Kiến trúc sư Diébédo Francis Kéré lớn lên ở ngôi làng nhỏ Gando và hiểu rõ những thách thức trong xây dựng tại địa phương. Ông và các kiến trúc sư khác đang tìm ra những cách khéo léo để sử dụng vật liệu rẻ tiền mà vẫn đảm bảo rằng trường học và trại trẻ mồ côi mà họ xây dựng ở Burkina Faso là những nơi mát mẻ, thân thiện môi trường.
Trường tiểu học Gando thi công năm 2001 là công trình đầu tiên của Kéré sau khi ông hoàn thành chương trình học tại Đức. Người dân địa phương đã cùng chung tay xây dựng trường học, kết hợp các kỹ thuật truyền thống như sàn đất sét với công nghệ hiện đại hơn để tạo cảm giác thoải mái.
Trại trẻ mồ côi Noomdo gần thành phố Koudougou là một dự án khác của kiến trúc sư Kéré. Ông Pierre Sanou làm việc tại trại trẻ mồ côi này chia sẻ công trình mát mẻ khi trời nóng và ấm áp trong thời tiết lạnh. Ông Sanou khẳng định không cần dùng điều hòa nhiệt độ. Trong khi nhiệt độ tại đây trong thời điểm nóng nhất có thể lên tới 40 độ C.
Bên cạnh đó, ông Sanou kể lại: “Kiến trúc sư Kéré xây dựng bằng vật liệu từ địa phương như đá ong và sử dụng rất ít bê tông”. Bê tông là vật liệu chuyển từ nơi khác đến bởi vậy nó thường đắt đỏ và sản sinh nhiều rác thải hơn.
Ông Eduardo González tại Trường Kiến trúc ở Madrid (Tây Ban Nha) trong khi đó phân tích các công trình của ông Kéré tại Burkina Faso dựa trên sự chuyển động của không khí tự nhiên và bảo vệ khỏi ánh nắng Mặt Trời. Ví dụ, chúng được xây dựng với những bức tường rất chắc chắn và mái nhà nhẹ để không khí mát mẻ đi vào từ bên dưới sẽ đẩy không khí nóng ra ngoài.
Một sự đổi mới đặc biệt khéo léo là việc kiến trúc sư Kéré sử dụng ý tưởng cổ xưa về mái kim loại được nâng cao và mở rộng. Các phòng của trại trẻ mồ côi Noomdo được bao phủ bởi mái cong hình trụ nông, nằm trên dầm bê tông nhưng có khe hở. Phía trên có tấm kim loại bảo vệ mái khỏi nắng, mưa trực tiếp. Ngoài ra, nó còn tạo điều kiện để không khí nóng thoát ra. Ông González cho biết kỹ thuật này cũng được áp dụng trong kiến trúc bản địa của Vịnh Ba Tư.
Ông Soura cho biết: “Học sinh có thể đến học vào ban đêm và sạc điện thoại vì có ánh sáng nhờ các tấm pin Mặt Trời. Học sinh tập trung hơn vì nhiệt độ dễ chịu trong lớp. Nếu học sinh, ban giám hiệu và giáo viên giảng dạy và học hành tốt, môi trường trong lớp thuận lợi thì kết quả sẽ tốt hơn. Bạn biết rằng thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, nếu lớp học quá nóng, tất cả đều cảm thấy mệt mỏi”.
Tính đến cuối năm 2020, Burkina Faso đứng thứ 184 trong số 191 quốc gia về Chỉ số phát triển con người. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Phi, chỉ có 22,5% dân số Burkina Faso được sử dụng điện.