Nếu có nơi nào trên Trái đất con người ta có thể chụp được cảnh tượng giống như trên một hành tinh khác thì đó chính là miệng núi lửa Ijen ở Banyuwangi. Trung tâm của nó là một mặt hồ xanh lơ được bao phủ lớp hơi mờ ảo do phía dưới là những dòng lưu huỳnh đang cháy, được bao quanh bởi núi đá lởm chởm.
Ban đêm, khu vực này càng thêm huyền bí do khí lưu huỳnh cháy tạo ra những đốm lửa xanh kỳ ảo, cộng với luồng sáng nhấp nháy của hàng trăm khách du lịch khi họ băng qua các con đường trơn trượt để đi sâu vào miệng núi lửa. Nhưng hòa trong dòng du khách thám hiểm đó, những người thợ mỏ cũng bắt đầu công việc của họ từ lúc mới 2h sáng.
|
Những người thợ mỏ ở đây thường gùi khoảng 80kg lưu huỳnh trên địa hình hiểm trở và đầy khí độc. |
Sống chung với khói bụi và khí độc
Yatim là một trong số họ. Người đàn ông 44 tuổi này bắt đầu ngày làm việc mới của mình từ rất sớm bởi những người thợ như ông muốn tránh cái nóng ban ngày và phục vụ các đoàn du khách để kiếm thêm. Trong 7 tiếng làm việc liên tục, nhiệm vụ chính của họ là thu nhặt những tảng lưu huỳnh màu vàng trên bờ hồ. Khí lưu huỳnh ở đây được thu vào hệ thống ống dẫn khổng lồ, sau đó nó chuyển sang dạng lỏng, rồi nguội đi và cứng lại để đội quân thợ mỏ chuyển đi.
Khói lưu huỳnh và gió là kẻ thù của các thợ mỏ bởi có những lúc, luồng khí nóng như luồn vào phổi. “Nó làm tôi đau mắt và mũi, rồi ho ngay lập tức. Tồi tệ hơn, tôi có thể bị nôn hay đau ở ngực. Công việc của chúng tôi thực sự rất vất vả”, ông Yatim nói. Yatim dùng mặt nạ nhựa để giảm tác động của khói nhưng do sử dụng đã lâu, bộ lọc của nó đã bị mòn. Nhiều thợ mỏ kỳ cựu ở đây, người già nhất ở tuổi 65 chỉ thích dùng vải che miệng hoặc không bảo vệ. Những người sử dụng mặt nạ thường là do được du khách tặng lại.
Những khối lưu huỳnh được những người thợ ở đây gùi thoạt trông có vẻ không nặng lắm nhưng thực tế khoảng 80kg đè lên vai mỗi người thợ. Từ lòng hồ, họ phải gánh lên miệng núi địa hình lởm chởm chừng 300m, rồi đi bộ 3km nữa về nơi tập kết. Trung bình có khoảng 200 thợ mỏ làm việc mỗi ngày ở đây, mỗi người gánh 2 lượt thì khối lượng quặng lưu huỳnh mà họ mang về cũng được 14 tấn. Công việc này có từ thế kỷ về trước nhưng đến nay gần như không có gì thay đổi.
Niềm an ủi nơi “địa ngục”
Mặc dù quá trình khai thác mỏ được xem xét theo hướng hiện đại hóa hoặc cơ giới hóa nhưng những người thợ mỏ ở Ijen không hào hứng lắm vì thay đổi đồng nghĩa với việc họ có nguy cơ mất việc hoặc giảm thu nhập. Yatim cho biết, trung bình mỗi tuần ông kiếm được khoảng 58 USD, phụ thuộc vào lượng lưu huỳnh mà ông đưa về một trạm cân ở dưới chân núi. Mức lương này đã được coi là hậu hĩnh với cư dân quanh vùng.
Yatim nói rằng ông cố theo đuổi công việc khó nhọc này để gia đình mình có một tương lai thoải mái hơn. “Tôi hy vọng các con sẽ thành công, tìm được một công việc tốt. Tôi không muốn chúng vất vả như mình”, ông nói. Vợ của Yatim, bà Suhaina luôn lo lắng cho sức khoẻ của chồng. “Tôi đã khóc khi lần đầu tiên nhìn thấy mỏ đó”, bà nhớ lại. Tuy nhiên, thợ mỏ Yatim bảo vợ mình chỉ lo xa vì lần kiểm tra y tế gần đây nhất, kết quả của ông tốt, phổi không có vấn đề gì.
Phòng khám đa khoa cộng đồng Licin có một chương trình kiểm tra phúc lợi cho các thợ mỏ khoảng 2 đến 3 lần mỗi năm. Kholid, người đứng đầu phòng khám cho hay, những người tiếp xúc nhiều với khí lưu huỳnh không chịu tác động rõ rệt đối với hệ hô hấp nhưng răng của họ hầu hết có vấn đề, vì lưu huỳnh có mức axit rất cao nên răng rất dễ bị ăn mòn. Một vài trường hợp gãy chân, tay cũng đã xảy ra.
3h sáng mỗi ngày, Yatim lại dựng xe máy ở cổng công viên, bắt đầu hành trình leo núi dài 3km. Với một số du khách, quãng đường đó đủ để khiến họ thở không ra hơi nhưng Yatim đã quen đi lại hàng nghìn lần. Dù vất vả nhưng những người đàn ông này vẫn coi miệng núi lửa không đơn thuần chỉ là nguồn nuôi sống, nơi kiếm cơm của họ, bởi đôi lúc Yatim vẫn tạm nghỉ để thu vào tầm mắt cảnh quan kỳ diệu xung quanh. “Dù gì với tôi đây vẫn là một nơi tuyệt vời”, Yatim nói.