Ông Trump đưa chính phủ Mỹ hoạt động trở lại bằng cách nào?

Google News

Reuters hôm 22/1 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đề xuất thực hiện các quy định mới nhằm chấm dứt tình trạng chính phủ ngừng hoạt động.

"Giải pháp hạt nhân", hay còn gọi là giải pháp hiến pháp, là một thủ tục cho phép thượng viện thay thế nguyên tắc bỏ phiếu thông thường bằng nguyên tắc "tối giản" - tức chỉ cần 51 phiếu để thông qua thay vì 60 phiếu như thường lệ.
Ông chủ Nhà Trắng nói rằng nếu chính phủ ngừng hoạt động, đảng Cộng hòa nên tài trợ cho chính phủ bằng cách thay đổi các quy tắc của thượng viện. Điều này đòi hỏi đa số phiếu để dự luật được thông qua.
"Đảng Dân chủ chỉ muốn người nhập cư bất hợp pháp tràn vào đất nước của chúng ta một cách không thể kiểm soát. Nếu bế tắc tiếp tục, đảng Cộng hòa nên lựa chọn phương thức bỏ phiếu "51%" (Giải pháp hạt nhân) để bỏ phiếu về ngân sách dài hạn" - Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter hôm 21/1.
 Đề nghị của Tổng thống Donald Trump gần như bị lãnh đạo đảng Cộng hòa tại thượng viện Mitch McConnell bác bỏ ngay lập tức. Ảnh: AP
Tuy nhiên, đề nghị nói trên gần như bị lãnh đạo đảng Cộng hòa tại thượng viện Mitch McConnell bác bỏ ngay lập tức. Các đảng viên Cộng hòa tại thượng viện cũng phản đối việc thay đổi quy tắc và quy định hiến pháp để cấp ngân sách cho chính phủ bằng nguyên tắc "tối giản".
Hoạt động tài trợ cho các cơ quan liên bang Mỹ tạm ngưng hôm 20-1 trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và đảng Cộng hòa bất đồng với phe Dân chủ.
Reuters cho biết cuộc khủng hoảng đóng cửa chính phủ sẽ không chấm dứt mau chóng vì chưa có giải pháp cụ thể và rõ ràng cho vấn đề này.
Các đảng viên Dân chủ nói rằng dự luật chi tiêu ngắn hạn phải bao gồm việc bảo vệ những người nhập cư vào Mỹ từ khi còn nhỏ. Trong khi đó, các đảng viên Cộng hòa - với số ghế nhỉnh hơn Dân chủ 2 ghế (51/49) tại thượng viện - cho biết họ sẽ không đàm phán về nhập cư cho tới khi chính phủ mở cửa trở lại.
Theo đài Fox News, thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn hôm 21-1 dự báo chính phủ Mỹ vẫn đóng cửa trong ngày 22-1 (giờ địa phương) trong khi các nhà lập pháp đang thương lượng để chấm dứt bế tắc.
Theo Phạm Nghĩa/Báo Người Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)