Chiều 28/9, Cẩm Tú cùng nhóm du học sinh Việt Nam ở Palu (Indonesia) lẽ ra có mặt ở bờ biển lúc hoàng hôn. Họ định đi siêu thị Ramayana trước khi đến một buổi tiệc âm nhạc
Lúc thánh đường vang tiếng nguyện cầu, bãi biển Palu cũng sôi động hơn những chiều thứ sáu khác. Âm nhạc, ánh sáng sẵn sàng cho ngày sinh nhật lần thứ 40 thành phố Palu, thủ phủ tỉnh Central Sulawesi ở đông bắc Indonesia.
Tất cả kế hoạch đã không thành. Trận động đất, sóng thần ở Indonesia đã nhấn chìm tất cả. Ngày trọng đại in hằn trong trí nhớ bằng câu chuyện chết chóc và những cuộc tháo chạy trong hoang mang.
“Nước biển rút, phải chạy lên cao”
Nhóm 10 sinh viên ở lại ký túc xá nằm ở lưng chừng núi. Cách đó hơn một km, tiếng la hét vang lên khi động đất 7,5 độ bắt đầu.
Dòng người bỏ chạy về phía ngọn đồi, nơi có ngôi trường Cẩm Tú theo học. Đây là nơi an toàn nhất mỗi khi thiên tại xảy ra hòn đảo này. Nhưng không phải ai cũng kịp thoát thân.
|
Trận động đất 7,5 độ richter tạo nên sóng thần phá hủy thành phố Palu. |
Lao ra từ ký túc xá có những bức tường nứt toác, nữ sinh gốc Hà Nội thấy người dân địa phương ùn ùn kéo đến. “Nước biển rút, phải chạy lên cao”, tiếng ai đó cảnh báo. Trên sân bóng, người dân không nhắc về lễ kỷ niệm mà kể nhau nghe về dòng sông bất ngờ cạn nước, dấu hiệu của sóng thần.
Những cơn dư chấn vẫn tiếp diễn. Hàng nghìn người chạy lên khu vực cao hơn đề phòng sạt lở đất. “Tôi vừa chạy, vừa nghe phía sau có tiếng đổ vỡ. Nhà điều hành đã sập, 2 sinh viên bị đè chết”, Tú kể.
Cùng lúc này, sóng thần sóng cao 6 mét ập vào bờ biển phá hủy nhiều công trình. Hàng trăm người mắc kẹt trong các siêu thị, khách sạn cao tầng. Cầu Palu IV, biểu tượng của thành phố có gần 400.000 dân, đổ sập, chỉ còn là những thanh sắt nằm trên nhau trong đống đổ nát. Ít nhất gần 2.000 người bị chôn vùi trong những đống đổ nát và những vùng đất bị hoá lỏng. Con số này có thể cao hơn nữa.
Ám ảnh cảnh chết chóc
Khuya hôm đó, người dân tỏa ra tìm kiếm thân nhân mất tích. Tiếng trẻ con gào khóc, tiếng xe cứu thương, tiếng người gọi tên nhau vang lên bốn bề. Nhiều phụ nữ mất con khóc đến khản cổ, không nói nên lời khi được hỏi danh tính người thân. Họ bất lực diễn tả điều muốn nói bằng đôi tay run run, chân không đứng vững.
Chưa bao giờ bầu trời Palu kỳ lạ như đêm đó, Tú nói. Dưới bầu trời không mây và sáng sao, những cánh tay giơ lên, người dân cùng nhau cầu nguyện. Họ không biết điều gì sắp đến. Chỉ vài người lạc quan tin rằng chuyện này là món quà Thánh ban để thử thách Palu ngày sinh nhật.
3h sáng, đám đông nhốn nháo khi động đất tiếp diễn. Điện và sóng điện thoại đều không có, nhóm của Tú may mắn liên hệ được với đại sứ quán khi mượn được điện thoại vệ tinh. “Sẽ có người đến đón”, đầu dây bên kia trả lời, nhưng nhóm của Tú vẫn không khỏi hoang mang khi hầu hết đường xá, xe cộ đã bị phá hủy.
|
Cảnh người dân nhận đồ cứu trợ từ trực thăng. |
Chờ trời sáng, số sinh viên Việt Nam men theo những bức tường nứt toác quay lại ký túc xá tìm hộ chiếu. Họ chia nhau bát cháo nấu từ số gạo ít ỏi được tìm trong đống đổ nát và bắt đầu nghĩ về việc rời khỏi vùng đất thảm họa.
“Không được tách rời, một người kẹt lại thì 9 người còn lại sẽ không lên máy bay”, nam sinh tên Mão cùng nhóm với Tú nói về những gì họ đã bàn. Điện thoại liên tục kết nối với đại sứ quán để cập nhật tình hình cho đến khi cả nhóm xác định không thể ngồi yên chờ đợi.
Họ muốn đến sân bay nhưng ngoài tiền, tài xế yêu cầu khách phải kiếm được nhiên liệu. Chẳng thể lấy xăng từ xe téc có hàng trăm người vây quanh, Cẩm Tú và nhóm bạn kiên nhẫn thuyết phục các chủ xe khác. Rồi dồn họ dồn hết tiền để trả công cho một người chạy angkot - ôtô loại nhỏ có ghế nằm ngang.
