Các nạn nhân, từ cộng đồng người Yazidi thiểu số, đã phải chịu đựng các vụ bạo hành tồi tệ nhất do những kẻ bắt giữ họ thực hiện. Thượng nghị sĩ Anh Emma Nicholso là người đã so sánh số phận của họ với các nạn nhân thảm họa diệt chủng Do Thái.
Gần đây bà mới sang một trại tị nạn ở Iraq để chứng kiến cảnh khốn cùng của người Yazidi. "Các câu chuyện được họ kể lại đã phản ánh những điều khủng khiếp nhất từng xảy ra trong các trại tập trung Belsen và Auschwitz. Đây là việc tái diễn các câu chuyện tôi đã nghe khi lớn lên vào thời hậu Thế chiến II."
Một nạn nhân có tên Khalida, người là mẹ của ba đứa con, đã trốn thoát khỏi phiến quân IS và kể lại thảm cảnh của mình. Chị nói rằng IS đã dồn phụ nữ và trẻ em vào một chỗ rồi tách tất cả ra thành hai nhóm. Bà nói rằng trong tiến trình lựa chọn giống như cách lực lượng SS thực hiện tại trại tập trung Auschwitz, người tật nguyền và phụ nữ cao tuổi bị tách ra, chờ được trả về trong một cuộc trao đổi tù nhân nào đó. Những phụ nữ khác thường bị hiếp dâm.
Bà nói rằng phụ nữ Yazidi phải chịu đựng cuộc sống khủng khiếp. "Những gã đàn ông già đó, thường đang trong tình trạng phê cocaine và sau khi đã xem phim khiêu dâm bạo lực, thường hiếp dâm cả bé gái 11 tuổi hoặc trẻ hơn. Rồi chúng chìa ra một tờ giấy có chữ ký của lãnh tụ Abu Bakr al-Baghdadi, nói rằng hành động đó thuộc về học thuyết của chúng. Rằng đó là Hồi giáo. Nhưng chính chúng mới là những kẻ ngoại đạo (không phải Hồi giáo)" - bà lên án.
Nhiều bài viết đăng trên báo chí cũng nói rằng phụ nữ thường bị bán với giá thấp tới 16 bảng mỗi người, hoặc bị hiếp dâm liên tục nếu họ từ chối quan hệ. Luật sư Khaleel al-Dakhi, người lãnh đạo một nhóm đã giải cứu 1.050 người phụ nữ Yazidi trốn thoát khỏi IS, cho biết một bé gái 11 tuổi từng bị "chủ sở hữu" buộc vào nắp capô chiếc xe Humvee của gã.
Rồi chiếc xe, với nạn nhân ngồi ở trên đó không ngừng gào thét, đã tiến thẳng ra chiến trường. Nạn nhân trở thành một dạng bia thịt, đỡ đạn cho kẻ ngồi trong xe. Khaleel nói rằng bé gái này vẫn chưa thoát khỏi "chủ sở hữu" kể trên.
"Gã hiếp dâm bé gái ấy. Cô bé đã kể với tôi qua điện thoại" - Khaleel nói. Khoảng 3.750 người phụ nữ Yazidi hiện đang bị IS giam giữ. IS coi tộc người Yazidi là quỷ dữ vì tín ngưỡng của họ khác biệt với Hồi giáo. IS tin rằng những người phụ nữ chúng bắt được là chiến lợi phẩm.
Nạn nhân Khalida, 25 tuổi, kể rằng cô từng có cuộc sống hạnh phúc bên chồng con ở một thị trấn gần Sinjar, Bắc Iraq, trước khi cơn ác mộng xuất hiện vào tháng 8 năm ngoái cùng IS."Chúng tôi đã cố gắng chạy trốn bằng xe hơi, nhưng Daesh (từ dân địa phương dùng để gọi IS) đã lập các điểm kiểm soát. Chúng hỏi chúng tôi là người Hồi giáo hay Yazidi. Do những kẻ chặn đường có vũ trang nên chồng tôi, Falah, trả lời "Hồi giáo". Chúng lập tức lôi anh ấy đi. Khi rời khỏi xe, Falah nói rằng, "Đừng sợ, sẽ chẳng có gì xảy ra đâu". Tôi chẳng bao giờ thấy lại anh ấy nữa."
|
Khalida đã thoát khỏi IS sau khi gia đình trả khoản tiền chuộc lên tới gần 20.000 USD. |
Giống nhiều người đàn ông Yazidi bị bắt giữ khác, nhiều khả năng Falah đã bị giết. Khalida và các con của cô bị đưa vào một nhóm hàng trăm phụ nữ Yazidi khác. Họ được chuyển tới thành phố Mosul và được phân loại ở đây. Khalida bị đẩy lên một chiếc xe với 132 người phụ nữ khác và được đưa tới thủ phủ Raqqa của IS ở Syria. "Tôi làm tất cả những gì chúng nói vì sự an nguy của con cái mình. Vì thế khi chúng nói tôi phải cải sang Hồi giáo, tôi đã chấp nhận số phận" - cô cho biết.
