Đầu năm 2019, Vương Lượng ở tỉnh Quý Châu nhận được tin nhắn của Trần Bằng, người bạn từ nước ngoài với nội dung muốn "hợp tác kinh doanh" công nghệ cao cho thu nhập ổn mà không tốn phí đầu tư thông qua sao chép thẻ ngân hàng của người khác từ cây ATM. Thời điểm này Vương Lượng đang thất nghiệp nên tắp lự đồng ý hợp tác.
Tháng 4/2019, Trần Bằng sắp xếp cho Vương Lượng đến làng Miêu Tây Giang, huyện Lôi Sơn, làng cổ 1.700 tuổi của dân tộc Miêu ở Trung Quốc. Vào dịp lễ tết, khu du lịch này luôn ken đặc người. Vương Lượng sau đó "ngắm trúng" một con phố nhiều xe cộ qua lại.
Cuối tháng 4/2019, Trần Bằng từ nước ngoài trở về, mang theo đồ đạc để làm máy rút tiền ATM. Sau khi cây ATM giả được dựng lên, Trần Bằng âm thầm quan sát trong vài ngày nhưng không thấy ai phát hiện điều bất thường, cũng như không có cơ quan nào đến kiểm tra nên hẹn gặp Vương Lượng.
Khi gặp nhau, Trần Bằng đưa cho Vương Lượng một điện thoại di động và một máy tính xách tay rồi hướng dẫn Lượng sử dụng phần mềm điều hành từ xa.
|
ATM giả do hai đối tượng dựng lên. Ảnh: Jiancharibao |
Ngày 19/6/2019, anh Trương, một du khách đến từ Vũ Hán và bạn bè tới khu du lịch này tham quan. Do hệ thống bán vé trực tuyến bị lỗi nên nhóm của anh đến "cây ATM giả" để rút tiền. Thế nhưng, sau khi cắm thẻ và nhập mật khẩu, ATM giả lập tức báo lỗi. Thấy vậy, anh Trương rút thẻ rồi rời đi.
Tới ngày 17/7/2019, anh Trương nhận được tin nhắn thông báo tài khoản vừa bị rút số tiền hơn 210.000 nhân dân tệ, thế nhưng cho rằng là tin nhắn lừa đảo nên anh không quan tâm. Chỉ đến ngày hôm sau, khi quẹt thẻ thanh toán, nhận được thông báo số dư trong tài khoản không đủ, anh Trương mới ra ngân hàng kiểm tra và tá hỏa khi biết chiếc thẻ của anh đã thực hiện 4 giao dịch ở nước ngoài.
Anh Trương bối rối vì bản thân không dùng thẻ để mua hàng trực tuyến, cũng không nhấp vào các link liên kết không xác định hay tiết lộ mật khẩu cho bất kỳ ai. Ngoài anh Trương còn có hơn 10 du khách tới làng Miêu Tây Giang cũng bị mất số tiền hơn 280.000 nhân dân tệ. Tất cả đều từng rút tiền từ cây ATM giả do Trần Bằng và Vương Lượng dựng lên.
Sau khi nhận được trình báo, Văn phòng Công an huyện Lệ Sơn nhanh chóng nhập cuộc điều tra. Theo báo cáo, cây ATM giả có hình thức và giao diện rất giống thực, tuy nhiên, nó lại được trang bị một camera ẩn. Sau khi liên hệ với ngân hàng, họ cho biết không đặt điểm giao dịch tại đây. Lúc này, cơ quan công an nhận định đây là máy ATM giả.
Sau khi nạn nhân nhập mật khẩu thẻ trên ATM, Vương Lượng tiến hành thu thập và sao chép thông tin thẻ ngân hàng qua phần mềm vận hành từ xa rồi gửi cho Trần Bằng. Đối tượng tiếp tục thực hiện nhiều thao tác sau đó tới các quốc gia khác nhau để rút tiền trong tài khoản.
Cơ quan chức năng nhận định đây là vụ phạm tội xuyên khu vực và xuyên biên giới, với một hình thức tội phạm mới, được thực hiện bằng công nghệ cao cũng như cách tiếp cận chuyên nghiệp.
Trần Bằng sau đó bị kết tội gian lận thẻ tín dụng và bị kết án 6 năm tù giam cùng 100.000 nhân dân tệ tiền phạt. Trong khi đó Vương Lượng với tội gian lận thẻ tín dụng, bị kết án hai năm 10 tháng tù cùng 50.000 nhân dân tệ tiền phạt. Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Trần Bằng làm đơn kháng cáo với lý do hành vi của mình không cấu thành tội phạm.
Tới 2/4/2021, vụ án được tái thẩm sau khi Tòa án xét thấy một số tình tiết không rõ ràng và thiếu bằng chứng. Ngày 9/11/2021, xét thấy Trần Bằng thành thực nhận tội, tòa án tuyên phạt bị cáo 5 năm 10 tháng tù tội gian lận thẻ tín dụng cùng 100.000 nhân dân tệ tiền phạt. Đối với Vương Lượng, xét thấy trong phiên tòa trước đó, bị cáo còn che giấu nhiều tình tiết nên tăng án tù lên 3 năm và nộp phạt 50.000 nhân dân tệ.
Táo tợn che camera, đập máy ATM để trộm tiền. Video: THDT