Số phận bí ẩn của “bà trùm” xinh đẹp vùng biên giới Trung Quốc-Triều Tiên

Google News

Là nhân vật được cho là nắm trong tay nhiều hoạt động kinh doanh vùng biên giới Trung Quốc-Triều Tiên, số phận Mã Hiểu Hồng giờ đây là câu hỏi lớn.
 

Nói đến Mã Hiểu Hồng, người dân vùng Đan Đông (Trung Quốc) không ai không biết đến nữ doanh nhân xinh đẹp đại diện cho hoạt động thương mại Trung Quốc-Triều Tiên ở vùng biên giới.
Ở tuổi 44, bà đã xây dựng một đế chế chiếm 1/5 lưu lượng thương mại giữa hai quốc gia. Bà được cấp ưu đãi đặc biệt trong việc xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ lên phương Bắc và được các quan chức mô tả là “người phụ nữ tài năng”.
 Mã Hiểu Hồng trên một tạp chí Trung Quốc.
Hiện tại, số phận của bà Mã đã trở thành phép thử đối với sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc ủng hộ nỗ lực kiềm chế chương trình hạt nhân của Tổng thống Donald Trump với Bình Nhưỡng.
Năm ngoái, công tố viên Mỹ cáo buộc Mã Hiểu Hồng sử dụng công ty của mình để giúp Triều Tiên lách lệnh trừng phạt quốc tế. Sau cuộc họp với các nhà ngoại giao Mỹ ở Bắc Kinh, Trung Quốc công bố mở một cuộc điều tra.
15 tháng sau, số phận của nữ doanh nhân hiện vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Bắc Kinh cho biết, họ không tìm thấy bằng chứng nào chỉ ra những cáo buộc phía Mỹ là sự thật.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cũng từ chối cung cấp tình trạng hiện tại và chốn ở của nữ doanh nhân này. Tuyên bố sau đó nói rằng Mã Hiểu Hồng đang bị điều tra với cáo buộc “tội phạm kinh tế”.
 Cầu Hữu nghị Trung-Triều ở thành phố Đan Đông.
Trong vòng một năm trở lại đây, Trung Quốc đã cho thấy sự sẵn lòng trong việc hỗ trợ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó có ý kiến cho rằng Bắc Kinh có nhiều lý do không muốn dồn Triều Tiên vào con đường cùng. Trong đó các yếu tố như quan hệ gắn bó trong lịch sử và lợi ích địa chiến lược.
“Người Trung Quốc không muốn phải làm điều này,” Ken E. Gause, một chuyên gia về Triều Tiên ở tổ chức nghiên cứu CNA, nói. “Vùng biên giới giúp họ thu về rất nhiều tiền và có rất nhiều sợi dây liên kết giữa các đại lý và những người bảo hộ ở Bắc Kinh”.
Trung Quốc gần đây đã thông qua áp đặt các biện pháp trừng phạt mới trong đó hạn chế nguồn dầu mỏ xuất khẩu sang quốc gia láng giềng. Trước đó, nước này cũng đã cắt giảm nhập khẩu than cùng một số hàng hóa từ Triều Tiên, theo hồ sơ hải quan Trung Quốc.
Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, lưu lượng thương mại dọc theo biên giới hai quốc gia đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể, nhiều công ty rơi vào suy thoái.
Vùng biên giới đã giúp doanh nghiệp của bà Mã phát triển mạnh mẽ, nhưng giờ đây chính nơi này cũng khiến đế chế của bà sụp đổ.
Khởi nghiệp vùng biên giới
 Công ty của Mã Hiểu Hồng bao gồm cả một nhà hàng thuê nhân viên người Triều Tiên.
Năm 24 tuổi, Mã Hiểu Hồng tìm thấy cơ hội kinh doanh đầu tiên khi Triều Tiên bị ảnh hưởng của nạn đói và bắt đầu mở cửa nền kinh tế, trước hết là cho phép xuất khẩu kim loại phế liệu vào năm 1996.
Công ty của bà Mã mua phế liệu và bán lại vào thị trường Trung Quốc. “Sau đó, mỗi ngày chúng tôi thu về được gần 10.000 tấn”, bà nói với tờ Southern Weekly.
Công việc kinh doanh của Mã từ nhỏ lẻ đơn thuần đã phát triển lên quy mô lớn hơn bằng việc mở rộng sang các sản phẩm, hàng hóa khác.
Nữ doanh nhân bắt đầu đầu tư vào các công ty bên trong đất nước Triều Tiên, bao gồm một nhà máy quần áo và một mỏ vàng. Tháng 1/2000, bà thành lập công ty có tên Đan Đông Hồng Tường.
Song song với sự phát triển ngày càng lớn của công ty, bà Mã được cho là cũng gây dựng mối quan hệ chặt chẽ với giới quan chức cả hai nước.
Ở quê nhà, bà được bình chọn là 1 trong 10 phụ nữ tiêu biểu của Đan Đông. Vào năm 2013, bà trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
Nhiều công ty liên quan đến Đan Đông Hồng Tường tiếp tục hoạt động ở Đan Đông. 
Năm 2006, khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, Mã Hiểu Hồng nói đã tình cờ gặp gỡ với Giám đốc điều hành của một tập đoàn nhà nước rất lớn, người đã bày tỏ niềm tự hào sau thành công vụ thử nghiệm.
Bà mô tả người Triều Tiên được giáo dục rất tốt nhưng họ vẫn thiếu thốn nhiều thứ.
Năm 2009, dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt với tập đoàn ngân hàng Kwangson, một trong những ngân hàng nổi bật nhất của Triều Tiên.
Công ty của Mã Hiểu Hồng cũng dính líu trong vụ việc khi bị cáo buộc có những giao dịch bất hợp pháp và hoạt động rửa tiền với ngân hàng trên.
Dẫu vậy, Đan Đông Hồng Tường vẫn mở thêm 28 chi nhánh mới sau lệnh trừng phạt. Đến cuối năm 2016, 43 chi nhánh của công ty Mã Hiểu Hồng đã mở rộng trên 4 châu lục. Một trong số đó bị cáo buộc tham gia mua bán hóa chất giúp Triều Tiên sản xuất bom hạt nhân và tên lửa.
Đến Đan Đông vào thời điểm hiện tại, không còn nhiều những đồn đoán về công ty của bà Mã, sau khi số phận hiện tại của nữ doanh nhân này dường như đã an bài.
Tuy nhiên, các công ty, nhà hàng Triều Tiên, phòng trưng bày tranh của nghệ sĩ Triều Tiên liên quan đến Đan Đông Hồng Tường vẫn tiếp tục hoạt động.
Các đơn vị này được đăng ký dưới tên của bà Mã nhưng hiện tại do người chồng quản lý. Nhiều người dân ở đây cho biết, công việc kinh doanh dường như vẫn rất tốt.
Bản thân Mã Hiểu Hồng dường như cũng biết trước rủi ro trong công việc kinh doanh của mình khi trước đó từng nói: “Nếu có bất kỳ sự thay đổi về tình hình chính trị, sự nghiệp kinh doanh của chúng tôi sẽ tan thành từng mảnh”.
Theo Quốc Vinh/Người đưa tin

>> xem thêm

Bình luận(0)