|
Hạm đội tàu sân bay Mỹ.
|
Các nghị sĩ lưỡng đảng cho biết, họ đang lên kế hoạch kiểm tra, giám sát trên phạm vi rộng, toàn diện việc triển khai các lực lượng Mỹ cũng như chiến lược tối ưu hóa các quan hệ an ninh trong khu vực. Họ cũng lên kế hoạch tổ chức 5 cuộc điều trần từ nay cho tới đầu năm 2014, tập trung chủ yếu vào chủ đề sức mạnh quân sự đang gia tăng mạnh mẽ của Trung Quốc. Các chủ đề quan trọng khác bao gồm, các khả năng và năng lực không gian của Mỹ, kế hoạch hiện đại hóa Hải quân, Không quân và các tranh chấp hàng hải.
Các nghị sĩ nhấn mạnh, một trong các mục đích của Ủy ban Quân vụ Hạ viện là để giải thích cho phần còn lại của Quốc hội và công chúng Mỹ về tầm quan trọng chiến lược của chính sách “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương của Washington. Tại Mỹ, Quốc hội không lập ra các chính sách nhưng có khả năng tác động và kiểm soát nguồn ngân sách dành cho mỗi quyết sách.
“Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là khả năng hiện diện. Nếu chúng tôi hiện diện ở đây (châu Á-Thái Bình Dương), mọi người sẽ thấy khu vực này có được sự ổn định nhất”, Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Randy Forbes cho biết trong một cuộc họp báo về các phiên điều trần sắp tới.
Trong khi đó, Dân biểu Đảng Dân chủ Adam Smith khẳng định, Ủy ban sẽ xem xét các biện pháp để đảm bảo các cam kết liên minh của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời nỗ lực xây dựng thêm các quan hệ khác trong khu vực.
“Một trong những yếu tố quan trọng trong vấn đề này là năng lực của đối tác. Các đối tác của chúng ta phải củng cố, tăng cường khả năng để không hoàn toàn phụ thuộc, dựa dẫm vào chúng ta”, ông Adam Smith nhấn mạnh.
Ông Smith cũng chủ trương Mỹ nên hợp tác với Trung Quốc (đặc biệt là trong vấn đề Triều Tiên và chuyển giao quyền lực ở Afghanistan) trong bối cảnh con rồng châu Á xem chiến lược xoay trục của Mỹ là nhằm mục đích bao vây, kiềm chế sức mạnh đang lên của họ.
Chủ tịch Ủy ban, Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Howard McKeon cũng ủng hộ quân đội Nhật Bản – vốn bị hạn chế nhiều bởi Hiến pháp hòa bình - tìm kiếm vai trò tích cực hơn để đáp trả và đối phó với những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.
“Bổn phận và trách nhiệm của chúng tôi là phải làm tất cả những gì có thể giúp củng cố và tăng cường khả năng của các đối tác để họ có thể tự hành động nhiều hơn khi cần thiết”, ông McKeon phát biểu.
Tuy nhiên, một số quốc gia châu Á tỏ ra nghi ngại về các cam kết của Washington đối với khu vực khi bản thân họ phải vật lộn với khủng hoảng ngân sách, chia rẽ chính trị trong nước cũng như những cuộc khủng hoảng ở Trung Đông.