Danh tính của cao thủ Võ Đang và võ sĩ quyền anh vừa thiết lập “kỷ lục” vẫn chưa được công bố. Có người còn cho rằng đây là một sự dàn dựng để bôi xấu võ thuật Trung Quốc. Nhưng cũng có không ít người đặt nghi vấn về tính thực chiến của các môn phái lừng lẫy từng được “võ lâm minh chủ” Kim Dung đưa vào trong các tác phẩm kiếm hiệp được nhiều người hâm mộ trên toàn cầu biết đến.
Phải chăng, võ thuật truyền thống Trung Quốc chỉ để biểu diễn cho đẹp hay nói cách khác là tập… dưỡng sinh?
|
Cao thủ Võ Đang (áo đen) bị võ sĩ quyền anh vô danh hạ knock-out sau 7 giây. |
Thực tế, nối từ “Thần điêu hiệp lữ” sang “Ỷ thiên đồ long ký”, người sáng lập phái Võ Đang Trương Tam Phong – một nhân vật có thật sống vào khoảng thế kỷ 14 (thời Nguyên-Minh) đã được Kim Dung nhắc đến với tất cả sự kính trọng.
Võ Đang cũng là môn phái được Kim Dung đặc biệt ưu ái với hình tượng Võ Đang thất hiệp trong Ỷ thiên đồ long ký – những đệ tử chân truyền của Trương chân nhân, luôn hành hiệp trượng nghĩa với võ công tinh thâm được giang hồ hắc bạch, 36 động 72 đảo… nể trọng.
Nếu như nhắc đến Thiếu Lâm, Kim Dung dùng từ “cao” (cao thâm khôn lường) thì Võ Đang được được nhắc tới với từ “thuần”: Thuần chính, trước sau đi theo 1 đường thuận theo tự nhiên, thái cực vòng tròn miên miên bất tuyệt, đòn thế cứ như nước chảy mây trôi, lấy tĩnh chế động, lấy nhu khắc cương, mượn lực của chính đối thủ để đả thương đối thủ.
Trong Ỷ thiên đồ long ký, Kim Dung đặc tả cuộc dạy võ chớp nhoáng của Trương Tam Phong cho Trương Vô Kỵ để đối lại các cao thủ do Triệu Mẫn mang tới với ý đồ thâu tóm võ lâm Trung Nguyên.
Thái cực kiếm và Thái cực quyền là tâm huyết một đời của Trương Tam Phong, là kết tinh tinh hoa một đời võ học. Vậy mà sau khi dạy Vô Kỵ rồi, Trương Tam Phong lại mỉm cười hài lòng khi Vô Kỵ lần thứ 1 diễn lại xong nói quên một nửa; lần thứ 2 diễn lại hết nói chỉ còn nhớ… vài chiêu; lần cuối diễn lại tinh thần ung dung nhàn nhã, nói đã… quên sạch!
Và chính cái “quên sạch” đó đã giúp Vô Kỵ chiến thắng đối thủ. Từng chiêu, từng thức phát ra tưởng như không tuân theo quy tắc nào nhưng có 1 quy tắc bất di bất dịch, “nhất dĩ quán chi” là thuận theo từng chiêu, từng thức của đối thủ mà đối lại cho “khớp”. Nó cũng như cách một người nghệ sĩ giỏi thì có thể “phá” đi mọi khuôn khổ gò bó của “quy tắc” để làm theo cách mà chính mình ưng ý nhất!
Trở lại câu chuyện của cao thủ Thái cực quyền Ngụy Lôi và cao thủ Võ Đang vô danh đề cập tới ở trên, có vẻ như họ đúng là có biết Thái cực quyền và Võ Đang phái thật. Nhưng Ngụy Lôi đã lộ diện là nhân viên… tẩm quất; thì tại hạ đồ rằng cao thủ Võ Đang vô danh sẽ là nhân viên… thư viện chẳng hạn! Nói cách khác, họ chỉ biết võ qua… sách vở và… phim ảnh!
Đúng là Trương Tam Phong dạy các đồ đệ, đồ tử, đồ tôn học xong phải… “quên” đi thật! Nhưng Ngụy Lôi và cao thủ Võ Đang vô danh dường như chỉ nghĩ tới chữ “quên” chứ chả học hành gì! Nó cũng như một học trò tồi, lười biếng chỉ giỏi tưởng tượng nhưng đã tự nghĩ mình hay lắm!
Võ sư hay nghề gì cũng vậy, chỉ có thể nói “quên sạch” những gì mình đã quá thuộc, ngày đêm rèn đi luyện lại để kỹ năng ấy biến thành bản năng, phản xạ tức thì vô điều kiện khi gặp “sự cố”.
Chắc do luyện công sai đường hoặc gặp thầy rởm nên Ngụy Lôi và cao thủ Võ Đang vô danh nói trên cũng quay tròn. Nhưng không phải thái cực vòng tròn miên miên bất tuyệt của Trương Tam Phong mà là bị người ta đánh cho lăn tròn dưới đất!