Ngày 19-7 (giờ địa phương), Anh chính thức dỡ bỏ gần như toàn bộ biện pháp hạn chế đi lại cùng các quy định y tế phòng dịch bắt buộc khác như đeo khẩu trang nơi công cộng hay làm việc tại nhà. Quyết định này của Anh đến trong bối cảnh số ca nhiễm hằng ngày vẫn ở mức cao, khiến giới chuyên gia cảnh báo việc mở cửa lúc này có thể làm bùng một đợt dịch mới nghiêm trọng hơn. Một nước khác cũng đang tính đến chuyện mở cửa là Singapore nhưng lại hành động thận trọng hơn. Singapore chú trọng mục tiêu khôi phục kinh tế nhưng vẫn tập trung kiềm chế dịch xuống mức an toàn nhất có thể.
Sự khác biệt trong cách tiếp cận về vấn đề mở cửa kinh tế giữa hai nước này có thể là sự thử nghiệm quan trọng mà cộng đồng quốc tế sẽ chú ý theo dõi, trong bối cảnh ngày càng nhiều nước kiểm soát dịch thành công nhờ vaccine và đang tiến tới giai đoạn tái thiết hậu dịch COVID-19, theo đài CNN.
Người dân Anh lo lắng trước “canh bạc” mở cửa
Ngày 19-7, Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố kế hoạch mở cửa, đồng thời dự đoán rằng SARS-CoV-2 sẽ “trở thành một loại virus mà chúng ta có thể tìm cách sống chung như bệnh cúm”. Ông cũng khẳng định chiến dịch tiêm ngừa vaccine thành công của Anh, với 66% dân số trưởng thành được tiêm đủ hai liều, đã giảm được đáng kể số ca COVID-19 trở nặng.
Tuy nhiên, trái với thái độ tích cực của ông Johnson, số ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày ở Anh nhiều ngày qua vẫn vượt mốc 20.000 ca. Hôm 19-7, nước này ghi nhận tới gần 40.000 ca nhiễm và 19 người chết. Giới chuyên gia cảnh báo những con số như vậy rất nguy hiểm và cách tiếp cận của ông Johnson đang đặt sức khỏe của hàng triệu người lên bàn cân vì Anh chưa đạt được miễn dịch cộng đồng hoàn toàn. Khoảng 17 triệu người, một số được xếp vào nhóm cực kỳ dễ bị tổn thương, đến nay vẫn chưa được tiêm chủng.
|
Người dân Anh ăn uống trên đường phố thủ đô London ngày 19-7, sau khi lệnh mở cửa lại nền kinh tế có hiệu lực. Ảnh: AP |
Bên cạnh thực tế hàng triệu người chưa được tiêm chủng, số ca nhiễm tăng cũng có thể dẫn đến số ca tử vong tăng. TS Oliver Watson thuộc ĐH Hoàng gia London (Anh) nhận định đây sẽ là một thực trạng “rất khủng khiếp”, đặc biệt khi Anh là một trong số ít quốc gia trên thế giới có nguồn cung vaccine lớn nhưng lại lãng phí công cụ quan trọng chống dịch COVID-19 này với việc mở cửa trở lại sớm.
Nhiều người dân Anh đang dõi theo “canh bạc” mở cửa trở lại với sự lo lắng. Hơn 100 bác sĩ và nhà khoa học tuần trước đã cùng ký vào bức thư chung đăng trên chuyên san khoa học The Lancet cảnh báo rằng động thái này “quá vội vàng”, trẻ em và người trẻ tuổi chưa được tiêm vaccine có nguy cơ bị lây nhiễm cao. Chiến lược này sẽ tạo ra “mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện của các biến thể mới có khả năng kháng vaccine và gây nguy hiểm cho Anh và toàn thế giới”. “Chúng tôi tin rằng chính phủ đang bắt tay vào một thí nghiệm nguy hiểm và phi đạo đức, chúng tôi kêu gọi họ dừng kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại” - nội dung thư viết. Tuy nhiên, trước mắt, lời kêu gọi này chưa thấy có hiệu quả vì chính quyền Anh vẫn triển khai kế hoạch mở cửa.
Singapore: Sẽ mở cửa từ từ, thận trọng
Trong khi đó, hướng đi của Singapore có sự khác biệt. Trong một bài viết trên tờ The Straits Times hồi tháng 6, ba bộ trưởng thuộc lực lượng liên bộ phụ trách ứng phó dịch COVID-19 của Singapore là Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong và Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung vạch ra lộ trình mở cửa kinh tế. Theo đó, Singapore sẽ chuyển từ mô hình “truy quét không còn ca nhiễm” sang mô hình “thích nghi với điều kiện bình thường mới”.
Theo bài viết, Singapore đang nỗ lực thay đổi cách đối phó với đại dịch, chuyển từ việc giám sát số ca nhiễm hằng ngày sang tập trung vào số ca bệnh nặng hay số ca cần chăm sóc đặc biệt. Các bộ trưởng hy vọng COVID-19 trong tương lai sẽ được điều trị như một căn bệnh ít nghiêm trọng hơn, như cúm hoặc thủy đậu.
Theo CNN, khoảng 40% dân số Singapore hiện đã được tiêm mũi vaccine thứ hai và đang trên đà đạt mục tiêu tiêm đủ hai liều vaccine cho 75% dân số vào đầu tháng 8. Đáng chú ý, Singapore cũng mở rộng tổ chức tiêm cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên. GS Dale Fisher thuộc ĐH Quốc gia Singapore nhận định: Khi nhiều người được tiêm chủng hơn ở Singapore thì người dân sẽ ít phải lo lắng về vấn đề số ca nhiễm mới mỗi ngày nữa.