Ông Putin đã rút quân khỏi Syria “nghệ thuật” như thế nào?

Google News

Tuyên bố rút phần lớn lực lượng không quân tại Syria của ông Putin đã khiến nhiều chuyên gia đưa ra giả thuyết về nguyên nhân thực sự đằng sau động thái này.

Liệu có phải quân đội Nga đã thực sự đạt được những mục tiêu chiến lược quan trọng như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói? Chắc chắn các đợt không kích của Nga cùng việc nước này cung cấp nhiều loại khí tài quân sự đã giúp chính quyền Assad giành lại được chỗ đứng trong cuộc xung đột ở Syria và giờ đây đang đẩy lùi quân nổi dậy ở thành phố Aleppo.
Ong Putin da rut quan khoi Syria “nghe thuat” nhu the nao?
Quân đội Nga đưa các thiết bị quân sự lên máy bay vận tải trước khi về nước. 
Nhiều người đã đưa ra những giải thích khác nhau về quyết định rút quân của ông Putin. Chi phí cho các hoạt động quân sự của Nga rất cao, trong khi đó tình hình kinh tế thì bất ổn do giá dầu giảm cùng với việc Nga bị phương Tây cấm vận do những cáo buộc liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra đó là làm thế nào Nga có thể thoát khỏi cuộc xung đột ở Syria một cách gọn gàng, điều mà Mỹ đã không thể làm được tại những nước Trung Đông như Iraq? Một vài yếu tố đã cho phép ông Putin có thể can thiệp vào cuộc chiến ở Syria và đơn phương chấm dứt sự liên quan của Nga một cách dễ dàng.
Nhiều chuyên gia phương Tây đã đưa ra những lời giải thích rằng, động thái của ông Putin rất quyết đoán, cố gắng đạt được những mục tiêu thực tế. Trong khi đó, các nước phương Tây đối mặt với vấn đề ở Syria bằng những bước đi nửa vời, lo sợ dư luận phản ứng tiêu cực.
Có thể hiểu được vì sao các chính trị gia Mỹ cảm thấy ghen tị với những gì mà Nga làm được. Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và những quan chức khác còn đang phân vân về việc có nên can thiệp quân sự vào Syria hay không và phải làm thế nào, Nga tiến vào và thoát khỏi cuộc xung đột sau 5 tháng.
Chiến dịch quân sự của Nga là nhằm đạt được những mục tiêu đơn giản, đó là giúp chính quyền Assad ổn định, đồng thời cho phép Nga có vị thế quan trọng trong quá trình đàm phán hòa bình. Rất khó để Mỹ có thể làm được điều tương tự bởi họ luôn tự đặt ra mục tiêu xa vời là cứu vớt một quốc gia ở Trung Đông bằng việc thay đổi chính phủ. Khi Mỹ tránh liên quan đến việc xây dựng một nhà nước mới ở Trung Đông, ví dụ như ở Libya năm 2011, các chính trị gia Mỹ gọi đây là cơ hội ngàn vàng bị bỏ lỡ, đồng thời chỉ trích các nước đồng minh không hỗ trợ mình.
Ong Putin da rut quan khoi Syria “nghe thuat” nhu the nao?-Hinh-2
 Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Một trong những lý do Mỹ muốn xây dựng một nhà nước mới ở những nước Trung Đông là bởi họ muốn xây dựng một thể chế nhân đạo và bảo vệ quyền tự do cá nhân trước những hiểm họa khác nhau. Đây là động lực để Mỹ can thiệp quân sự, nhưng nó cũng khiến nước này khó thoát ra khỏi cuộc xung đột bởi nếu làm vậy, hậu quả để lại luôn rất nghiêm trọng. Trong khi đó, Nga không có ý định phá bỏ chế độ cũ, và theo lời cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, Moscow cũng không cần phải dùng những tài nguyên họ có để đảm bảo an ninh cho người dân ở Syria.
Để làm được những gì mà Nga đã làm, Mỹ phải từ bỏ những lý tưởng tự do mà mình đã theo đuổi. Như vậy, chiến dịch quân sự mà Nga thực hiện tại Syria một lần nữa cho thấy Mỹ không nên can thiệp quân sự như đã từng làm trước đây, bởi quan điểm của họ khiến việc rút lui dễ dàng trở nên khó khăn.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
Clip máy bay ném bom Su-34 rút khỏi Syria:
Theo Infonet

Bình luận(0)