New Zealand: Mong muốn sớm nâng cấp quan hệ chiến lược với Việt Nam

Google News

Mong muốn nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược đã được Wellington thể hiện. Cuộc gặp giữa hai thủ tướng trong ngày hôm nay có thể thúc đẩy thêm tiến trình này.

“Chúng tôi rất muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên thành đối tác chiến lược. Đó sẽ là cú hích lớn cho quan hệ song phương”.
Một viên chức ngoại giao của New Zealand tại Hà Nội thừa nhận với Zing.vn trong cuộc gặp hồi đầu tháng 2 khi việc chuẩn bị hậu cần cho chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang tăng tốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nông nghiệp New Zealand Damien O'Connor sáng 13/3 chứng kiến lễ ký biên bản giữa VCCI và Chương trình liên kết chính phủ New Zealand (G2G) về hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên. Ảnh: Thanh Tuấn.
Đà tăng trưởng mạnh
Mong muốn nâng cấp này không phải là mới khi thường xuyên được nhắc trong các trao đổi cấp cao giữa hai bên mấy năm qua. Ở châu Đại dương, xứ sở của Kiwi cũng không muốn chậm chân hơn nước láng giềng Australia trong việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam.
Trên thực tế, cả Hà Nội và Wellington đều nhìn thấy tác động tích cực với quan hệ khi thúc đẩy sâu hơn mối liên kết. Những thành tựu về thương mại, giao thương thể hiện rõ điều này.
Năm 2017, lượng du khách từ hai bên đã tăng rất mạnh với số khách từ New Zealand tới Việt Nam tăng 41% kể từ 2015, sau khi mở đường bay trực tiếp giữa Auckland tới TP.HCM vào 2016 cũng như chương trình e-visa hai bên áp dụng cho nhau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nhà đầu tư New Zealand đầu tư nhiều hơn vào thị trường 100 triệu dân ở Việt Nam. Ảnh: Thanh Tuấn.
“Việt Nam đang là điểm ‘nóng’ đối với người New Zealand. Rất nhiều người khi tìm các điểm du lịch mới, lạ muốn nhắm tới Việt Nam. Cảm nhận của những người đã đến Việt Nam đều rất tích cực”, viên chức ngoại giao này nói.
Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - New Zealand sáng 13/3, Bộ trưởng Nông nghiệp New Zealand Damien O’Connor nhấn mạnh việc Việt Nam là “đối tác thương mại phát triển nhanh nhất của New Zealand ở ASEAN” với thương mại tăng 32% trong năm ngoái và kim ngạch tăng gấp 3 lần kể từ 2009 tới nay.
“Phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - New Zealand là rất quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ leo thang trong năm vừa qua”, ông nói.
Thương mại hai chiều trong năm 2017 cũng tăng mạnh 32% đạt 1,25 tỷ USD (số liệu New Zealand tính, bao gồm cả dịch vụ). Dòng chảy hàng hóa hai bên đã tăng mạnh gấp 3 lần kể từ khi hiệp định thương mại tự do AANZFTA (ASEAN Australia New Zealand FTA) có hiệu lực từ 2010. Việt Nam là thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của New Zealand tại Đông Nam Á.
Lượng du khách từ hai bên đã tăng rất mạnh sau khi đường bay thẳng TP.HCM - Auckland được mở. Ảnh: AFP.
Với việc hai nước vừa ký kết hiệp định CPTPP (TPP-11) tuần trước ở Santiago, Chile, kim ngạch thương mại song phương nhiều khả năng sẽ còn những đột phá mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc nói chuyện với kiều bào Việt Nam cũng nhắc lại mong muốn nâng cấp này của New Zealand và nói “chúng ta đang xem xét”. Thủ tướng cũng nhắc việc New Zealand có đồng quan điểm với Việt Nam trong các vấn đề khu vực như Biển Đông, như việc giải quyết tranh chấp bằng hòa bình và tuân thủ theo Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về luật biển.
Cuộc gặp chính thức giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày hôm nay sẽ là cú hích quan trọng cho việc hướng tới nâng cấp quan hệ giữa hai bên. Ở nhịp độ hiện tại, hai bên vẫn duy trì quan điểm “tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, hướng tới đối tác chiến lược”.
Tiềm năng cho việc hợp tác này đang có sẵn khi số lượng sinh viên Việt Nam tới New Zealand hiện đã đạt 2.500 người và đà tăng của du học sinh vẫn đang tiếp tục.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - New Zealand sáng 13/3 thu hút khoảng hơn 250 đại diện doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Tuấn.
Thay đổi nhận thức
Haike Manning, cựu đại sứ New Zealand tại Việt Nam giai đoạn 2012-2016 và chứng kiến một loạt những tăng trưởng trong quan hệ song phương, sau khi hoàn tất nhiệm kỳ đại sứ đã chọn ở lại Việt Nam để theo đuổi lĩnh vực giáo dục - một trong những điểm nhấn của quan hệ song phương. Số lượng sinh viên Việt Nam sang học tại mảnh đất Kiwi hiện đã đạt 2.500 người và tiềm năng cho lĩnh vực này hiện vẫn còn rất lớn.
Trong bài viết trên Asia Media Centre trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Manning đã kêu gọi sự thay đổi hơn nữa góc nhìn về Việt Nam.
Cựu đại sứ Manning chỉ ra mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay không phải là gạo, café hay giày da, quần áo như mọi người thường nghĩ. Thực tế trong năm ngoái mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại di động với giá trị lên tới 45 tỷ USD.
“Việt Nam đang thay đổi nhanh. TP.HCM đang nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm start-up nóng nhất của châu Á. Người Việt Nam đang ngày càng hiểu sâu công nghệ cho cả các mục tiêu xã hội và thương mại”, ông viết.
“Nếu chúng ta muốn hợp tác hiệu quả, chúng ta cần đảm bảo những hiểu biết của chúng ta cần bắt kịp được với thực tế của đất nước thay đổi nhanh chóng này”, cựu đại sứ Manning nhấn mạnh.
Cựu đại sứ Manning cho rằng TP.HCM đang nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm start-up nóng nhất của châu Á. Ảnh: AFP.
Với New Zealand, ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Jacinda Ardern nói với TTXVN rằng "New Zealand là một đối tác tự nhiên của Việt Nam với những thế mạnh nổi tiếng thế giới về đổi mới, đặc biệt trong những lĩnh vực như thực phẩm và đồ uống chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục quốc tế".
"Về cơ bản, Hà Nội vẫn sẽ là đối tác quan trọng của Wellington tại châu Á - Thái Bình Dương", giáo sư Derek McDougall nói với Zing.vn.
Theo Thanh Tuấn/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)