Hơn ba tuần, số đất khuân đi chở vào một gara bỏ hoang đã được ba tấn. Vì tình yêu vô bờ với con, người phụ nữ chân yếu tay mềm đã lên kế hoạch rời bỏ quê nhà xa xôi, đến thuê trọ gần nhà tù và âm thầm bắt tay giải thoát con mình.
Đó là hành động phi pháp. Người mẹ đã phải đối mặt với vòng lao lý. Nhưng nghe câu chuyện, ai cũng có thể thấy nhoi nhói trong tim. Xem xong mẩu tin, một cậu bé nói: “Mẹ ơi, con không biết người mẹ này tốt hay xấu”. Rồi cậu đỏ mắt. Trước giờ cậu toàn nghe mẹ kể chuyện cổ tích với hai tuyến nhân vật tốt - xấu, đúng - sai rạch ròi.
|
Cận cảnh đường hầm người mẹ Ukraina 51 tuổi hì hục đào 1 mình suốt 3 tuần trước khi bị bắt |
Ý tưởng đào hầm để thoát ngục không phải chưa từng có trong lịch sử. Nhưng kết cục, người mẹ “gan tày trời” thường không cứu được con, mà còn rước họa vào thân.
Hẳn nhiều người còn nhớ bi kịch từ sự nuông chiều bất chấp của người mẹ trong vở Nhân danh công lý (tác giả Doãn Hoàng Giang - Võ Khắc Nghiêm).
Cậu ấm Hoàng Tú cậy vào thế lực của cha mẹ, ngông nghênh làm điều càn quấy, hành động leo thang đến cưỡng bức một cô gái, giết người yêu của cô, mà vẫn tin mẹ mình với “phép thần thông” có thể gỡ bay. Giọng cậu ấm từ trong tù vọng ra thảm thiết: “Có cách nào cứu con không mẹ? Chừng nào mang con về? Mẹ phải làm được. Bao giờ mẹ cũng nghĩ được cách mà”.
Thay vì giáo dục con từ nhỏ rằng con sẽ phải chịu trách nhiệm mọi việc mình làm, người mẹ lại gieo vào đầu con rằng con cứ làm điều mình thích, hậu quả đã có mẹ đi phía sau “hốt dọn”.
Không đổ vấy việc con tù tội là do giáo dục của mẹ, có những cây lành sinh trái đắng, hoặc do một phút nông nổi, thiếu kiểm soát mà con lầm đường lạc lối, nhưng mẹ luôn là ánh lửa chiếu soi. Và, nếu con đã làm sai, thì tình yêu của mẹ sẽ giúp con tìm hướng sáng, phân định đúng sai, mẹ là chỗ dựa tinh thần chứ không phải liều lĩnh, thách thức pháp luật và lẽ phải.
Trong vở kịch này, người mẹ ráo riết lần theo đường dây công lý để “vung tiền mua”, tìm mọi cách để quản giáo không hành tội con mình, thậm chí còn gửi… gối ôm vào tù vì con trai cưng đã sống trong nhung lụa từ trứng nước. Nếu thoát ngục, con của bà sẽ mãi bị cầm tù trong sự u mê, tăm tối.
Mẹ - một đại từ vốn hàm chứa sự phi thường, nhưng nếu yêu con sớm hơn, với những cách thức khác hơn, thì sự phi thường ấy mới đem đến điều tích cực, cứu rỗi.
Ở Việt Nam, thời điểm này, nếu vào trang Google thử gõ từ khóa “mẹ của tử tù”, trang sẽ tự động hiện lên những bài viết, clip về hành trình của người mẹ kêu cứu cho tử tù Hồ Duy Hải (người mang án giết hai cô gái ở bưu điện Cầu Voi, H.Thủ Thừa, tỉnh Long An năm 2008).
Vì đâu trang mạng vô tri tự động điền thêm vào như thế? Có phải vì đó là người mẹ điển hình của tình yêu con mù quáng như một số bài viết đả kích? Hay vì hành trình 12 năm ròng của trái tim đau đáu, của niềm tin bất diệt rằng con mình bị oan khuất đã đánh động vào tâm khảm bao người?
Kiên trì nộp đơn kêu oan, gào khóc, phẫn uất khi bị bài bác, nhưng vẫn trong khuôn khổ tôn trọng pháp luật, bà mẹ đã làm tất cả những gì có thể để cứu con mình. Bà gửi lời thống thiết mong mỏi hệ thống tư pháp nước nhà minh bạch, hoàn thiện hơn. Đó cũng là một sự tận lực và vượt qua nhiều giới hạn - nhưng không đi bằng con đường “đào ngục”.
|
Nhà tù nơi cậu con trai của bà mẹ đào hầm đang thụ án chung thân |
Không có người mẹ tốt hay xấu trong những nỗ lực tương tự. Điều đó, trong một khuôn khổ sẽ được pháp luật minh định. Sự khác nhau còn lại chính ở cách người ta chọn rẽ vào lối nào của tình yêu. Ở những ngã rẽ đó, có bà mẹ chọn để tình yêu của mình làm con lớn lên bằng cả những thách thức và trả giá cần thiết, có người chỉ bằng mọi giá bảo toàn cho con.
Nhưng câu trả lời cho mọi câu hỏi về những điều bền bỉ, phi thường đó, đều chỉ có một điều đơn giản: vì bà là Mẹ.