liên tiếp ghi thêm hai bàn thắng.
“Bóng đá đã hết. Giờ chúng tôi chơi 'Poker'”, đại úy Shvets nói, ám chỉ hành động hai bên liên tục “nâng mức cược” trong "ván bài Poker". Nhưng ở chiến trường, thay vì ván bài Poker và thay vì cược tiền, họ cược mạng sống.
Theo Ngọc Linh/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)