Tại tại Chùa Syoysanji – một ngôi chùa hẻo lánh được núi non trùng điệp ôm lấy vào lòng ở đảo Kyushu (miền tây Nhật Bản), Akinoby Tatsumi có một cuộc sống hai mặt mà không ai ở chùa biết: ban ngày anh làm một nhà sư tu hành, ban đêm anh là một DJ bán chuyên nghiệp.
Từ khi còn là một thiếu niên, Tatsumi đã đam mê với âm nhạc hip-hop. Với Tatsumi, cảm hứng âm nhạc đến từ xung quanh khi mỗi âm thanh, giai điệu đều chứa một sức hút bí ẩn đến lạ kỳ. Theo lời Tatsumi kể, niềm đam mê âm nhạc đến với anh từ khi còn trong bụng mẹ.
|
DJ bán chuyên nghiệp Akinoby Tatsumi vào ban đêm |
“Khi tôi còn trong bụng mẹ, mẹ tôi thường bật những bản nhạc giao hưởng hoặc nhạc disco của những năm 70”, Tatsumi chia sẻ. “Sau này khi vô tình tìm thấy những bản nhạc ấy, tôi thường có cảm giác lạ kỳ rằng mình đã nghe chúng ở đâu đó rồi”.
Được biết, để tránh làm mất lòng những thầy tu khác, anh thường bí mật ghi âm vào buổi đêm bằng tai nghe. Ngoài ra, để tránh các vấn đề xảy ra ngoài ý muốn, các giai điệu của Tatsumi thường là sự kết hợp giữa nhạc điện tử, dubstep và các bài giảng Kinh Phật!
Theo CNA, không chỉ phải giấu sở thích ở chùa, anh Tatsumi còn phải giấu thân phận thật tại các CLB mà bản thân hoạt động.
“Tôi không tiết lộ gì về sở thích âm nhạc của mình với các thầy tu và cũng giấu luôn thân phận nhà sư tại các quán bar và CLB”, Tatsumi phân trần.
Tuy nhiên, sau một thời giấu giếm sở thích đặc biệt của mình, nhà sư 38 tuổi này đã bắt đầu công khai những bản nhạc do chính mình làm với những Phật tử đến chùa.
“Khi tôi bắt đầu cho các Phật tử nghe nhạc của mình cũng như chỉ cho họ cách làm nhạc, họ đều rất ngơ ngác”, anh Tatsumi kể lại. “Mọi người xung quanh đây đều gọi tôi là ‘thầy tu DJ’”.
Theo CNA, ngoài sở thích DJ, nhà sư Tatsumi còn rất thích beat-boxing.
“Tôi thường luyện tập tại rìa một vách đá. Nơi ấy cho tiếng vang rất tốt”, Tatsumi nói.
Hiện tại, “thầy tu DJ” này đang phải chiến đấu với chứng đa xơ cứng, khiến cho anh phải cần tới một chiếc gậy chống để di chuyển xung quanh. Thế nhưng, việc này không ngăn cản được đam mê của Tatsumi mà ngược lại, khiến anh cảm thấy gần gũi hơn với các Phật Tử thường xuyên ghé thăm chùa.
“Khi còn nằm ở giường bệnh, tôi còn tận dụng tiếng bíp của máy theo dõi nhịp tim để làm nhạc”, nhà sư đặc biệt cho biết. “Nhờ việc này, tôi cảm thấy có một sự kết nối giữa bản thân với những người già những người bị bệnh, chấn thương khác tới thăm chùa”.