Sáng 29/10, chiếc máy bay Boeing 373 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air chở theo 2 phi công, 6 thành viên phi hành đoàn và 181 hành khách, đã lao xuống vùng biển Tây Java.
Willy – một thợ ảnh làm việc cho Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia (Basarnas) – cho biết nhiệm vụ của anh là chụp ảnh những phần thi thể được vớt lên bờ, nhiều trong số đó không còn đầy đủ các bộ phận.
“Tôi chỉ nhìn thấy thân, không đầu, không tay và chân. Tôi cảm thấy rất đau xót cho những hành khách trên chuyến bay đó… tất nhiên công việc chụp ảnh khiến tôi đau lòng. Mỗi ngày tôi chụp hơn 1.000 tấm. Bên cạnh các mảnh vỡ máy bay, tôi cũng phải chụp đồ đạc tư trang như ví, ba lô, thẻ căn cước, tiền, giày… Tôi sẽ ở đây cho đến khi họ tìm thấy hộp đen”, người thợ ảnh mới đảm nhiệm vị trí tại Basarnas 1 năm chia sẻ.
|
Các nhân viên của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia tìm những vật dụng phục vụ phân tích vụ tai nạn. Ảnh: Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Indonesia) |
Wawan, một trong những thợ lặn chủ chốt được huy động đi tìm kiếm thi thể trong vụ máy bay Indonesia rơi, là người đầu tiên lao xuống biển sâu lúc 8h sáng. Nhưng sau đó nỗ lực của anh đã bị tầm nhìn hạn chế gây cản trở. “Khó có thể nhìn thấy gì khi ở độ sâu 10-25 m. Chúng tôi tìm thấy giày và xăng đan, nhưng chúng tôi không thể lặn sâu hơn 25 m được vì ở dưới đó tất cả đều là bùn đất”.
Khi được hỏi cảm xúc lúc tìm ra thi thể nạn nhân, Wawan trả lời ngắn gọn nhưng bên trong đau đến thắt lòng: “Đó là công việc của tôi. Cơ thể của tôi cũng có những bộ phận đó”.
|
Cảnh sát và lực lượng cứu hộ kiểm tra những vật dụng của các nạn nhân vụ rơi máy bay Lion Air JT 610 ở ngoài khơi Tây Java, tại cảng Tanjung Priok ngày 30/10/2018. Ảnh: THX/ TTXVN. |
|
Những đồ vật của hành khách trên chuyến bay xấu số Lion Air flight JT 610. Ảnh: AFP/TTXVN |
Rahmat Awing – đồng nghiệp của Wawan – cho biết anh phải lặn sâu xuống 22 m nhưng bị vướng lưới đánh bắt cá. “Chúng tôi đã lặn 4 địa điểm… nhiệm vụ cuối cùng của chúng tôi là tìm thấy hết nạn nhân, thân máy bay và hộp đen”.
Việc tìm thấy phần thân chính máy bay rất quan trọng để xác định nguyên nhân sự cố cũng như khả năng tìm thấy 2 hộp đen của máy bay gặp nạn.
Ông Didi Hamzar, đại diện Basarnas ngày 30/10 cho biết thời gian thực hiện các hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay bị nạn dự kiến sẽ diễn ra trong 7 ngày; song nếu cần thiết, chiến dịch sẽ kéo dài thêm 3 ngày nữa.
Tổng tư lệnh quân đội Indonesia Hadi Tjahjanto ngày 31/10 xác nhận lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã tìm thấy phần thân dài 22m của chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 bị rơi tại vùng biển Karawang.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Vận tải Quốc gia Indonesia Haryo Satmiko cho biết chiều 30/10 đội tìm kiếm cứu hộ đã nghe thấy một âm thanh phát ra từ vị trí sâu 35 mét và các thợ lặn đang tiến hành kiểm tra vị trí này từ 5h sáng 31/10.
|
Những mảnh vỡ của máy bay gặp nạn được đưa về cảng Tanjung Priok. Ảnh: KYODO/TTXVN |
Tổng cộng 812 người đã được điều động tham gia công tác tìm kiếm, gồm 60 thợ lặn, các nhân viên chính phủ, tình nguyện viên và các thành viên Hội chữ thập đỏ. Hoạt động tìm kiếm đã được mở rộng hơn 46km quanh điểm được cho là nơi máy bay rơi.
Máy bay Boeing 737 MAX 8 chở 189 người thực hiện chuyến bay nội địa số hiệu JT 610 từ thủ đô Jakarta đếng Pangkal Pinang đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu vào lúc 6h33 sáng 29/10 - 13 phút sau khi cất cánh. Các dữ liệu cho thấy máy bay đã lao xuống biển từ độ cao hơn 1.000m, với vận tốc hơn 560km/h. Không có hy vọng có người sống sót sau vụ tai nạn này.