Hôm 25/4, khi được hỏi về khả năng tổ chức một cuộc gặp trực tiếp giữa các phái đoàn Nga và Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết, các điều kiện vẫn chưa được đưa ra. "Ngay sau khi hai bên thống nhất được những thỏa thuận có ý nghĩa để tổ chức một cuộc trao đổi quan điểm thực chất, thì vấn đề này sẽ được xem xét. Tuy nhiên, điều nêu trên vẫn chưa xuất hiện", ông Rudenko phát biểu trước các phóng viên.
Cuộc gặp trực tiếp gần đây nhất giữa phái đoàn Nga và Ukraine là vào ngày 29/3 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào ngày 7/4 cho biết, các tài liệu Ukraine gửi cho Nga đã đi chệch khỏi những gì đã thống nhất, đồng thời cáo buộc Kiev không thiện chí đàm phán.
|
Cuộc gặp trực tiếp giữa Nga và Ukraine gần đây nhất tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3. Ảnh: TASS |
Trong khi đó, hôm 23/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo sẽ dừng đàm phán nếu Nga "tổ chức trưng cầu dân ý 'giả' tại các vùng lãnh thổ Ukraine đang bị Nga kiểm soát", hoặc "người dân ở Mariupol bị tiêu diệt".
Ông Zelensky đồng thời tuyên bố sẽ "ngay lập tức"chiếm lại bất kỳ lãnh thổ nào bị Nga kiểm soát với sự hỗ trợ vũ khí từ phương Tây. "Nếu chúng tôi có đủ vũ khí, chúng tôi sẽ ngay lập tức bắt đầu tái chiếm lãnh thổ, giành lại bất cứ thứ gì họ đã chiếm đóng", ông Zelensky nói.
Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự tại nước làng giềng vào hồi cuối tháng 2, sau khi cáo buộc Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014, sau đó là sự công nhận của Moscow đối với các nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass như Donetsk và Lugansk.
Trong khi Điện Kremlin kể từ đó luôn yêu cầu Ukraine là một quốc gia "hòa bình, tự do, độc lập và trung lập, không phải thành viên của NATO hay các khối quân sự khác", thì Kiev khẳng định chiến dịch quân sự của Nga là hoàn toàn vô cớ, đồng thời bác bỏ tuyên bố rằng họ đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.