Men theo tuyến đường nứt gãy, chiếc xe luôn lách qua những khu phố tan hoang cách xa bờ biển. “Nhà cửa đổ sập. Chúng tôi nhiều lần bắt gặp cảnh máy xúc san gạt đống đổ nát tìm kiếm người xấu số”. Những cái chết bắt gặp dọc đường khiến nhóm du học sinh nóng lòng rời khỏi Palu hơn bao giờ hết. Họ chấp nhận rủi ro khi qua chiếc cầu đứt gãy nham nhở, có thể đổ sập nếu động đất một lần nữa xảy ra.
“Máy bay kìa”, một thành viên hô to, cả nhóm đưa mắt qua cửa kính. Sân bay được bao bọc bởi dây thép gai ở phía trước mặt.
|
Máy bay được điều động đến di tản người ở Palu. Ảnh: Cẩm Tú. |
Chen lấn, đói khát, ngất lịm ở sân bay
Hành trình chạy khỏi Palu không kết thúc ở đó. Không có điện thoại vệ tinh, mọi liên lạc với đại sứ quán bị gián đoạn. Mất đi sự trợ giúp trực tiếp, Tú và nhóm của mình hiểu rằng họ phải gặp bằng được chỉ huy cao nhất ở phi trường.
Sân bay lúc này có khoảng 500 người túc trực phía ngoài hàng rào thép gai. Đêm thứ hai sau khi thảm họa ập đến, nhóm của Tú nằm chờ xếp hàng ngay lối ra vào do quân đội kiểm soát. Môi khô nẻ, bụng đói cồn cào, nhóm du học sinh bất chấp nguy hiểm quay lại khu vực checkin bị hư hại tìm những gói bánh sót lại trong quầy tiện dụng. Nước uống được dồn từ các chai thừa vứt lăn lóc ngoài sảnh.
Sáng 30/9, hàng nghìn người dân kéo đến sân bay. Quân đội phải đẩy đuổi nhiều nhóm tràn qua rào an ninh vào khu vực cấm. Số lượng máy bay có hạn, nhà chức trách chỉ cho người bị thương, trẻ em, phụ nữ vào khu vực sân đỗ.
Vào được đường băng, Cẩm Tú và 2 nữ sinh khác tìm gặp sĩ quan chỉ huy nhưng sớm quay ra vẻ mặt thất vọng. Số máy bay ít ỏi được điều đến để di tản người dân địa phương, không dành cho người nước ngoài. Trong khi bên ngoài, đám đông mất bình tĩnh đang nhốn nháo.
“Nhìn kìa, chui qua thôi”, Mão nói to bằng tiếng Việt khi thấy một người đàn ông tháo được ốc vít hàng rào. Sáu nam sinh kịp lách qua trước khi binh lính bịt lại. Người thứ bảy sau nhiều giờ mò mẫm cũng trèo được vào bên trong. Cả phấn khởi lắm nhưng chẳng cười.
|
Đám đông tập trung trước cửa vào sân bay. Ảnh: Cẩm Tú. |
Cả ngày chịu đói khát, Tú chạy vội đến chiếc máy bay hạ cánh cuối giờ chiều. “Tiếp viên từ chối vận chuyển vì chúng tôi không có vé. Mà vé thì mua ở đâu khi quầy check in ngừng hoạt động”, cô gái lo sợ mình không đủ sức để chờ đợi.
Họ mệt, nằm ngủ ngay trên đường băng. Thứ nước mưa mang vị mặn của biển chẳng thể giúp những người sắp kiệt sức đã khát. Dư chấn lại kéo đến nhưng nhiều người mệt mỏi vẫn nằm im. Xa xa, đám đông trong sảnh tháo chạy, phía sau là những tấm kính, thạch cao rơi loảng xoảng.
Sáng hôm sau, máy bay quân sự của Thái Lan, được cử đến đón người nước ngoài, dự định cất cánh lúc 10h ngày 30/9. Nhưng 5 tiếng sau, trật tự mới được vẫn hồi vì người dân bản xứ không muốn chờ đợi.
“Tất cả người nước ngoài được đưa riêng đến khu vực đủ xa để người dân không thể trà trộn. Một số nữ sinh Thái Lan ngất lả, chúng tôi phải khiêng vào bóng mát dưới cánh máy bay để sơ cứu”, Tú kể. Tình hình có thể mất kiểm soát nếu đám đông nhận ra phi cơ chỉ dành riêng cho người từ nơi khác đến. Một số sinh viên Thái Lan, có ngoại hình khá giống người Indonesia, đã che chắn để nhóm của Tú lên được máy bay.
Khoang phía sau máy bay quân sự người nêm như cối. Tú ngồi bó gối, không thể nhúc nhích giữa cả trăm người gồm cả dân địa phương trà trộn. Cảm giác rung lắc lúc máy bay lăn bánh giống động đất khiến nhiều người òa khóc. Trong khoang, tiếng cầu nguyện lại vang lên.
Động cơ máy bay gầm rú còn đám đông bên ngoài cửa sổ vẫn hỗn loạn.