Sau khi xe tới Raqqa, một nhóm nhỏ hơn được đưa đến Aleppo ở Bắc Syria và chuyển tới một "tiểu vương" Saudi. "Ông ta là kẻ buôn người, chuyên mua, bán phụ nữ. Tôi bị bán cho một gã đàn ông Syria tới từ Homs. Tôi không biết hắn đã trả bao nhiêu tiền để mua mình" - cô kể.
Trong vòng 2 tháng 4 ngày sống bên gã đàn ông này, Khalida đã trở thành nô lệ tình dục của hắn. "Có những thứ bạn không bao giờ có thể quên. Tôi nghe nói Daesh còn tước đoạt cả những đứa trẻ đang bú mẹ từ phụ nữ Yazidi để bán với giá 100 USD cho các gia đình Daesh khác muốn có thêm con" - cô kể - "Trên truyền hình, họ chiếu cảnh đàn ông Daesh ném những đứa trẻ xuống một cái giếng. Chúng đã làm gì để chịu hình phạt như thế? Tôi đã sống bên cạnh nhiều người Hồi giáo và Daesh hoàn toàn không phải người Hồi giáo."
Khi gã đàn ông Syria trên chán Khalida, cô lại bị bán với giá 3.500 USD, cho một gã đàn ông Iraq là chỉ huy cao cấp của IS. Cô nói rằng gã này là kỹ sư, chuyên chế bom vệ đường và bom xe cho IS. Gã giam cô trong một ngôi nhà ở Aleppo.
Theo lời cô, có nhiều chiến binh IS gốc Anh, Pháp và Mỹ đã tới thăm gã này. Cô cũng kể rằng những người phụ nữ nước ngoài tình nguyện tới tìm chồng ở IS sẽ được quyền chọn người mà họ muốn sống cùng. Cô kinh ngạc trước những người phụ nữ này, không hiểu vì sao họ lại muốn gia nhập IS.
"Nếu họ nghĩ những gã đàn ông mình sắp cưới là người Hồi giáo tốt bụng thì họ nhầm to rồi" - cô nói. Tới khi cả gã người Iraq cũng chán Khalida, gia đình được thông báo rằng gã sẽ trả tự do cho cô nếu nhận được một khoản tiền chuộc. Tháng trước, Khalida đã thoát khỏi IS, sau khi gia đình gom góp số tiền gần 20.000 USD để mua lại cô.
Một người khác đã thoát khỏi IS là Noor, 22 tuổi, cũng kể lại câu chuyện của cô từ trại tị nạn Khanke gần Duhok, Iraq. Cô nói rằng mình bị một thủ lĩnh IS giam giữ. "Gã thường ra ngoài chiến đấu, rồi về nhà hiếp dâm tôi" - cô kể. Một ngày nọ, Noor bị phát hiện đang tìm cách chạy trốn. Gã thủ lĩnh IS liền mang theo 6 đàn em vào phòng. Gã bật một đoạn video có cảnh sex lên, rồi cho phép đàn em thay phiên nhau hiếp dâm Noor.
Một nô lệ khác là Lina, đã thoát khỏi thảm cảnh khi cha cô bỏ ra số tiền 6.000 USD để chuộc con. Lina từng là nô lệ cho một thủ lĩnh người Kazakhstan của IS. "Daesh chỉ là những kẻ ngoại đạo, những kẻ khủng bố" - cô nói. Cô còn đề nghị phóng viên tờ Sun chụp ảnh mình, để cho IS thấy rằng chúng chưa thể tàn phá nổi cô.
Thượng nghị sĩ Emma Nicholson giờ muốn có lại sự công bằng cho tất cả những người phụ nữ can đảm kể trên và đưa những kẻ phạm tội ra trước pháp luật. “Đây là hành động tàn bạo quy mô lớn và sẽ rất khó để xét xử chúng (IS) ở địa phương. Điều tôi đang mong muốn từ Liên hợp quốc và các tổ chức lớn khác trong hệ thống tư pháp toàn cầu là một sự thừa nhận, rằng đây là hành động diệt chủng" - bà nói.